Tại các cuộc họp gần đây, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu “Không để khủng hoàng năng lượng”, trong đó, một trong những giải pháp được nhấn mạnh chính là tiết kiệm năng lượng. Vậy vì sao phải tiết kiệm năng lượng? Vì sao tiết kiệm điện được coi là “nguồn năng lượng đầu tiên”?
“Khách hàng có khả năng chi trả cho nhu cầu sử dụng điện, tại sao phải khuyến cáo tiết kiệm điện?” - đó là câu hỏi được không ít người dùng điện đặt ra. Câu trả lời đầu tiên được các chuyên gia nhấn mạnh, nhiều nguồn năng lượng sơ cấp để sản xuất ra điện là nhiên liệu hoá thạch, trong đó điện sản xuất từ than, dầu, khí… đang chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống điện quốc gia. Đây là các nguồn tài nguyên hữu hạn, có giá thành đắt đỏ, và Việt Nam đang phải phụ thuộc nhập khẩu từ bên ngoài.
Việc sử dụng điện không hiệu quả, thậm chí lãng phí, không tiết kiệm cũng đồng nghĩa với việc Nhà nước, ngành điện phải chi trả nhiều chi phí cho nhập khẩu năng lượng (than, khí, dầu...), và phải xây thêm nhiều nhà máy điện. Nhưng quan trọng hơn, việc sử dụng điện không tiết kiệm sẽ tác động lớn tới môi trường thông qua các chất thải, khí thải từ quá trình khai thác và sản xuất điện năng. Ngay cả việc tăng cường khai thác các nguồn năng lượng tái tạo thì việc phải đầu tư nhiều trang trại điện gió hay các nhà máy điện mặt trời quy mô lớn cũng đồng nghĩa phải xây thêm nhiều đường dây truyền tải, cũng phải đánh đổi đất, rừng… và con người vẫn phải chịu những ảnh hưởng từ tiếng ồn của điện gió, hay việc xử lý tấm pin lưu trữ năng lượng…
Theo ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nếu chúng ta sử dụng điện đúng lúc, đúng chỗ, đúng nhu cầu thì sẽ tiết kiệm được nhiều điện. Chi phí để sản xuất, truyền tải và phân phối 1 kWh điện tới người tiêu dùng cuối cùng cao gấp 4, 5 lần so với chi phí để tiết kiệm 1kWh. Nếu mỗi khách hàng/doanh nghiệp và người dân sử dụng các giải pháp tiết kiệm điện (đơn giản là thay đèn compact bằng đèn LED) thì cả nước có thể tiết kiệm hàng triệu kWh điện mỗi năm, tương ứng giảm chi phí tiền điện hàng nghìn tỷ đồng/năm. Ông Trần Viết Nguyên nhấn mạnh, ở nhiều quốc gia tiết kiệm điện còn được coi là “nguồn năng lượng đầu tiên”.
"Thế giới họ nhìn nhận việc tiết kiệm điện và gọi là nguồn năng lượng đầu tiên, có nghĩa là chúng ta chưa phải có nguồn năng lượng từ xây dựng nhà máy, hệ thống điện từ đâu, nhưng chúng ta có thể thực hiện được ngay các biện pháp thay đổi hành vi trong sử dụng để chúng ta sử dụng điện một cách hiệu quả và tiết kiệm. Đây được hiểu là nguồn năng lượng đầu tiên và chúng ta cần phải thực thi"- ông Trần Viết Nguyên cho biết".
Trên thực tế, Việt Nam đã xác định tầm quan trọng của tiết kiệm năng lượng nói chung, tiết kiệm điện nói riêng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia gắn với bảo vệ môi trường và điều này đã được luật hoá tại Luật Điện lực và Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, thông tin, "vấn đề tiết kiệm điện hay tiết kiệm năng lượng là một vấn đề hết sức quan trọng. Tôi nhấn mạnh đây là một chính sách, một thể chế hết sức quan trọng của Chính phủ. Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được ban hành vào năm 2010, trong đó luật quy định chúng ta phải xây dựng nếp sống, thói quen, ý thức tiết kiệm năng lượng trong sử dụng các thiết bị chiếu sáng và gia dụng. Đây là điều đã được luật hóa, bằng các văn bản quy định của luật. Việc khuyến khích khích sử dụng năng lượng tiết kiệm được coi là quốc sách. Và như vậy các khách hàng sử dụng điện áp dụng vào trong thực tế để vừa tiết kiệm điện cho quốc gia, vừa tiết kiệm cho chi phí của chính khách hàng sử dụng điện bao gồm cả doanh nghiệp cũng như là người dân…"
Theo nhiều chuyên gia, hiện nay, các văn bản Luật chủ yếu khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, còn thiếu các chế tài xử lý việc lãng phí năng lượng. Do vậy, cùng với việc điều hành giá năng lượng theo cơ chế giá thị trường, cùng với sửa luật, đưa ra các chế tài khắt khe hơn, cũng cần tính tới nguồn điện có được từ hoạt động tiết kiệm, hiệu quả trong Chiến lược phát triển Điện lực quốc gia. Theo đó, cần mạnh dạn tính tới số lượng công suất điện cụ thể cho hệ thống từ chính nguồn điện tiết kiệm được từ các giải pháp hiệu quả năng lượng.
Đánh giá giá cao bản Dự thảo Quy hoạch điện 8 lần này đã nghiên cứu các phương án hiệu quả năng lượng ở mức cao hơn, trong đó đã tính đến kịch bản quản lý phụ tải, điều chỉnh nhu cầu, tiết kiệm năng lượng. PGS. TS Nguyễn Đức Huy – Trưởng Khoa điện, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, "tiết kiệm năng lượng là một bài toán rất là lớn. Hiệu quả năng lượng từ thay thế thiết bị hiệu suất thấp bằng bị hiệu suất cao v.v. chỉ là một phần của giải pháp thôi. Chúng ta có thể có rất nhiều giải pháp khác nữa, đơn cử như việc điều chỉnh hành vi của phụ tải. Có rất nhiều các phụ tải điện có thể thay đổi được hành vi của họ, thông qua đó thì làm giảm được nhu cầu năng lượng. Ví dụ như từ các điều hòa, cắt bớt một số phụ tải trong những thời điểm không cần thiết hoặc điều chỉnh thời gian/khung thời gian để sử dụng điện… Những cái đó thì giải pháp không chỉ đơn giản là các biện pháp về hiệu quả năng lượng mà chúng ta còn có những công cụ khác, ví dụ như là việc sử dụng các cơ chế của thị trường điện, các quy định về pháp lý cho phụ tải mà họ có thể điều chỉnh hành vi của họ, thông qua đó nâng cao hiệu quả chung..".
Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 2 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu quan điểm chỉ đạo“Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội”. Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết đưa phát thải ròng về 0 (NET ZERO) vào năm 2050. Theo các chuyên gia, chỉ khi chúng ta nghiêm khắc với khả năng cung ứng, sự tới hạn của nguồn cung thì bài toán sử dụng năng lượng tiết kiệm mới thực sự hiệu quả.
Theo: Trang tin điện tử Ngành điện