Thứ năm, 28/03/2024 | 17:02 GMT+7

Đánh thức điện sinh khối

26/12/2021

Với tiềm năng sản xuất năng lượng sinh khối đa dạng, theo các chuyên gia, Việt Nam cần đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa nguồn năng lượng sạch này trong tương lai.

Theo tính toán của Viện Năng lượng Việt Nam, nguồn năng lượng sinh khối của nước ta dồi dào với tổng nguồn sinh khối vào khoảng 118 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, hiện nay, việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng sinh khối rất thấp, chỉ chiếm 0,14% lượng điện thương phẩm và 0,94% công suất lắp đặt trên toàn quốc (522,27MW).
Việt Nam khuyến khích phát triển điện sinh khối
Ông Nguyễn Anh Tuấn - đại diện Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) - cho biết, Việt Nam đã ban hành rất nhiều cơ chế khuyến khích phát triển điện sinh khối; trong đó, cơ chế hỗ trợ giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) cũng đã được Chính phủ nghiên cứu và đề xuất giá mua điện cao hơn so với trước đây. Mặc dù vậy, điện sinh khối vẫn còn "khiêm tốn". Hiện, Việt Nam mới có khoảng 10 dự án nhà máy điện sinh khối và chỉ có 3 dự án được ghi nhận công suất trên Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, bao gồm: Nhà máy KCP - Phú Yên, nhà máy điện sinh khối An Khê (Gia Lai) và nhà máy điện sinh khối Bourbon (Tây Ninh). Công suất điện sinh khối chiếm tỷ lệ dưới 1% tổng công suất lắp đặt của cả nước, tuy nhiên điện thương phẩm được đưa lên lưới tiêu thụ thậm chí chỉ có hơn 0,1%.
Lý giải về những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của nguồn năng lượng này, theo ông Tuấn, đó là giá nhiên liệu thay đổi theo mùa vụ, khả năng cung cấp nhiên liệu thiếu ổn định và bền vững; vốn đầu tư ban đầu khá lớn; cơ chế giá khuyến khích mua điện chưa hấp dẫn các nhà đầu tư; thiếu kinh nghiệm phát triển, kỹ sư và nhân công lành nghề các dự án nhiên liệu sinh học...
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển nguồn năng lượng sinh khối tại một số quốc gia trên thế giới, ông Mathias Eichelbronner - chuyên gia quốc tế về năng lượng sinh khối (GIZ) - cho hay: Hiện nay, nhiều nước trong khu vực đã có mức giá ưu đãi FIT (một giá) với điện sinh khối rất tốt như Thái Lan, Malaysia... Việt Nam cũng đã có cơ chế giá FIT, tuy nhiên, chưa đủ để khuyến khích loại hình năng lượng này phát triển. Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ người dân vùng nguyên liệu, cơ giới hóa, hướng tới mục tiêu phát triển nền năng lượng carbon thấp...
Theo đại diện Viện Năng lượng, cần tăng cường hơn nữa các cơ chế, chính sách để nhà đầu tư quan tâm hơn tới phát triển điện sinh khối, điện rác để vừa thân thiện môi trường, đảm bảo cung cấp điện…
Theo: Báo Công Thương