Thứ sáu, 29/03/2024 | 18:52 GMT+7

Hà Nội nhân rộng mô hình sử dụng năng lượng xanh

22/07/2021

Phát triển các mô hình sử dụng năng lượng xanh trong công trình xây dựng và cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm của TP. Hà Nội đã bước đầu phát huy hiệu quả.

Phát triển các mô hình sử dụng năng lượng xanh trong công trình xây dựng và cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm của TP. Hà Nội đã bước đầu phát huy hiệu quả.

Giới thiệu sản phẩm tiết kiệm điện.

Thiết bị điện có hiệu suất cao

Một trong những giải pháp của Hà Nội là thúc đẩy các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm chuyển đổi thiết bị sử dụng điện có hiệu suất thấp sang có hiệu suất cao. Cụ thể, trong năm 2020, Sở Công Thương Hà Nội đã vận động, hướng dẫn trên 80 cơ sở tham gia công nhận danh hiệu Cơ sở sử dụng năng lượng xanh theo tiêu chí của thành phố. Qua đó, đã đánh giá và công nhận danh hiệu Cơ sở sử dụng năng lượng xanh cho 42 cơ sở, trong đó, có 19 cơ sở, công trình xây dựng sử dụng năng lượng trọng điểm đã triển khai thực hiện 112 giải pháp, tiết kiệm được 8.130,8 TOE, tương đương 84,01 tỷ đồng trong vòng đời dự án 3 năm. Theo kế hoạch sử dụng năng hiệu quả trong 5 năm tới, 19 cơ sở này sẽ tiết kiệm 8.401,1 TOE, tương đương với 86,8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, 11 cơ sở sử dụng nhiều năng lượng cũng đã triển khai thực hiện 48 giải pháp, tiết kiệm được 391,7 TOE, tương đương 3,4 tỷ đồng trong vòng đời dự án 3 năm. Kế hoạch sử dụng năng hiệu quả trong 5 năm tới, 11 cơ sở này sẽ tiết kiệm 652,4 TOE, tương đương với 5,6 tỷ đồng.

Sở Công Thương Hà Nội đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản lý năng lượng. Bước đầu, có 4 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực linh kiện, phụ tùng kim loại trên địa bàn thành phố được hỗ trợ trong năm 2020 với 19 giải pháp được tư vấn có tiềm năng tiết kiệm 65 TOE, tương đương 0,8 tỷ đồng, giúp giảm phát thải 349,7 tấn CO2 và 2 doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý năng lượng.

Phát triển mô hình hộ gia đình tiết kiệm điện

Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong cộng đồng dân cư, hộ gia đình. Đồng thời, tuyên truyền giảm tối đa sử dụng chiếu sáng bằng bóng đèn sợi đốt, tăng cường ứng dụng công nghệ tái tạo năng lượng, sử dụng năng lượng mặt trời; khuyến khích các hộ gia đình sử dụng đèn Led, lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái.

Kết quả, hết năm 2020, thành phố đã có hơn 1.600 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt 19,53 MWp, sản lượng điện phát lên lưới điện 3.887.722 kWh. Trong năm 2020, đã có 1.195 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt 16,11 MWp.

Trong cao điểm hè năm 2020, Hà Nội đã triển khai tuyên truyền tiết kiệm điện đến 100.000 hộ gia đình tiêu thụ nhiều điện trong tháng 5/2020 thông qua gửi tin nhắn SMS với thông điệp: “Thành phố Hà Nội chung tay tiết kiệm điện, tắt thiết bị điện khi không sử dụng”. Đồng thời, phát động và tổ chức Hội nghị phát động cao điểm hè về sử dụng tiết kiệm điện năm 2020; tổ chức 40 hội nghị tuyên truyền, tập huấn kỹ năng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng cho các hộ gia đình tại quận, huyện/thị xã trên địa bàn TP. Hà Nội; phát hành 12.000 sổ tay hướng dẫn kỹ năng sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trong hộ gia đình. Thành phố cũng hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã công nhận 11.400 hộ gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng tiêu biểu cấp quận, huyện, thị xã; công nhận 1.050 hộ gia đình tiêu biểu sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trên địa bàn năm 2020.

Năm 2021, Hà Nội phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,0 - 1,4% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, thành phố đang tiếp tục tư vấn, kiểm toán năng lượng, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng chỉ số hiệu quả năng lượng; xây dựng hệ thống quản lý năng lượng; đẩy mạnh áp dụng công nghệ số…, đảm bảo phù hợp với điều kiện, khả năng của từng doanh nghiệp.

Theo: Báo Công Thương