Thứ năm, 28/03/2024 | 22:47 GMT+7

Phát triển năng lượng tái tạo: Xu hướng, lợi ích và cơ hội thị trường

14/07/2020

Với tiềm năng lớn về nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo (NLTT), Việt Nam có thể đẩy mạnh hơn nữa phát triển điện mặt trời, điện gió, đáp ứng nhu cầu điện tăng trưởng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa tạo ra lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.

Lợi ích to lớn

Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế từ năm 2021 trở đi vẫn tăng trưởng ở mức cao từ 8-10%/năm. Trong khi đó, nguồn năng lượng sơ cấp trong nước đã tới hạn, dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu than và khí, sắp tới là khí hóa lỏng. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến khô hạn, hồ thủy điện thiếu nước để sản xuất; một số dự án nhiệt điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh bị chậm tiến độ gây áp lực rất lớn đảm bảo nguồn cung điện.

Trong bối cảnh đó, việc phát triển nguồn NLTT, nhất là điện gió và điện mặt trời nối lưới, mái nhà được xem là xu hướng tất yếu, là một trong những giải pháp quan trọng góp phần khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên tái tạo để phát điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc phát triển nguồn NLTT, vừa bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa tận dụng được nguồn đất hoang hóa không thể canh tác nông nghiệp đối với dự án nối lưới; tận dụng được hàng chục triệu mái nhà của hộ dân, cơ quan, công sở, khu – cụm công nghiệp để lắp đặt điện áp mái; bổ sung kịp thời các nguồn điện đang chậm tiến độ; gia tăng lợi ích kinh tế cho địa phương, doanh nghiệp và tạo việc làm cho người lao động; giúp hình thành ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của đất nước; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển nguồn NLTT. Bộ Công Thương cũng có Quyết định 2023/QĐ- BCT ngày 5/7/2019 phê duyệt Chương trình phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019-2025 và nhiều thông tư hướng dẫn cùng các chương trình kế hoạch triển khai thực hiện.

Với cơ chế thông thoáng cùng sự vào cuộc tích cực của Bộ Công Thương, địa phương, các doanh nghiệp và sự hỗ trợ tích cực của ngành điện, chỉ trong vài năm trở lại đây, điện NLTT đã có bước phát triển vượt bậc, đạt trên 5.500 MW. Riêng với điện mặt trời, đã có 5.000 MW đi vào vận hành; trong đó, các dự án quy mô nối lưới đạt khoảng 4.500 MW, điện mặt trời mái nhà đạt trên 31.570 dự án với tổng công suất 657,88 MWp. NLTT đã đóng góp mỗi tháng trên 3 tỷ kWh, chiếm khoảng 10% công suất và 6% sản lượng thương phẩm cả nước. 

Tìm cơ chế thúc đẩy thị trường

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mặc dù đã đạt những kết quả, song sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của NLTT thời gian qua cũng còn gặp một số hạn chế. Đơn cử như hạ tầng lưới điện truyền tải đã không theo kịp tiến độ của các dự án NLTT, dẫn đến các dự án điện gió, điện mặt trời quy mô nối lưới ở một số địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận đã không giải tỏa hết 100% công suất ở một số thời điểm nhất định. Đối với điện mặt trời mái nhà, dù rất tiềm năng và dễ làm nhưng cũng chưa đạt như kỳ vọng vì chi phí đầu tư ban đầu còn khá cao, chưa có sự tham gia hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức tài chính. 

Thị trường sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời khá đa dạng nhưng chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể về chất lượng, an toàn. Gần đây phát sinh thêm thủ tục cấp phép của ngành xây dựng… đã gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp muốn đầu tư.

Tiềm năng và lợi thế của khu vực miền Trung và Nam bộ còn rất lớn, lên tới trên 30.000 MW. Dù không thể thay thế nguồn điện nền (thủy điện, nhiệt điện) nhưng nếu phát triển bài bản, có kế hoạch thì nguồn NLTT cũng sẽ giải quyết được một phần nhu cầu điện trong khu vực.

Để đạt được mục tiêu đề ra, cần tiếp tục tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch; tháo gỡ những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện; hoàn thiện khung khổ pháp lý, đặc biệt là những cơ chế, chính sách sắp tới như cơ chế giá mua bán điện, xã hội hóa lưới điện truyền tải, đấu thầu dự án đối với dự án nối lưới; sửa đổi quy định hạn chế về số MW điện mặt trời mái nhà cho phù hợp, có những hướng dẫn về tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm, thiết bị đối với điện mặt trời mái nhà.

Theo Báo Công Thương