Thứ sáu, 29/03/2024 | 22:44 GMT+7

Hiệu quả từ mô hình sử dụng điện năng lượng mặt trời tưới vườn cây ăn trái

22/04/2020

Ông Nguyễn Dương Tiễn ngụ xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười sau gần 6 tháng lắp đặt hệ thống điện NLMT phục vụ cho nhu cầu tưới vườn tại gia đình, cho biết, nên đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời (NLMT) cho khâu tưới vườn.

Ông Nguyễn Dương Tiễn ngụ xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười sau gần 6 tháng lắp đặt hệ thống điện NLMT phục vụ cho nhu cầu tưới vườn tại gia đình, cho biết, nên đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời (NLMT) cho khâu tưới vườn.

Ông Tiễn sử dụng remote điều khiển hệ thống tưới nước.

“Theo tôi, nếu vườn cây ăn trái có diện tích trên 5 công đất (5.000m2) thì nên đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời (NLMT) cho khâu tưới vườn. Bởi với diện tích này, thường là chi phí tiền điện cho việc tưới vườn sẽ không dưới 1 triệu đồng/tháng, nhưng nếu tưới bằng hệ thống điện mặt trời sẽ tiết kiệm nhiều chi phí mà còn có thể bán lại lượng điện dư thừa từ việc hòa vào lưới điện quốc gia”, ông Nguyễn Dương Tiễn chia sẻ.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn chanh, mít, bưởi… xanh mướt của gia đình, ông Nguyễn Dương Tiễn cho biết, vườn chanh của gia đình ông đã trồng trên 15 năm. Thời gian đầu, ông Nguyễn Dương Tiễn chỉ lên vườn 3.000m2 trồng chanh, thấy mô hình làm vườn có hiệu quả, ông tiếp tục chuyển đổi 9.000m2 trồng thêm chanh, mít… “Nếu so về hiệu quả kinh tế thì 1 công vườn có thể bằng 4-5 công đất lúa, tuy nhiên chi phí đầu tư cho vườn cũng cao hơn, đặc biệt là việc tưới tiêu. Với diện tích 12.000m2 vườn, tôi phải lắp đặt 7 chiếc motor điện mới đảm bảo được công suất tưới. Tính chung, lượng điện phát ra là trên 200kWh/tháng, tương đương từ 1,3 – 1,5 triệu đồng tiền điện/tháng. Chưa kể những tháng nắng nóng có thể cao hơn” – ông Nguyễn Dương Tiễn cho biết.

Thấy việc tưới tiêu tốn quá nhiều chi phí, đồng thời được Phòng Nông nghiệp huyện Tháp Mười khuyến khích việc đầu tư hệ thống điện NLMT dùng để tưới vườn. Thấy đây là mô hình khá hiệu quả, tháng 11/2019 ông Tiễn quyết định đầu tư phục vụ sản xuất. Theo đó, cùng với nguồn hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp huyện là hơn 30 triệu đồng, ông Tiễn góp thêm vốn gần 100 triệu đồng đầu tư hệ thống điện NLMT với công suất 5kWh. Theo ông Tiễn, hệ thống này cũng đơn giản, chỉ là những tấm pin NLMT trên mái nhà có kết nối với hệ thống tích trữ điện. Khoảng 8 giờ sáng, khi nắng lên là hệ thống hoạt động tốt và có thể dùng điện cho tưới vườn và sinh hoạt trong gia đình.

“Tùy theo điều kiện thời tiết, tôi sẽ tiến hành tưới vườn 1 – 2 lần/ngày hoặc tưới cách ngày. Quy trình hoạt động đơn giản chỉ bằng việc khởi động hệ thống cầu dao. Với 12.000m2 vườn cây ăn trái, chỉ cần bật cầu dao điện, mở van, hệ thống tưới sẽ được hoạt động. Mỗi ngày, lượng điện dùng trong việc tưới vườn và sinh hoạt từ 7- 8kWh/ngày. Từ khi chuyển qua sử dụng nguồn điện NLMT, gia đình tôi đã tiết kiệm được hơn 200kWh/tháng cho sản xuất và sinh hoạt” – ông Tiễn cho biết.

Không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất, hệ thống điện NLMT còn có thể phát lên hòa vào điện lưới quốc gia, nên nhiều thời điểm điện mặt trời dư dùng trong sản xuất và sinh hoạt, gia đình ông Tiễn còn bán điện lại cho nhà nước, nhờ đó nhanh “lấy lại vốn” đầu tư. 

Ông Tiễn kiểm tra nguồn điện năng lượng mặt trời tích trữ trong ngày.

Theo ông Tiễn, sau khi trừ nguồn điện dùng trong sản xuất và sinh hoạt của gia đình, lượng điện tích trữ dư ra từ 22-26kWh/ngày, tương đương ông có thể bán điện lại cho lưới điện quốc gia khoảng 480-500kWh/tháng. Ông Tiễn nhẩm tính, khoảng 6-7 năm là có thể lấy lại vốn, trong khi thiết bị được bảo hành đến 20 năm.

Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu gần 100 triệu đồng cho hệ thống điện NLMT nhưng về lâu dài hệ thống này mang lại lợi ích khá cao. Theo ông Tiễn, nếu bà con nông dân có điều kiện nên đầu tư hệ thống này để phục vụ trong sản xuất và sinh hoạt thì sẽ rất hiệu quả. Mô hình điện NLMT cũng góp phần bảo vệ môi trường. Bởi thông thường, đối với diện tích vườn lớn, ngoài dùng motor điện thì người dân thường sử dụng máy bơm nước chạy bằng dầu phục vụ cho tưới tiêu, máy bơm sẽ thải ra một lượng khí thải từ khói của động cơ, ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, điện NLMT sẽ giải quyết được bài toán đó, đồng thời phát huy hiệu quả tối đa đối với những khu vực vùng nông thôn, khó khăn thiếu điện.

Nhờ ứng dụng hệ thống tưới và xử lý ra hoa đúng thời điểm, vườn chanh của ông Tiễn cho sản lượng cao hơn so với trước.

Theo ông Bùi Văn Sơn – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười, lắp đặt hệ thống điện NLMT kết hợp với công nghệ tưới tự động, tiết kiệm nước chi phí sản xuất cho vườn cây là rất cần thiết. Đây cũng là giải pháp hiệu quả đảm bảo sản xuất nông nghiệp phát triển trong điều kiện ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, tạo ra nguồn năng lượng sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Nhận thức được vai trò quan trọng đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện cùng với các cơ quan chuyên môn đã tư vấn, hỗ trợ chi phí cho nông dân Nguyễn Dương Tiễn ngụ xã Thanh Mỹ xây dựng mô hình điểm và mô hình trình diễn để nhiều nông dân học tập, ứng dụng vào sản xuất. Qua thực hiện mô hình, hiệu quả thấy rõ nhất đó là giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm điện và tạo thêm nguồn điện sạch cung cấp cho người dân…

“Để tăng hiệu quả của hệ thống điện NLMT, ngành nông nghiệp huyện Tháp Mười vừa tiếp tục hỗ trợ thêm một mô hình lắp đặt hệ thống điện NLMT cho khâu tưới vườn của một thanh niên ở xã Đốc Binh Kiều. Đây cũng là mô hình trình diễn thực tế để nhiều nông dân học tập, làm theo. Trong thời gian tới, ngành sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng phổ biến mô hình này đến người dân và khuyến khích các hộ có điều kiện đầu tư mô hình điện NLMT nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất”- ông Bùi Văn Sơn cho biết thêm.

Theo: Ánh sáng & Cuộc sống