Thứ bảy, 21/12/2024 | 23:23 GMT+7
“Nuôi tôm bây giờ càng ngày càng khó, nhiều yêu cầu đặt ra: Con giống phải chất lượng, quy trình nuôi phải đảm bảo kỹ thuật, giá vật tư phục vụ quá trình nuôi tôm cũng biến động thất thường, vốn đầu tư ban đầu đòi hỏi lớn… Do đó, muốn lợi nhuận phải tính toán đến việc tiết kiệm chi phí, trong đó, có vấn đề giảm tiêu thụ điện năng...”. Đó là tâm sự của nông dân Đào Văn Hiếu, ngụ ấp Bờ Kinh 1, xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.
Ông Đào Văn Hiếu (phải) và nhân viên Điện lực Cầu Ngang kiểm tra motor điện tại ao nuôi của gia đình.
Ông Đào Văn Hiếu cho biết: Sau khi cưới nhau, vợ chồng ông ra ở riêng, được cha mẹ cho 1,2ha đất ruộng. Do đây là vùng đất trũng, chỉ nuôi thủy sản (tôm sú và tôm thẻ chân trắng) là thích hợp nhất. Với diện tích 1,2ha, ông Đào Văn Hiếu quy hoạch thành 06 ao, trong đó có 02 ao lắng. Năm 2015, bắt đầu vụ nuôi đầu tiên, nhờ “mưa thuận, gió hòa”, nên 04 ao nuôi, đem lại lợi nhuận hơn 400 triệu đồng. Liên tiếp những vụ liền kề, do nguồn vốn ít, môi trường nuôi khó khăn, ông Đào Văn Hiếu thả nuôi luân phiên ao, giảm con giống… bình quân lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm/04 ao. Tuy lời ít, nhưng ăn chắc, an toàn; mở rộng quy mô khi rủi ro, sẽ gánh nợ.
Ông Hiếu chia sẻ, lợi nhuận từ nuôi tôm trong những năm qua, một phần nhờ áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện trong quá trình nuôi. "Cùng ấp, có ông Nguyễn Văn Thù đã dày dặn kinh nghiệm trong sử dụng các biện pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm. Ông Thù rất tận tình hướng dẫn nên tôi áp dụng, đạt hiệu quả khá cao trong mỗi vụ nuôi".
Trong ao nuôi tôm, hàm lượng ô-xy là yếu tố quyết định sự tồn tại và quá trình sinh trưởng, phát triển của tôm. Trong quy trình nuôi tôm, muốn năng suất cao, chất lượng tốt, việc sử dụng quạt nước, sử dụng quạt đúng thời điểm, vừa phải để tạo ô-xy là điều quan trọng và bắt buộc. Nhưng, làm thế nào để sử dụng quạt nước có hiệu quả nhất, giảm tiêu thụ điện năng đó mới là vấn đề đặt ra.
Theo ông Hiếu, khi tôm còn nhỏ, lượng ô-xy chưa cần nhiều, sử dụng quạt có con lăn nối liền với motor sao cho vòng quay vừa phải; cứ thế, nâng vòng quay phù hợp với độ tuổi và khả năng sinh trưởng của tôm. Như vậy vừa phù hợp, giúp tôm phát triển nhanh, vừa tiết kiệm điện. Song song đó, đốt đèn thắp sáng cho tôm vào ban đêm cũng phải quan tâm đến các yếu tố: Trong quá trình nuôi, cần xác định vị trí tôm thường tập trung ở nơi nào nhiều, mắc bóng đèn nơi đó. Mặt khác, khi tôm còn nhỏ, mắc ít bóng đèn, sao cho phù hợp với độ sáng để tôm phát triển, vì mắc nhiều, vào ban đêm, các loại côn trùng thường bu lại, rơi xuống mặt nước, có thể ảnh hưởng đến tôm, ảnh hưởng đến môi trường. Khi tôm phát triển, mắc bóng đèn nhiều hơn…
Ông Đào Văn Hiếu không cho biết cụ thể số tiền tiết kiệm điện của gia đình trong quá trình nuôi là bao nhiêu/năm, chỉ khẳng định là hiệu quả. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Triết, cán bộ kỹ thuật Điện lực Cầu Ngang (Công ty Điện lực Trà Vinh), với các biện pháp tiết kiệm điện của ông Đào Văn Hiếu, sẽ tiết kiệm chi phí điện năng cho gia đình từ 1,5-2 triệu đồng/ao/vụ nuôi 04 tháng.
Theo: EVN