Thứ sáu, 01/11/2024 | 15:22 GMT+7
Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan năng lượng toàn cầu (IEA) thì trong năm vừa qua lượng phát thải cacbon đã giảm 33 tỷ tấn nhờ vào các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo. Như vậy là sau 2 năm tăng liên tiếp (2016-2017), lượng phát thải cacbon toàn cầu năm 2019 duy trì ngang với năm 2018 mặc dù cả nền kinh tế vẫn ghi nhận mức tăng 3%.
Theo IEA, đạt được mức giảm phát thải cacbon này là nhờ những nỗi lực điều hướng của các nền kinh tế phát triển. Các nền kinh tế này, bao gồm Mỹ, châu Âu và một số quốc gia khác đang chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời và năng lượng gió, ngày càng nhiều so với việc khai thác các nguồn năng lượng truyền thống như than. Đóng góp vào thành tựu chung nào còn có các nhà máy năng lượng hạt nhân không cacbon tại Nhật Bản, Hàn Quốc và sự giảm tốc tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn như Ấn Độ.
Ở một khía cạnh khác, báo cáo ghi nhận 400 triệu tấn phát thải cacbon đã tăng tại các khu vực gồm các nền kinh tế đang phát triển, nơi nhu cầu tiêu thụ năng lượng và than đang liên tục tăng cao. Báo cáo cũng chưa thống kê mức phát thải đến từ các nguồn khác như sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sử dụng đất, cháy rừng...
Như vậy, tín hiệu vui là phát thải liên quan đến sử dụng năng lượng đã không tăng trên toàn cầu mặc dù điều này chưa giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu. Theo Ủy ban Khí hậu của Liên hợp quốc, để kiềm chế mức nhiệt nóng lên toàn cầu dưới 2oC, mức nguy hiểm sẽ phá hủy các rặng san hô và gây ra các nguy cơ không thể vãn hồi khác, cần cắt giảm 25% lượng phát thải cacbon trong thập kỷ tới và đạt mức không phát thải hoàn toàn vào năm 2070.
Hương Giang (lược dịch theo MIT Review)