Thứ tư, 09/10/2024 | 13:50 GMT+7

Điện mặt trời sẽ “soán ngôi” điện than nhanh hơn chúng ta tưởng

04/07/2017

Bức tranh toàn cảnh cho thấy năng lượng xanh đang “bén rễ” nhanh hơn hầu hết dự đoán của các chuyên gia.

Năng lượng mặt trời từng có lúc hết sức đắt đỏ và chỉ có hiệu quả kinh tế khi được sử dụng trên tàu vũ trụ, nhưng nay đang dần rẻ đi, thậm chí sẽ khiến các nhà máy điện than và khí đốt thiên nhiên không thể kinh doanh được nữa nhanh hơn các dự báo trước đây.

Đó là kết luận rút ra từ báo cáo triển vọng về thị trường điện và nhiên liệu đến năm 2040 do tổ chức nghiên cứu New Energy Finance thuộc doanh nghiệp Bloomberg L.P (BNEF) công bố. Nhóm nghiên cứu ước tính giá điện mặt trời đã cạnh tranh với giá điện than của các nhà máy mới xây dựng ở Đức và Mỹ và tình hình sẽ tương tự ở những thị trường tăng trưởng nhanh như Ấn Độ và Trung Quốc vào năm 2021.

Bức tranh toàn cảnh cho thấy năng lượng xanh đang “bén rễ” nhanh hơn hầu hết dự đoán của các chuyên gia. Điều đó có nghĩa là ô nhiễm carbon dioxide trên toàn cầu do sử dụng nhiên liệu hóa thạch có thể giảm sau năm 2026, ngược lại với dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế vốn cho rằng lượng khí thải sẽ tăng đều đặn trong hàng thập kỷ tới.

“Giá của các công nghệ về năng lượng mới đang giảm tới mức vấn đề cần cân nhắc giờ đây không phải là có sử dụng [những công nghệ này] hay không mà là khi nào”, Seb Henbest, nhà nghiên cứu tại BNEF ở London và là tác giả chính của báo cáo cho biết.

Báo cáo chỉ ra rằng cho tới năm 2040:

+ Trung Quốc và Ấn Độ đại diện cho những thị trường lớn nhất về năng lượng mới, thu hút được 4.000 tỉ USD đầu tư, tương đương khoảng 39% tổng đầu tư cho lĩnh vực này.

+ Giá điện gió từ các trạm điện gió ngoài khơi – cho đến gần đây vẫn là công nghệ năng lượng tái tạo chủ đạo đắt đỏ nhất – sẽ giảm tới 71%.

+ Ít nhất 239 tỉ USD sẽ được đầu tư vào pin lithium-ion nhằm biến các thiết bị trữ năng lượng trở thành cách khả thi để cung cấp điện một cách hiệu quả cho các hộ gia đình và lưới điện, đồng thời tăng khả năng sử dụng ô tô điện.

+ Khí thiên nhiên sẽ thu hút khoảng 804 tỉ USD đầu tư, nâng công suất phát điện lên thêm 16% và đưa nguồn nhiên liệu này trở thành đối trọng chính trong việc cân bằng thị trường năng lượng đang ngày càng phụ thuộc vào lượng điện được làm ra từ các nguồn năng lượng không liên tục như  gió và mặt trời.

Năng lượng tái tạo sẽ được đầu tư ngày càng nhiều so với năng lượng hóa thạch. Nguồn ảnh: BNEF.

Gây ấn tượng nhất là kết luận của BNEF về các nguồn năng lượng tái tạo và ảnh hưởng của chúng tới các nhiên liệu hóa thạch. Giá điện sản xuất từ các tấm pin quang điện chỉ còn gần bằng ¼ so với mức giá vào năm 2009 và có khả năng  sẽ giảm tiếp 66% vào năm 2040. Bên cạnh đó, giá năng lượng gió trên đất liền, vốn đã giảm 30% trong tám năm qua, sẽ giảm thêm 47% vào 2040.

Điều đó có nghĩa là, ngay cả ở những quốc gia đang đẩy nhanh quá trình xây dựng nhà máy điện than như Trung Quốc và Ấn Độ, thì năng lượng mặt trời vẫn bắt đầu mang lại nguồn điện có giá rẻ hơn vào đầu những năm 2020.

“Những điểm tới hạn đó đều đang xảy đến sớm hơn và chúng ta không thể phủ nhận rằng công nghệ này ngày càng rẻ hơn so với suy nghĩ của chúng ta trước đây,” ông Henbest nhận xét.

Theo BNEF, điện than sẽ là “nạn nhân” bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với các dự án có tổng công suất khoảng 369 GW bị hủy bỏ. Con số này tương đương với tổng công suất điện của Đức và Brazil cộng lại.

Sản lượng ngành than cũng sẽ giảm, ngay cả ở Mỹ, nơi tổng thống Donald Trump đang tìm cách thúc đẩy sản xuất năng lượng hóa thạch. BNEF tin rằng, đến năm 2040, sản lượng điện than ở Mỹ sẽ giảm xuống còn một nửa so với thời điểm hiện tại, sau khi các nhà máy điện than lâu năm không hòa lưới điện và đang được thay thế bởi các nguồn năng lượng rẻ hơn và ít gây ô nhiễm môi trường hơn như khí đốt và năng lượng tái tạo.

Ở châu Âu, sản lượng điện than sẽ giảm tới 87% do các bộ luật về môi trường đẩy cao chi phí đốt nhiên liệu hóa thạch. BNEF kỳ vọng rằng, nhu cầu cấp thiết về than đá trên toàn thế giới sẽ bắt đầu giảm từ khoảng năm 2026 do các chính phủ sẽ cắt giảm khí thải nhằm thực hiện cam kết theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Henbest khẳng định: “Donald Trump không thể đơn thương độc mã thay đổi cơ cấu của ngành năng lượng toàn cầu điều đó nằm ngoài khả năng của một tổng thống”.

BNEF kết luận rằng, đến năm 2040, điện gió và điện mặt trời chiếm khoảng một nửa công suất phát điện lắp đặt (tính bằng kw) của thế giới - hiện con số này là 12%, và sẽ chiếm 34% sản lượng (tính bằng kwh) của tất cả các nguồn điện, so với mức 5% hiện tại.

Theo tiasang