Thứ bảy, 23/11/2024 | 06:23 GMT+7
Các nhà khoa học đang tiến hành nghiên cứu lượng khí CO2 thải ra từ các đường đứt gãy ở lớp vỏ trái đất tại Đông Phi để hiểu rõ hơn về khí CO2 tồn tại trong lõi địa cầu và sự ảnh hưởng của chúng tới bầu không khí.
Các nhà khoa học đến từ trường đại học New Mexico đã tiến hành một nghiên cứu về khí các-bon ở đới đứt gãy thuộc dải nứt Đông Phi (East African Rift) với mục đích hiểu rõ hơn về khí các-bon trong lõi địa cầu.
Các-bon đi-ô-xít (CO2) từ lõi trái đất được cho là thải ra ngoài không khí thông qua quá tình bài khí từ các núi lửa khi chúng phun trào. Nhưng đáng ngạc nhiên là CO2 cũng có thể được thải ra ngoài qua các vết đứt gãy tạo nên bởi núi lửa.
Nghiên cứu được tài trợ bởi Quỹ Khoa Học Quốc Gia (NSF) chương trình Kiến Tạo Học, do Giáo sư Tobias Fischer chịu trách nhiệm chỉ đạo. Trong quá trình lấy mẫu, các nhà khoa học đo mức độ khuếch tán của luồng khí các-bon ở bồn địa Magadi-Natron thuộc dải đứt gãy Đông Phi nằm giữa Kenya và Tanzania.
“CO2 là nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng nhà kính. Khí thải các-bon tự nhiên đến từ các núi lửa bắt nguồn từ mác-ma. Hầu hết mọi người đều cho rằng mác-ma chủ yếu sinh ra do hoạt động của núi lửa. Nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu đầu tiên định lượng khí CO2 sinh ra bởi các khe nứt gãy trên địa cầu chứ không phải từ núi lửa.” Hyunwoo Lee, sinh viên nghiên cứu cho biết.
Dải đứt gãy Đông Phi (EAR) là dải đứt gãy lớn nhất trên trái đất hiện vẫn còn đang hoạt động. Nó chạy dài nối liền hai phía tây và đông. Một vài núi lửa đang hoạt động thải ra một lượng lớn khí CO2, ví dụ như núi Nyiragongo ở Công-gô và núi Oldoinyo Lengai ở Tanzania. Khí CO2 này lại được trữ trong các hồ nước thiếu khí hay còn gọi là các hồ a-nô-xíc.
“Để tính được độ khuếch tán của luồng khí CO2, chúng tôi phải sử dụng bộ phân tích khí CO2 EGM-4. Mẫu thử CO2 được đưa vào lọ thủy tinh hút chân không để tiến hành phần tích chất hóa học và đồng vị các-bon.” Hyunwoo Lee giải thích.
Anh cũng cho biết thêm rằng các nhà khoa học cần thời gian để tính toán luồng khí CO2 và thu thập thêm các mẫu khí từ các vùng khác ở dải nứt Đông Phi để biết chắc chắn có bao nhiêu các-bon thải ra môi trường từ các hệ tự nhiên. “Vì các môi trường địa chất đặc thù, ví dụ như các đới đứt gãy (fault zones) là nơi mà mọi người thường không chú ý tới, do đó việc khí CO2 thải ra từ địa điểm này đã bị đánh giá thấp. Có khá nhiều nghiên cứu đã và đang tìm ra phương pháp định lượng khí CO2 sinh ra bởi hoạt động của núi lửa, chúng tôi hy vọng rằng nghiên cứu này của nhóm chúng tôi sẽ mang đến kết quả về nguồn CO2 phát ra do những nguyên nhân và điều kiện tự nhiên khác.”
Thanh Thảo (Theo sciencedaily.com)