Thứ bảy, 23/11/2024 | 00:54 GMT+7

Năng lượng sạch giúp các trại tị nạn tiết kiệm 323 triệu USD

30/11/2015

Một báo cáo gần đây cho thấy, năng lượng mặt trời sẽ giúp cải thiện đáng kể cuộc sống tại các trại tị nạn, trong khi đó còn giúp tiết kiệm tiền bạc và góp phần cứu hành tinh của chúng ta.

Một nhóm các tổ chức phi chính phủ, các hãng tư vấn và nhà tài trợ mới đây đã công bố báo cáo chỉ ra rằng, cách thức sử dụng năng lượng của những người tị nạn đều đã bị các cơ quan nhân đạo và các tổ chức năng lượng quốc tế lãng quên.

Trong khi đó, trên thực tế, có đến 90% số hộ gia đình sống trong các trại tị nạn không được sử dụng điện. Các trại này cũng thường không có đèn đường, khiến phụ nữ và các trẻ em gái đứng trước mối nguy hiểm bị tấn công tình dục mỗi lúc cần phải sử dụng nhà vệ sinh khi trời tối.

“Đây là một vấn đề về tiếp cận năng lượng”, Ông Chatham House - tổ chức tư vấn các vấn đề quốc tế tại London (nước Anh), tác giả của bản báo cáo này, cho biết: “Những người tị nạn, những người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ, là một phần trong số 2,9 tỷ người đang phải sống trong điều kiện khan hiếm năng lượng trên toàn thế giới, nhưng những mục tiêu phát triển và các sáng kiến năng lượng bền vững đều không đề cập đến họ. Họ nằm trong một "vùng xám", chưa nhìn nhận một cách rõ ràng”. 

Hơn nữa, theo báo cáo, việc đưa các loại bếp nấu ăn và lồng đèn năng lượng mặt trời tới các trại tị nạn có thể tiết kiệm tới 323 triệu USD chi phí nhiên liệu mỗi năm cho các cơ quan nhân đạo thiếu vốn thiếu nguồn tiền mặt.

Đó là còn chưa kể đến việc, điều này có thể cắt giảm một lượng lớn dầu diesel tại các trại tị nạn, từ đó giảm thiểu phát khí thải cacbon và quan trọng hơn là tránh được việc phá rừng, chặt cây làm củi.

Báo Anh The Guardian lưu ý thêm rằng, việc sử dụng năng lượng sạch trong các trại tị nạn sẽ làm giảm lượng khí thải, ước tính vào khoảng 6,85 triệu tấn carbon mỗi năm và cũng giúp ngăn chặn nạn phá rừng đang diễn ra với tốc độ nhanh, khoảng 64.700 hecta rừng bị đốt mỗi năm tại các nước đang gặp phải những vấn đề lớn về chặt phá rừng.

Mai Linh (theo Inhabitat)