Thứ sáu, 22/11/2024 | 22:34 GMT+7
Báo cáo mới đây của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) mới đây đã chỉ ra rằng, 8 trong 10 đất nước gây ô nhiễm nhất thế giới dự kiến sẽ tăng gấp đôi năng suất năng lượng tái tạo của mình trong vòng 15 năm tới.
Báo cáo Đáng giá Toàn cảnh về Năng lượng sạch trước năm 2020 của WRI đã xem xét các kế hoạch của 8 trong số 10 nhà phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới – Brazil, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Mexico và Mỹ, và đi tới kết luận rằng, nguồn cung năng lượng sạch tích lũy của họ sẽ tăng từ gần 9,000 TWh vào năm 2012 lên thành 20,000 TWh vào năm 2030.
Mức tăng này tương đương với tổng nhu cầu năng lượng hiện tại của Ấn Độ, với những tín hiệu tích cực đến từ một loạt các mục tiêu năng lượng toàn quốc mới được công bố trong năm qua. Brazil sẽ đạt được 45% năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng của mình vào năm 2030.
Trung Quốc sẽ tăng tỉ lệ nhiên liệu phi hóa thạch trong tổng số năng lượng tiêu thụ cơ bản tới khoảng 20% vào năm 2030. EU sẽ đạt ít nhất 27% tỉ lệ tiêu thụ năng lượng tái tạo vào năm 2030. Ấn Độ sẽ đạt được khoảng 40% công suất lắp đặt điện năng tích lũy từ các nguồn nhiên liệu phi hóa thạch vào năm 2030 (với sự hỗ trợ của quốc tế).
Indonesia sẽ đạt ít nhất 23% nguồn cung năng lượng từ các loại năng lượng mới và năng lượng tái tạo vào năm 2025. Nhật Bản sẽ tăng thị phần năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng điện lên khoảng 22 - 24% vào năm 2030.
Mexico sẽ tăng các nguồn năng lượng sạch trong cơ cấu điện năng quốc gia tới 35% vào năm 2024. Mỹ sẽ tăng thị phần năng lượng tái tạo – ngoài thủy điện – trong cơ cấu điện năng tới 20% vào năm 2030.
“Những mục tiêu năng lượng tái tạo mới này đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới các thị trường năng lượng và nhóm các nhà đầu tư”, Giám đốc toàn cầu của chương trình khí hậu WRI, bà Jennifer Morgan cho biết. “Cùng với thỏa thuận khí hậu Paris, rõ ràng là năng lượng tái tạo đã sẵn sàng tăng lên trong 15 năm tới, mang năng lượng sạch với mức giá cả phải chăng đến cho hàng triệu người trên toàn thế giới”.
Hai quốc gia còn lại trong top 10 là Canada và Nga đã không đưa ra mục tiêu nào về năng lượng tái tạo sau năm 2020 và vì thế không được đánh giá.
WRI cũng đã phân tích 127 Báo cáo Dự kiến đóng góp quốc gia tự quyết định (INDCs) được đệ trình lên Liên Hợp Quốc và chỉ ra rằng 80% trong số đó là về năng lượng sạch, 67 đề cập đến mục tiêu năng lượng sạch và 35 nội dung thúc đẩy các hành động năng lượng sạch.
Tuy nhiên, ngoài sự tiến bộ này, các nỗ lực toàn cầu hiện nay nhằm cắt giảm khí thải nhà kính vẫn còn sót lại khoảng một nửa chưa thể đáp ứng được, theo một phân tích mới đây của Liên Hợp Quốc.
Mai Linh (theo Edie)