Thứ năm, 07/11/2024 | 22:59 GMT+7
Các đội tham gia đến từ nhiều nước khác nhau như Hoa Kỳ, Bỉ và Iran. Chiến thắng cuối cùng đã thuộc về đội Nuon Solar Team đến từ Trường đại học Delht của Hà Lan khi cán đích tại Adelaide sau quãng đường dài hơn 3.000 km.
Diễn ra lần đầu tiên vào năm 1987, cuộc thi Wolrd Solar Challenge được tổ chức 2 năm một lần nhằm mục đích thúc đẩy nghiên cứu xe hơi năng lượng mặt trời. Chiếc xe của đội Nuon Solar Team đã cạnh tranh trong top đầu của cuộc đua, khi chiếc xe này phải đi xuyên nước Úc chỉ trong một chặng và nhiên liệu duy nhất mà họ sử dụng là ánh sáng mặt trời.
Joris van den Berg, một thành viên của Nuon Solar Team, người thiết kế hệ thống khí động học và cũng là người lái xe cho biết, đây là một trong những cuộc đua thú vị nhất. Đặc biệt là vì đội của anh và đội về nhì, Solar Team Twente luôn bám đuổi rất sát nhau.
“Trong suốt cuộc đua, chúng tôi chỉ cách nhau vài phút’, Van den Berg nói. “Việc mà chúng tôi làm trong quá trình đua - nhanh chóng thay lốp, nhanh chóng thu ánh sáng mặt trời vào các tấm năng lượng mặt trời là việc mà chúng tôi đã thực hành rất nhiều, vì thế mà chúng tôi đã có được lợi thế”.
Chiếc xe Nuna8 của họ nặng khoảng 150kg với hệ thống sức cản khí động học to bằng nhau và to bằng cỡ 2 chiếc gương chiếu hậu của một chiếc xe hơi thông thường, van den Berg cho biết.
Tấm pin năng lượng mặt trời 6m2 của chiếc xe cho phép đội thi đi được 90km trong một giờ với mức năng lượng tương đương như một ấm đun nước điện. “Với một chiếc xe, việc đi với tốc độ đó thực sự không nhằm nhò gì”, anh nói. “Chúng tôi có động cơ điện tích hợp vào bánh xe, mang lại hiệu quả năng lượng tới 98%”.
Nuna8 đi với tốc độ trung bình từ 95 tới 100 km/h, nhưng cũng có thể lên tới vận tốc 130 km/h khi cần phải vượt các phương tiện khác trên những cung đường không giới hạn tốc độ ở Northern Territory của Australia.
“Bạn cần phải vượt thật nhanh, đủ để trở lại với tốc độ chiến lược nhất”, anh nói. “Đây là một cuộc đua 3000km với rất nhiều điều kiện thời tiết khác nhau cũng như sự thay đổi nhiều góc độ chiếu sáng của mặt trời, vì thế chúng tôi có nhiệm vụ phải điều khiển chiếc xe với một chiến lược gia ở phía sau - người tính toán mọi việc”.
Van den Berg cho biết ban đầu chiếc xe rất khó điều khiển vì nó rất đơn giản, không có hệ thống kiểm soát lực kéo hay phanh tự động. “Bạn làm quen nó, nhưng nó không được ổn định hơn so với một chiếc xe bình thường”. Buồng lái của xe được đặt ở phía bên phải - một thiết kế bất đối xứng, khiến cho việc giữ thăng bằng cho chiếc xe trở nên khó khăn khi đi với tốc độ cao.
Buồng lái của chiếc xe là một không gian rất nhỏ và nóng nếu phải ngồi trong đó 3-4 tiếng đồng hồ mỗi ngày, khi mà nhiệt độ quanh khu vực Alice Springs có thể lên tới 44 độ C. Ba tài xế của đội thi phải giữ trạng thái thật tốt và uống thật nhiều nước, Van den Berg giải thích. “Chúng tôi luyện tập rất nhiều và cũng làm quen với nhiệt độ bên trong buồng nhiệt”.
Họ cũng phải đương đầu với một số thách thức ở Úc, trong đó có các đoạn đường tàu, đường xe tải lớn dùng để vận chuyển hàng hóa và cả chuột túi.
Là một sinh viên kỹ thuật hàng không, Van den Berg nói rằng cuộc đua này cho phép anh kiểm tra kỹ năng khí động học của mình, nhưng nó cũng mang một thông điệp lớn hơn.
“Chúng tôi đã chứng tỏ được rằng chúng tôi có thể đua qua sa mạc trên một chiếc xe năng lượng mặt trời. Điều đó đã thực sự truyền cảm hứng cho tôi”, anh giải thích. “Nếu bạn muốn thiết kế một thứ gì đó có tiết kiệm năng lượng, bạn có thể làm được. Điều đó sẽ đưa bạn đến với một tương lai bền vững”.
Mai Linh (theo Mashable)