Ngày 9/12, các nền kinh tế phát triển đã cam kết đóng góp hơn 10 tỷ USD vào quỹ Khí hậu Xanh (CGF) nhằm giúp các nước nghèo đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Điều này đánh dấu một kết quả đáng khích lệ tại hội nghị Liên hợp quốc (Liên hợp quốc) về biến đổi khí hậu lần thứ 20 (COP-20) đang diễn ra ở thủ đô Lima của Peru.
Tại cuộc họp bộ trưởng 9/12 trong khuôn khổ hội nghị, Australia đã xác nhận chi 166 triệu USD cho quỹ CGF trong khi Bỉ cam kết đóng góp 63,9 triệu USD.
Như vậy, quỹ CGF đến nay đã có 3 tỷ USD của Mỹ, 1,5 tỷ USD của Nhật, Pháp và Đức mỗi nước 1 tỷ USD, 258 triệu USD của Peru, hai khoản mới của Australia và Bỉ cùng với một số đóng góp của các quốc gia phát triển khác.
Trao đổi với báo giới, nhà hoạt động môi trường thuộc Viện Tài nguyên thế giới Athena Ballesteros đã đánh giá cao những khoản đóng góp của các nước giàu, cho thấy cam kết của chính phủ các nước trong việc chung tay giúp đỡ các nước nghèo xây dựng môi trường sống xanh-sạch và chống biến đổi khí hậu.
Ông Ballesteros cũng cho rằng những khoản đóng góp này sẽ góp phần xây dựng niềm tin trong các cuộc đàm phán cũng như thúc đẩy các nước hành động hướng đến một thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu.
Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã hối thúc các nước tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC) - cơ sở của Nghị định thư Kyoto 1997 - cần nhanh chóng thống nhất một dự thảo hiệp định "chặt chẽ và cân bằng" nhằm tạo ra một nền tảng vững chắc cho việc ký kết một thỏa thuận khí hậu ràng buộc tại thủ đô Paris của Pháp trong năm tới.
Phát biểu tại cuộc họp với các đại biểu cấp cao tham dự hội nghị, Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh Trái Đất đang nóng lên từng ngày và mọi quốc gia trên thế giới cần có trách nhiệm tìm ra các giải pháp phát triển năng lượng sạch.
Ông kêu gọi các nước cần nắm bắt cơ hội "mong manh" và chung tay hành động để có thể đạt mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ của Trái Đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh: "Chúng ta đang đứng trước thời khắc lịch sử ở Lima để viết nên một câu chuyện mới, hòa chung một tiếng nói để đạt được một thỏa thuận toàn cầu. Tôi kêu gọi chính phủ các nước cần đóng góp trong nỗ lực hướng đến một thỏa thuận khí hậu."
Tại cuộc họp, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng vạch ra 5 yêu cầu chính cần đạt được ở Lima gồm một dự thảo hiệp định về biến đổi khí hậu; nhận thức chung về những cam kết mà các nước đưa ra; tìm kiếm nhiều khoản đóng góp hơn nữa cho quỹ CGF cũng như quỹ chống biến đổi khí hậu để đạt mục tiêu 100 tỷ USD mỗi năm từ năm 2020; đoàn kết hợp tác nhằm khuyến khích khu vực tư nhân và doanh nghiệp; phê chuẩn Bản sửa đổi Doha được ban hành năm 2012 nhằm gia hạn Nghị định thư Kyoto đến năm 2020.
Hội nghị COP-20 là hội nghị cuối cùng trước thời hạn chót các nước phải ký kết được một hiệp định mới thay thế Nghị định thư Kyoto tại vòng thảo luận năm sau ở Paris (Pháp), nhằm tiến tới một hiệp định tổng quan và mang tính ràng buộc về pháp lý nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân gây ra hiện tượng Trái Đất nóng lên.
Hiệp định tương lai này sẽ thay thế Nghị định thư Kyoto vào năm 2020, đồng thời ràng buộc Mỹ và các nước mới nổi, trong đó có Trung Quốc, vào nỗ lực chung cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu.
Theo Vietnamplus