Thứ bảy, 21/12/2024 | 20:13 GMT+7

Những lưu ý khi áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001

15/10/2014

ISO 50001 là tiêu chuẩn mới, nên nhiều doanh nghiệp không tránh khỏi những vướng mắc khi áp dụng. Theo đó, vấn đề mà những doanh nghiệp đi trước gặp phải sẽ là lưu ý cho các doanh nghiệp khác đang muốn áp dụng tiêu chuẩn này.

ISO 50001:2011 là công cụ đắc lực cho mọi tổ chức doanh nghiệp trong việc thiết lập, áp dụng và duy trì Hệ thống Quản lý Năng lượng (HTQLNL), nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng.

Tính đến cuối năm 2012, đã có hơn 1 ngàn doanh nghiệp tại 55 quốc gia được chứng nhận tiêu chuẩn ISO 50001 (Theo thống kê của Reinhard Peglau, Cán bộ khoa học cao cấp về quản lý môi trường, Văn phòng quản lý môi trường Đức).

Tại Việt Nam, từ khi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tìm hiểu và áp dụng tiêu chuẩn này nhằm xây dựng HTQLNL.

Theo ông Nguyễn Tự Hải, Đánh giá viên trưởng ISO 50001, Giám đốc Kỹ thuật Bureau Vertias Certification Việt Nam, ISO 50001 là tiêu chuẩn mới, nên nhiều doanh nghiệp không tránh khỏi những vướng mắc khi áp dụng. Theo đó, vấn đề mà những doanh nghiệp đi trước gặp phải sẽ là lưu ý cho các doanh nghiệp khác đang muốn áp dụng tiêu chuẩn này.

c8495d750_ong_nguyen_tu_hai.jpg

 Ông Nguyễn Tự Hải, Đánh giá viên trưởng ISO 50001, Giám đốc Kỹ thuật Bureau Vertias Certification Việt Nam

Cần sự ủng hộ tuyệt đối từ lãnh đạo

Vướng mắc đầu tiên mà nhiều doanh nghiệp phải đối mặt là thiếu sự ủng hộ từ ban lãnh đạo. Nhiều trường hợp, khi đang triển khai HTQLNL thì Ban lãnh đạo lại thờ ơ, không muốn tiếp tục đầu tư, khiến dự án dang dở.

Bởi vậy, trước khi xây dựng HTQLNL theo tiêu chuẩn ISO 50001, lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp cần hiểu rõ về cách thức, chi phí và thời gian xây dựng hệ thống, cũng như những hiệu quả mà nó mang lại. Từ đó, đưa ra cam kết, hỗ trợ đầy đủ cả về tài chính và nhân lực cho dự án.

Ngoài ra, để hệ thống đạt hiệu quả tối ưu, cán bộ quản lý cấp cao và cấp trung gian cần được đào tạo nhận thức về HTQLNL. Các thành viên trong Ban QLNL phải là những người có kiến thức kỹ thuật, kinh nghiệm về sử dụng và tiết kiệm năng lượng.

Nên tham khảo ý kiến chuyên gia

Khi đã xây dựng được đội ngũ nhân lực có trình độ, doanh nghiệp mới tiến hành xem xét việc sử dụng, tiêu thụ năng lượng tại đơn vị. Từ đó, xác định tổ chức đang ở mức độ nào so với yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 50001.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khi xem xét tiêu thụ năng lượng chưa bao quát tất cả các hoạt động, bao gồm các hoạt động tiêu thụ năng lượng trong hiện tại, quá khứ và tương lai. Trong quá trình kiểm toán năng lượng, doanh nghiệp thường thiếu sót các chỉ số sử dụng năng lượng hoặc liệt kê không đầy đủ các nguồn năng lượng được tiêu thụ.

55a3b26c9_doanh_nghiep.jpg

Doanh nghiêp cần tham khảo ý kiến các chuyên gia khi xây dựng HTQLNL

Bên cạnh đó, việc xây dựng đường cơ sở năng lượng chưa mang tính đại diện, không chính xác, gây cho doanh nghiệp nhiều khó khăn trong việc tìm ra nguyên nhân, cũng như đưa ra các giải pháp cho quá trình quản lý năng lượng.

Do đó, khi xây dựng HTQLNL, doanh nghiệp cần có sự tham gia và tư vấn của chuyên gia hoặc tư vấn viên trong lĩnh vực năng lượng. Doanh nghiệp cũng nên lựa chọn những đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn HTQLNL và kiểm toán năng lượng.

Tính toán thời gian và chi phí xây dựng hệ thống

Thời gian xây dựng hệ thống ở mỗi doanh nghiệp cũng khác nhau. Nó phụ thuộc vào các HTQLNL và dự án đo lường năng lượng mà doanh nghiệp đang áp dụng. ISO 50001 có nhiều mối tương thích so với Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001  và Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001.

Doanh nghiệp đã áp dụng ISO 9001 hoặc ISO 14001 sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi áp dụng ISO 50001. Ông Nguyễn Tự Hải cho rằng, các doanh nghiệp nên tích hợp ISO 50001 với các tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 14001 hay OHSAS 18001 để có thể tiết kiệm và đồng bộ hơn.

Cũng tùy thuộc vào độ lớn và độ phức tạp của tổ chức, thời gian mà nhân viên hiện tại phải đầu tư để xây dựng HTQLNL là khác nhau. Thông thường, cần từ 0,5 đến 1 nhân viên làm việc toàn thời gian trong 6 tháng đối với doanh nghiệp dịch vụ và trong 18 tháng đối với doanh nghiệp sản xuất.

Các doanh nghiệp cũng cần lưu ý khi tính chi phí cho việc xây dựng HTQLNL. Nên có sự tham gia của bộ phận tài chính kế toán nhằm phân tích chi phí sử dụng và tiêu thụ năng lượng. Chi phí này bao gồm tiền lương cho các thành viên xây dựng hệ thống và chi phí đào tạo nhận sự. Ngoài ra, chi phí cũng bao gồm các thiết bị đo lường, các công cụ IT nếu cần, chi phí tư vấn và đánh giá. 

Hải Nhy