Hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn, góp phần phát triển chăn nuôi, đồng thời giúp các hộ gia đình tiết kiệm tiền điện, chất đốt hằng tháng, đó là lợi ích đem lại lâu nay của các công trình khí sinh học (hầm bi-ô-ga). Tuy nhiên, để phát triển rộng mô hình này trên cả nước, vẫn còn không ít hạn chế, bất cập cần tháo gỡ và giải quyết.
Người dân ở xã Phổ Nhơn, huyện Ðức Phổ (Quảng Ngãi) xây hầm bi-ô-ga.
Anh Ngô Xuân Túc, Tổ trưởng Xây dựng công trình hầm bi-ô-ga, xã Diễn Quang, huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết: Xã có bảy xóm, số lượng hộ gia đình chăn nuôi khá lớn nhưng phân tro, nước tiểu và chất thải của lợn, trâu bò gây mùi hôi thối suốt ngày đêm.
Cho nên từ năm 2005, khi tỉnh và huyện triển khai dự án khí sinh học (KSH) phục vụ phát triển chăn nuôi, Diễn Nguyên là một trong những xã hưởng ứng kịp thời. Tùy điều kiện chăn nuôi nhiều, ít mà các hộ gia đình xây hầm bi-ô-ga theo các kích cỡ khác nhau, lúc cao điểm toàn huyện Diễn Châu có khoảng 1.300 hầm bi-ô-ga thì xã Diễn Nguyên chiếm 50% số hầm...
Nói rồi, anh Túc dẫn chúng tôi ghé thăm công trình của hộ gia đình anh Phan Xuân Tá ở xóm 2. Anh Tá cho biết: Gia đình xây hầm bi-ô-ga cách đây năm năm, trong xóm không ít hộ có hầm với thể tích từ 10 m3 trở lên, riêng gia đình tôi xây hầm bi-ô-ga thể tích 7,5 m3. Không kể số tiền hỗ trợ 1,2 triệu đồng từ dự án, tôi đầu tư thêm sáu, bảy triệu đồng nữa.
Với kích cỡ hầm như thế này, ngoài việc phục vụ chăn nuôi 10 - 15 đầu lợn, anh Phan Xuân Tá sử dụng nguồn khí đun nấu và thắp sáng hằng ngày, mỗi tháng cũng tiết kiệm được khoảng 300 nghìn đồng. Ngoài ra, tận dụng bã thải từ hầm bi-ô-ga, anh làm phân bón (hạn chế dùng phân hóa học) cho 1,4 ha diện tích gieo trồng quanh năm...
Năm, bảy năm trở lại đây, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh phía bắc có phong trào phát triển hầm bi-ô-ga khá rầm rộ. Theo kỹ sư Chu Khắc Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, đến cuối năm 2012, Vĩnh Phúc đã có khoảng 15 nghìn hầm bi-ô-ga.
Thăm hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Nga ở thôn Nghinh Tiên, xã Nguyệt Ðức, huyện Yên Lạc, chúng tôi chứng kiến khu trang trại chăn nuôi rộng lớn, thường xuyên có khoảng 200 con lợn thịt và lợn nái đẻ bán giống, liền kề là 3 ha diện tích mặt nước hồ ao. Ông đã đầu tư 15 triệu đồng (trong đó Nhà nước hỗ trợ 1,5 triệu đồng) xây dựng hầm bi-ô-ga bằng vật liệu com-pô-dít.
Không kể hằng ngày khí ga được dùng thoải mái cho đun nấu và thắp sáng sinh hoạt, gia đình ông Nga thu được từ việc nuôi lợn và thả cá mỗi năm hơn 200 triệu đồng. Ông đang có dự định mở rộng kích cỡ của hầm bi-ô-ga vì hầm lâu nay đang sử dụng còn nhỏ so với quy mô trang trại chăn nuôi.
Khoảng mười năm trở lại đây, Ðảng và Nhà nước đã có các chủ trương, chính sách tác động tích cực đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn, theo đó một loạt chương trình, dự án phục vụ cho phát triển "tam nông" đã được triển khai.
Tiến sĩ Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Dự án KSH phục vụ ngành chăn nuôi Việt Nam được triển khai từ năm 2003, trên cơ sở phối hợp giữa Cục Chăn nuôi và Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV). Mục tiêu của dự án là thông qua việc xử lý chất thải chăn nuôi góp phần cung cấp nguồn năng lượng sạch và rẻ tiền cho bà con ở nông thôn; tạo công ăn việc làm cho người lao động, hạn chế ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng; giảm nạn phá rừng cũng như giảm phát thải khí nhà kính.
Theo đánh giá của Văn phòng chương trình KSH (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đến cuối năm 2012, dự án đã triển khai đến hơn 40 tỉnh, thành phố trong cả nước. Với mức hỗ trợ 1,2 triệu đồng/hầm, còn lại người dân tự bỏ tiền ra đầu tư, cả nước đã có khoảng 130 nghìn hầm bi-ô-ga, tạo công ăn việc làm cho gần sáu nghìn lao động, đồng thời nâng cao đời sống cho hơn 600 nghìn người dân ở các vùng quê trong cả nước thông qua việc cung cấp khí sạch đun, nấu và thắp sáng thay cho than, củi.
Thấy được lợi ích nhiều mặt của công trình KSH, không ít địa phương như Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình, Bắc Giang, Nghệ An... đã nhân rộng mô hình lên hàng chục nghìn hầm bi-ô-ga/tỉnh. Bởi vậy, tại Hội nghị Năng lượng LHQ tổ chức ở các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (tháng 10-2012), Dự án KSH cho ngành chăn nuôi Việt Nam đã vinh dự nhận Giải thưởng "Vì con người" năm 2012.
Trước đó, vào các năm 2006 và 2010, dự án này cũng vinh dự giành giải thưởng về năng lượng bền vững tại Bỉ và Vương quốc Anh. Cũng từ những lợi ích mà công nghệ KSH mang lại, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng ý kéo dài thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2014 thay vì kế hoạch kết thúc vào năm 2012. Còn tại Vĩnh Phúc, sau giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2012, bằng nguồn ngân sách của tỉnh hỗ trợ 1,5 triệu đồng/hầm, đã xây dựng được 15 nghìn hầm bi-ô-ga với các kích cỡ khác nhau.
Phát triển mạnh công trình KSH phải kể đến các huyện: Vĩnh Tường, Tam Dương, Sông Lô, Lập Thạch (từ 1.500 đến hơn hai nghìn hầm bi-ô-ga/huyện). Xác định đây là một trong những nhân tố tích cực hạn chế ô nhiễm môi trường ở các làng, xã, góp phần cải thiện đời sống người nông dân và không ngừng xây dựng bộ mặt nông thôn mới, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Quyết định số 535 (ngày 28-2-2013) phê duyệt Dự án "Hỗ trợ triển khai nhân rộng hầm bi-ô-ga nhằm giảm ô nhiễm và cải thiện môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2015". Từ đây nâng mức hỗ trợ xây công trình bi-ô-ga lên hai triệu đồng/hầm, để đến năm 2015 có thêm hơn 3.470 hầm bi-ô-ga; đưa số hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh lên 65% số hộ trên địa bàn toàn tỉnh...
Tuy nhiên, để phong trào làm hầm bi-ô-ga, phát triển công nghệ KSH bền vững, phục vụ thiết thực cuộc sống người dân ở địa bàn nông thôn, còn không ít vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ và giải quyết. Thực tế cho thấy, tại một số địa phương có nhiều dự án hỗ trợ việc xây dựng và lắp đặt hầm bi-ô-ga của các đơn vị khác nhau. Ðiều đó đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn với ngành tài nguyên và môi trường hay khoa học và công nghệ với các cấp chính quyền để rà soát, đối chiếu và lựa chọn đúng hộ gia đình có đủ tiêu chí để hỗ trợ, tránh sự chồng chéo trong quá trình triển khai.
Lâu nay, các tỉnh thực hiện dự án KSH phục vụ ngành chăn nuôi (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xây dựng hầm bi-ô-ga theo mẫu công nghệ KT1, KT2 với đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật. Song cũng có nơi, trên cùng một địa bàn người dân có thể làm hầm bi-ô-ga bằng vật liệu com-pô-dít (nhập từ Trung Quốc), dùng túi sinh khí bằng ni-lông, hoặc xây hầm bi-ô-ga dạng hộp có nắp đậy com-pô-dít, hầm bi-ô-ga vacvina cải tiến...
Sự đa dạng, phong phú về chủng loại là điều dễ hiểu nhưng quan trọng là mẫu hầm có bảo đảm các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật không? Bởi không ít nơi hầm bi-ô-ga hoạt động thiếu liên tục (khi đầy chất thải phải dừng lại để nạo vét, hoặc vận hành một thời gian ngắn phải phá váng), có loại hầm giá thành xây dựng cao nhưng vận hành phức tạp và cho lượng khí thấp. Nhất là tiêu chuẩn kỹ thuật của vật liệu com-pô-dít sử dụng cho bể KSH ở nước ta lâu nay không hề có một tổ chức nào giám sát, cho nên khi xây dựng công trình KSH cần phối hợp nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật trong việc tư vấn, hướng dẫn nhằm bảo đảm cho hầm bi-ô-ga có giá thành hợp với túi tiền của người dân nghèo; vận hành thuận tiện, hoạt động liên tục, cho năng suất khí cao và chất lượng khí ổn định...
Công tác tư vấn cho hộ gia đình xây dựng công trình KSH của các đơn vị có liên quan cần đầy đủ, công tâm cũng như việc kiểm tra, giám sát kỹ thuật trong quá trình xây dựng hầm bi-ô-ga cần được làm một cách nghiêm túc. Các địa phương tham gia Dự án KSH phục vụ ngành chăn nuôi Việt Nam, ngoài nguồn hỗ trợ của dự án, khoản vốn đối ứng hằng năm cần được phân bổ kịp thời về huyện, xã và hộ dân như đã cam kết nhằm duy trì và phát triển mô hình công nghệ KSH nhiều tiện ích; tránh tình trạng chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng, phục vụ thiết thực cuộc sống người dân ở nông thôn.
Các công trình KSH không chỉ hạn chế sự ô nhiễm môi trường ở nông thôn mà còn góp phần làm giảm hơn 500 nghìn tấn CO2/ năm; cung cấp nguồn năng lượng sạch tương đương 36 nghìn tấn than đá, 377 nghìn tấn củi và khoảng 5.600 tấn khí hóa lỏng.
Thúy Hằng