Thứ ba, 26/11/2024 | 03:39 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng, cần cái nhìn đúng đắn

21/08/2013

Tính trung bình mỗi năm nhu cầu sử dụng năng lượng của đất nước tăng lên gấp 2 nhưng mức độ tăng trưởng ngành năng lượng trong nước lại chỉ đáp ứng được khoảng 60% nguồn năng lượng yêu cầu.

Trong giai đoạn tăng trưởng nền kinh tế hiện nay, Việt Nam đang có thứ hạng cao trên thế giới về chỉ số tăng trưởng kinh tế bất chấp việc suy thoái kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng đến tất cả các nước trên thế giới. Song song với việc phát triển nền kinh tế, các ngành công nghiệp được đặt mũi nhọn phát triển, tuy nhiên thách thức đặt ra là mức độ tăng trưởng nền kinh tế diễn ra mạnh mẽ cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng năng lượng cũng tăng nhanh. Tính trung bình mỗi năm nhu cầu sử dụng năng lượng của đất nước tăng lên gấp 2 nhưng mức độ tăng trưởng ngành năng lượng trong nước lại chỉ đáp ứng được khoảng 60% nguồn năng lượng yêu cầu. Tiết kiệm năng lượng đang ngày càng trở thành nhu cầu cấp thiết.

c0cb119b1_tknlhanoi4.jpg

Xưởng sản xuất tận dụng 100% ánh sáng tự nhiên.

Phải coi tiết kiệm là bài toán về hiệu quả sản xuất

Đứng trước thực trạng đó, việc tiết kiệm năng lượng hay sử dụng năng lượng có hiệu quả cần được các doanh nghiệp, các ngành kinh tế, các nhà quản trị và các chuyên gia phải có cái nhìn đúng đắn và thực sự nghiêm túc trong việc tiết kiệm năng lượng.

Các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ sử dụng nhiều năng lượng đang phải tìm lời giải cho bài toán tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp mình. Sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật đã mang đến cho các doanh nghiệp sử dụng năng lượng nhiều bài toán tiết kiệm năng lượng khác nhau bằng việc phát triển các thiết bị tích hợp làm hạn chế tối đa việc thất thoát nguồn năng lượng vô ích hay nâng cao năng suất của máy móc, dây truyền sản xuất. Doanh nghiệp sẽ tính toán đến bài toán tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất của mình.

Bằng việc tích hợp các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào dây truyền sản xuất cũ, vào các thiết bị máy móc tiêu tốn nhiều năng lượng lãng phí…các doanh nghiệp đã tìm thấy lời giải và tính hiệu quả trong bài toán tiết kiệm năng lượng của mình. Tuy nhiên, trong thực tế không phải trường hợp nào cũng chứng tỏ hiệu quả của giải pháp đưa ra. Các doanh nghiệp cần cân nhắc việc tích hợp các giải pháp tiết kiệm năng lượng để giảm thiểu chi phí dư thừa trong sản xuất hay tính đến bài toán thay thế các dây truyền công nghệ mới, các thiết bị mới tiết kiệm năng lượng.

Đơn cử, Công ty TNHH SX&TM Thanh Bình sản xuất và  xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Châu Âu,... các sản phẩm gốm sứ như: lọ hoa, bình hoa, sản phẩm gốm trang trí… Sản phẩm của Công ty được sản xuất theo đơn đặt hàng nên khá ổn định. Với sản phẩm gốm sứ được cấu thành từ các thành phần chính bao gồm xương, men và chất màu. Xương gốm sứ được chế tạo từ các nguyên liệu đầu là cao lanh, đất sét, thạch anh và fenspat.  Với các sản phẩm sứ thì nguyên liệu đất sét và thạch cao được nhập từ các cơ sở tại  làng nghề đã đươc nghiền mịn. Công đoạn nghiền mịn là khâu tiêu thụ nhiều năng lượng điện nhất trong quy trình sản xuất. Công ty đang sử dụng nung gốm sứ đốt lò loại hộp bằng nguyên liệu là than cám 6a. Đây là công nghệ nung gốm sứ đã lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường rất lớn.

Theo kết quả và tính toán kiểm toán năng lượng, tiềm năng tiết kiệm chi phí hàng năm từ năng lượng là rất lớn. Theo kết quả kiểm toán năng lượng,  nếu Công ty thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng với tổng số vốn đầu tư khoảng 405 triệu đồng thì thời gian thu hồi vốn trung bình 45 tháng. Mặc dù biết được áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng có hiệu quả ngay trong giảm suất tiêu hao năng lượng trên một sản phẩm, nhưng để chi phí khoản đầu tư ban đầu thì không mấy doanh nghiệp dễ dàng chấp nhận ngay cả khi có điều kiện.

261fb41d2_harecbuilding2.jpg

Tòa nhà Harec Building - một điển hình về việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng Hiệu quả từ những mô hình tiết kiệm điện năng

Tòa nhà Harec Building của Công ty Cổ phần Harec Đầu tư và Thương mại, đi vào hoạt động năm 2006 với qui mô 15 tầng  theo bố cục hình hộp chữ nhật. Tòa nhà  được xây dựng trên khuôn viên rộng 900 m² với tổng diện tích sàn sử dụng 10.000m², trong đó diện tích sử dụng điều hòa không khí là 8.000m² chiếm 80% trên tổng diện tích sàn.

Với quyết tâm cao và những lợi thế của mình, Công ty CP Harec Đầu tư và Thương mại đã quyết tâm áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhằm quản lý năng lượng có hiệu quả với hàng loạt các giải pháp đã được thực hiện cả về quản lý và kỹ thuật.

Được sự hướng dẫn, giúp đỡ các cơ quan chức năng, cùng với sự quyết tâm rất cao của các Kỹ sư trưởng đặc biệt là vị Kỹ sư trưởng đương thời, Phòng Kỹ thuật khách sạn đã tiến hành nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng và kéo dài tuổi thọ thiết bị, qua đó giúp tiết giảm đáng kể lượng năng lượng tiêu thụ và chi phí vận hành.  Tòa nhà đã thực hiện nhiều biện pháp để có thể sử dụng hợp lý nguồn năng lượng bao gồm: Quản lý chặt chẽ hệ thống điều hòa không khí và thông gió: sử dụng hệ điều hòa trung tâm của hãng Trane, sử dụng hệ thống xử lý nước trước khi đi vào hoạt động, sử dụng điều khiển công suất động cơ thích ứng theo nhu cầu của tải, thực hiện bảo dưỡng và vận hành theo quy định đề ra, lắp đặt các bộ điều khiển nhiệt động điều hòa tại từng khu vực bộ phận...; các tủ điện điều khiển các hệ thống được tập trung tại phòng Kỹ thuật; giám sát các công tơ điện đo đếm tại các bộ phận, khu vực cho thuê, ... Tủ điện được lắp tụ bù cho tòa bộ tòa nhà nâng cao chất lượng điện khi sử dụng. Ở hệ thống chiếu sáng, thay thế bằng các loại bóng đèn tiết kiệm và tiết giảm chiếu sáng tại nhiều vị trí sử dụng: văn phòng, khu nhà xe, khu vực trang trí, ...song vẫn đảm bảo được nhu cầu, chất lượng chiếu sáng cho mọi người làm việc. Hạn chế sử dụng bóng đèn cho chiếu sáng. Các hệ thống thiết bị sử dụng nước của Toà nhà đều được kiểm soát đảm bảo tiết kiệm nước (lắp đặt các vòi nước cảm ứng tại khu vực vệ sinh; thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng các van nước, ...) và xử lý trước khi đưa ra hệ thống thoát nước chung của thành phố; lắp đặt toàn bộ cửa kính cách nhiệt và rèm che cửa cho cửa kính tại tòa nhà; định kỳ bảo dưỡng tất cả các hệ thống thiết bị trong tòa nhà theo kế hoạch đã định...

Để duy trì và cải tiến các biện pháp, Tòa nhà đã ban hành các quy định, tổ chức đào tạo và khen thưởng kịp thời cho các cá nhân, bộ phận, văn phòng cho thuê; lắp đặt các đồng hồ phụ ở từng tầng từng khu vực, lập sổ theo dõi năng lượng điện tiêu thụ hàng ngày nhằm khống chế chặt chẽ năng lượng điện tiêu thụ; tận dụng ánh sáng tự nhiên và gió tươi tốt; lắp đặt các đồng hồ hẹn giờ cho các thiết bị chiếu sáng, các loại quạt hút, quạt cung cấp gió tươi trong tòa nhà; kiểm soát chặt chẽ chế độ cài đặt nhiệt độ của hệ thống ĐHKK trung tâm tùy thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm ngoài trời theo từng giờ trong ngày; thiết lập và áp dụng qui trình vận hành các thiết bị giặt là vào giờ thấp điểm... các giải pháp này, năng lượng tiết kiệm được hàng năm khoảng 14% so với những năm trước khi áp dụng csac giải pháp tiết kiệm năng lượng.
 
df51c5735_tknlhanoi2.jpg

Tiết kiệm năng lượng là tiết kiệm tiền cho chính doanh nghiệp, nhưng vẫn chưa nhiều doanh nghiệp "mặn mà".

Rào cản...từ chính mình

Bài học sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm của Công ty Cổ phần Harec Đầu tư và Thương mại cho thấy, TKNL là một hoạt động đem lại lợi nhuận không nhỏ trong bài toán thu-chi. Theo số liệu mới nhất của Cục Thuế Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội có 5.310 doanh nghiệp lớn, nhỏ, tỷ lệ năng lượng tiêu thụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn chiếm 70% tổng năng lượng tiêu thụ của toàn tỉnh. Cho nên, nếu chỉ cần 30% doanh nghiệp ứng dụng giải pháp TKNL, thì lượng điện nói riêng và năng lượng nói chung của Hà Nội tiết kiệm được rất lớn.

Từ ngày 25-3 đến 5-4-2013, Trung tâm tiết kiệm năng lượng Sở Công Thương (ECC HANOI) và Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI)  phối hợp đi kiểm tra 40 doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm tại 10 quận, huyện trên địa bàn để đánh giá mức độ tiêu thụ năng lượng và việc chấp hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của các doanh nghiệp. Kết quả cho thấy, hầu hết các văn phòng, nhà xưởng mới chỉ dừng lại ở các giải pháp sử dụng bóng đèn huỳnh quang tiết kiệm điện và đèn compact, thay thế cửa gỗ bằng cửa kính tận dụng ánh sáng tự nhiên…Một số doanh nghiệp  đã có cán bộ chuyên trách về quản lý năng lượng hoặc có kinh nghiệm về quản lý năng lượng. Tuy nhiên, việc kiểm toán năng lượng bước đầu còn khá mới mẻ ở Việt Nam nên nhìn chung, năng lực của các cán bộ này chưa thể đáp ứng được việc xây dựng một chiến lược tiết kiệm năng lượng bài bản cho doanh nghiệp.

TKNL là tiết kiệm tiền, vì sao nhiều doanh nghiệp chưa "mặn mà"? Thực tế cho thấy, rào cản khiến doanh nghiệp chưa quan tâm đến ứng dụng giải pháp TKN, như:  Bản thân lãnh đạo doanh nghiệp chưa hiểu hết được lợi ích to lớn của TKNL; nhiều doanh nghiệp còn cho rằng, lượng điện năng tiết kiệm được là không đáng kể. Thêm vào đó, đang hoạt động ổn định mà phải thay đổi thói quen, quy trình, đổi ca, đổi giờ làm việc, rất dễ ảnh hưởng đến sản xuất. Không ít doanh nghiệp còn e ngại, khi ứng dụng giải pháp TKNL sẽ phải "khai báo" với đơn vị kiểm toán năng lượng về quy trình sản xuất, thông tin kỹ thuật công nghệ, lượng và chất nhiên liệu...

Hà Nội là địa phương có tiềm năng TKNL rất lớn, nhưng có lẽ do công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về TKNL còn hạn chế nên chưa có nhiều doanh nghiệp hưởng ứng. Vì vậy, cần có một thể chế về vấn đề TKNL với những đề án dài hạn, ngắn hạn, từ đó lập cơ sở dữ liệu theo ngành và triển khai xuống các doanh nghiệp như một quy định. Đối với chương trình TKNL trong hoạt động sản xuất công nghiệp, khi thực hiện cần có sự cam kết giữa 3 bên: cơ quan quản lý - nhà cung cấp và doanh nghiệp để vừa bảo đảm được mục tiêu TKNL chung vừa bảo đảm cho sự tin cậy từ phía doanh nghiệp.

 
Thúy Hằng