Thứ năm, 26/12/2024 | 01:23 GMT+7

Năng lượng biển trên thế giới

19/07/2013

Năng lượng thủy triều trên thế giới theo các nhà khoa học ước chừng khoảng 3 tỷ kW.

BĐKH đã và đang tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội. Đã có nhiều kịch bản dự báo thiệt hại cho các quốc gia ven biển khi mực nước biển dâng trong bối cảnh BĐKH toàn cầu gây ngập lụt vùng đất thấp ven biển và hải đảo. Giá cả xăng, dầu, khí, than đá ngày càng gia tăng và nguồn dự trữ cũng đang cạn kiệt, và vì thế các quốc gia trên thế giới đã và đang quan tâm đến các nguồn năng lượng tái tạo.

83b8282d8_12.jpg

Năng lượng thủy triều trên thế giới theo các nhà khoa học ước chừng khoảng 3 tỷ kW. Nguyên lý phát điện thủy triều tương tự như nguyên lý phát điện thủy lực, tức là lợi dụng sự chênh lệch mức nước triều lên xuống để làm quay động cơ và máy phát điện.

Các dòng chảy lớn trên biển thường chảy theo một hướng tương đối ổn định và có lưu lượng lớn, do đó ẩn chứa một nguồn năng lượng rất lớn. Theo tính toán của các nhà khoa học, tổng năng lượng tiềm năng của dòng chảy biển và đại dương lên đến 5 tỷ kW.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng nguồn năng lượng từ biển ví dụ:

Năm 1966, tại Pháp đã xây dựng một nhà máy điện thủy triều đầu tiên trên thế giới có quy mô công nghiệp với công suất 240 MW, đây là một trong những nhà máy điện thủy triều lớn nhất trên thế giới.

Năm 1984: tại Canada đã vận hành một nhà máy 20 MW, sản xuất 30 triệu KW điện hằng năm.

Trung Quốc cũng là một nước rất quan tâm đến nguồn năng lượng sạch, hiện nay Trung Quốc có 7 nhà máy điện thủy triều đang vận hành với tổng công suất 11 MW.

Gần đây, Hàn Quốc rất chú trọng khai thác sử dụng năng lượng thủy triều. Một nhà máy điện thủy triều Shiwa có công suất 254 MW được hoàn thành năm 2010; tại thành phố Incheon từ năm 2007 đã xây dựng một nhà máy có công suất 812 MW lớn nhất thế giới với 32 tổ máy và sẽ đưa vào vận hành năm 2015.

Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng từ sóng biển. Tuy nhiên, rất tiếc là sự đầu tư và khai thác nguồn năng lượng sạch này khá chậm so với thế giới đã và đang thực hiện. Hiện tại, phát triển năng lượng biển ở nước ta mới chỉ ở giai đoạn hết sức sơ khai. Bên cạnh đó, Việt Nam còn khá chậm trong việc xem xét có nên gia nhập Nhóm Quốc tế về Năng lượng Đại dương (OES). Lúc này, Việt Nam cần sớm tham gia các tổ chức quốc tế để có thể triển khai hiệu quả triệt để chiến lược năng lượng xanh, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Thúy Hằng