Thứ năm, 25/04/2024 | 22:23 GMT+7

BP đang dần rút khỏi lĩnh vực năng lượng tái tạo

05/04/2013

Theo TTXVN, Tập đoàn dầu khí Anh BP vừa quyết định rao bán mảng kinh doanh điện gió tại thị trường Mỹ, với giá trị ước tính lên tới 1,5 tỷ USD

Theo TTXVN, Tập đoàn dầu khí Anh BP vừa quyết định rao bán mảng kinh doanh điện gió tại thị trường Mỹ, với giá trị ước tính lên tới 1,5 tỷ USD, trong bối cảnh tập đoàn này tiếp tục thực hiện chiến lược rút khỏi lĩnh vực năng lượng tái tạo để tập trung vào hoạt động kinh doanh chính là dầu mỏ và khí đốt.

bcb00518f_wind_24.jpg

Điện gió là một trong những mảng kinh doanh năng lượng tái tạo lớn nhất của BP và tập đoàn này là một trong những nhà sản xuất điện gió lớn nhất tại Mỹ. BP hiện đang điều hành các trang trại điện gió, với tổng công suất lên tới 2.600 MW ở 9 bang của nước này, trong đó có nhà máy điện gió vừa được đưa vào hoạt động từ cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, BP hiện là tập đoàn dầu khí lớn duy nhất trên thế giới còn duy trì mảng kinh doanh điện gió.

Trước đây, tập đoàn dầu khí Shell của Hà Lan cũng tham gia vào ngành công nghiệp này nhưng sau đó đã từ bỏ tham vọng điện gió vào năm 2009. Tính đến năm 2011, BP là công ty sản xuất điện gió lớn thứ 12 ở Mỹ và là nhà đầu tư lớn thứ 7 trong lĩnh vực này.

Hiện có nhiều công ty đến từ châu Á đang muốn tìm một chỗ đứng trên thị trường điện gió tại Mỹ quan tâm đến dự án này của BP, đặc biệt là các công ty của Trung Quốc vốn đang có tham vọng mua lại các dự án năng lượng tái tạo ở nền kinh tế lớn nhất thế giới này, mặc dù các thủ tục pháp lý được coi là một rào cản lớn.

Nếu thương vụ điện gió của BP thành công thì sẽ chỉ còn nhiên liệu sinh học, chủ yếu là hoạt động sản xuất ethanol từ mía đường ở Brazil, và một số các sáng kiến nghiên cứu được coi là những thành tựu còn lại của chiến lược phát triển năng lượng thay thế được khởi xướng bởi ông Lord Browne, người giữ chức Giám đốc điều hành của tập đoàn từ năm 1995-2007 và từng cam kết phát triển BP theo hướng không chỉ phụ thuộc vào dầu khí.

Trước đó, BP cũng từ bỏ một số kế hoạch về năng lượng tái tạo, với lượng khí thải carbon thấp, bằng việc rút khỏi ngành công nghiệp năng lượng mặt trời sau 35 năm cố gắng tìm kiếm lợi nhuận trong lĩnh vực này và dừng các khoản đầu tư vào việc phát triển công nghệ thu hồi và lưu giữ carbon.

Thúy Hằng