Thứ bảy, 23/11/2024 | 01:23 GMT+7

Google - 'người khổng lồ' có con mắt xanh

01/02/2013

Thị trường năng lượng tái tạo thế giới lại đang nóng lên với khoản đầu tư gần 200 triệu USD vào dự án phát triển phong điện tại phía tây bang Texas (Mỹ) của Google.

Thị trường năng lượng tái tạo thế giới lại đang nóng lên với khoản đầu tư gần 200 triệu USD vào dự án phát triển phong điện tại phía tây bang Texas (Mỹ) của Google. Điều đáng nói là đây không phải là lần đầu tiên tập đoàn cung cấp dịch vụ tìm kiếm trên mạng Internet hàng đầu thế giới này đầu tư lớn vào năng lượng sạch và lĩnh vực này hoàn toàn không nằm trong sứ mệnh cốt lõi của công ty.

Vì sao Google đầu tư vào năng lượng sạch?

Trước hết, phải khẳng định, năng lượng đang vận hành thế giới. Tất cả mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của con người đều cần đến năng lượng và điều đó cũng không ngoại trừ với Google với hàng triệu cụm máy chủ cần năng lượng liên tục để duy trì hoạt động và làm mát. Một điều đáng ngạc nhiên mà không nhiều người biết là năng lượng điện sử dụng cho ngành công nghiệp Internet tại Mỹ cao hơn rất nhiều so với lượng điện năng mà ngành công nghiệp sản xuất ôtô của đất nước này cần và gần bằng một nửa điện năng mà ngành công nghiệp hóa chất (ngành tiêu tốn nhiều điện năng nhất) sử dụng.

82b7b95f3_google.jpg
Một dự án năng lượng mặt trời do Google đầu tư tại California

Hiện Google đang sở hữu hơn 1 triệu trung tâm dữ liệu ở khắp mọi nơi trên thế giới (chủ yếu tại Mỹ và châu Âu) và mỗi năm lại có thêm hàng ngàn trung tâm dữ liệu mới được xây dựng. Năng lượng để cung cấp cho các trung tâm dữ liệu là vấn đề không hề đơn giản. Những năm gần đây, việc tìm kiếm phương án sáng tạo cho vấn đề năng lượng đã trở thành nhiệm vụ của những người đứng đầu Google, trong đó bao gồm người sáng lập Lary Page.

Xuất phát từ nguyên nhân rất rõ rệt - nhân khẩu tăng lên, nguồn tài nguyên năng lượng ngày càng cạn kiệt rồi biến đổi khí hậu, họ tin rằng cần phải sử dụng những nguồn điện năng mới làm từ nguồn năng lượng tái tạo song song với việc phát triển những công nghệ mới tiết kiệm điện hơn mà vẫn đảm bảo hiệu quả hoạt động của các trung tâm dữ liệu cũng như hoạt động của toàn bộ hệ thống trụ sở, văn phòng làm việc.

Bên cạnh đó là nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng của các khí tài dịch vụ, tòa nhà làm việc và thói quen chuyên cần của toàn bộ nhân viên. Urs Hlzle - Phó chủ tịch, phụ trách dự án xanh hóa công ty, nhân vật số 8 ở trụ sở Googleplex nói rằng: “Cùng với việc chúng tôi trở thành nhà tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng, chúng tôi hy vọng đảm bảo không chỉ gây ra vấn đề, mà còn có thể tham gia và giải quyết vấn đề”.

Google “xanh” đến mức nào?

Dịch vụ thư điện tử (e-mail) gmail và dịch vụ chia sẻ video YouTube - 2 dịch vụ sử dụng điện toán đám mây là minh chứng cho nỗ lực phát triển công nghệ mới để tiết kiệm điện của Google. Công nghệ điện toán đám mây khá an toàn, dễ sử dụng và tiết kiệm được nhiều tiền bạc. Thậm chí còn tiết kiệm được cả lượng điện năng tiêu thụ. Một báo cáo của nhóm Carbon Disclosure Project (CDP) và Verdantix đã dự đoán rằng công nghệ điện toán đám mây có khả năng giảm hàng triệu tấn carbon thải ra. Theo Jonathan Koomey, một giáo sư của Đại học Stanford đã có rất nhiều nghiên cứu về năng lượng được sử dụng, “điện toán đám mây sử dụng năng lượng hiệu quả hơn nhiều so với các trung tâm cơ sở dữ liệu”.

Thử so sánh gmail với một hệ thống e-mail thông thường, kết quả là gmail tiết kiệm năng lượng tới 80 lần so với hệ thống e-mail cũ. Bởi vì việc sử dụng công nghệ điện toán đám mây đòi hỏi những trung tâm cơ sở dữ liệu đặc biệt tiết kiệm điện năng cùng với các máy chủ sử dụng các phần cứng và phần mềm chuyên dụng cho dịch vụ đó. Nói cách khác, tất cả các dịch vụ qua mạng đều được gom về hệ thống máy chủ điện toán đám mây, trong khi theo phương pháp truyền thống, mỗi dịch vụ đều chỉ hoạt động với nhóm máy chủ riêng. Điện toán đám mây giúp tận dụng tối đa năng suất của các máy chủ chứ không để xảy ra tình trạng dư thừa như cách truyền thống.

Tại các trung tâm dữ liệu của mình, tùy vào điều kiện từng nơi, Google thay thế hệ thống điều hòa nhiệt độ ở các trung tâm dữ liệu bằng những hệ thống làm mát sáng tạo, hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn. Ví dụ, tại trung tâm dữ liệu ở Hamina, Phần Lan, Google đã dùng hệ thống làm mát sử dụng nước biển, được xây dựng trên một con đập nhỏ ở vùng biển Baltic. Hệ thống làm mát sẽ bơm nước lạnh lấy từ biển, chuyển nhiệt từ trung tâm dữ liệu vào nước biển thông qua một bộ biến đổi nhiệt, sau đó bơm nước biển trở lại. Hệ thống này có thể làm mát quanh năm và không cần đến các thiết bị làm lạnh nào khác.

Bên cạnh đó, từ năm 2010, Google đã tích cực tham gia vào các dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo để gia tăng nguồn cung ứng năng lượng sạch. Trong năm 2011, Google đã đầu tư gần 1 tỉ USD vào các dự án năng lượng mặt trời, gió… Trong đó có những dự án lớn nhất và quan trọng nhất của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo Mỹ như: Dự án xây dựng đường truyền tải ở ngoài khơi Đại Tây Dương để hỗ trợ các trang trại gió. Google gọi nó là bộ khung kết nối gió Đại Tây Dương (AWC). Bộ khung này kéo dài 350 dặm dọc theo bờ biển từ New Jersey đến Virginia với khả năng kết nối với các turbine gió công suất 6.000MW ở ngoài khơi.

Ý tưởng của Google là kết nối các trung tâm điện lực ngoài khơi (nơi tập trung điện từ các trang trại gió ngoài khơi) và phân phối điện thông qua hệ thống cáp ngầm dưới biển đến những điểm thích hợp nhất trong hệ thống truyền tải trên đất liền; Dự án xây dựng trang trại gió lớn nhất thế giới Shepherds Flat Wind Farm ở bang Oregon, phía tây bắc nước Mỹ; Các dự án năng lượng mặt trời phục vụ vùng Sacramento tại California;…

Dự án phát triển phong điện tại phía tây bang Texas chỉ là dự án thứ 11 trong chuỗi dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo mà Google đã thực hiện. Sau khi nhà máy phong điện có công suất dự kiến 16MW này hoàn tất và đi vào vận hành từ tháng 12/2013, sẽ đảm bảo cung cấp đủ điện năng cho nhu cầu tiêu dùng của hơn 60.000 hộ gia đình tại hạt Oldham ở bang Texas.

Google cho biết, trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục triển khai những dự án tương tự, phát triển năng lượng xanh, thân thiện với môi trường, coi đây là một trong những biện pháp giúp tạo thêm nhiều việc làm và góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương.

Từ năm 2007, Google đã đặt mục tiêu xây dựng doanh nghiệp Zero về chỉ số carbon trên toàn nước Mỹ và đáp ứng 1/3 nhu cầu điện năng cho các trung tâm dữ liệu của mình bằng năng lượng sạch.

Đầu tư vào năng lượng sạch không chỉ thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của các nhà lãnh đạo Google trong bối cảnh giá năng lượng truyền thống ngày càng trở nên đắt đỏ và tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng trở nên đáng lo ngại mà còn là hướng đi thông minh, tiết kiệm tiền bạc và đem lại lợi nhuận lớn khi tận dụng được các chính sách ưu đãi với phát triển năng lượng tái tạo của Mỹ.


Minh Châu (tổng hợp)