Thứ sáu, 22/11/2024 | 20:55 GMT+7

Công chức Việt Nam vẫn thờ ơ!

20/12/2012

Công sở vốn được coi là “ngôi nhà thứ hai” của cán bộ, nhân viên văn phòng.

Công sở vốn được coi là “ngôi nhà thứ hai” của cán bộ, nhân viên văn phòng. Song chính ở “ngôi nhà” này, đang tồn tại nhiều kiểu lãng phí, mà nếu được chứng kiến chắc chắn các ông “chủ hộ” cũng không khỏi xót xa.

“Của chùa ấy mà!”

Bên cạnh văn phòng phẩm, điện thoại thì điện cũng là một hạng mục mà giới nhân viên công sở Việt Nam có tiếng là sử dụng vô tội vạ. Mặc dù tất cả các cơ quan đều quy định: Nhân viên khi đi ra ngoài hoặc trước khi ra về phải tắt điện, tắt quạt và tắt điều hòa, nhưng ở không ít văn phòng, điều hòa vẫn bật, quạt vẫn vù vù chạy cả đêm. Nguyên nhân thì rất nhiều, tuy nhiên tựu chung vẫn là chuyện mấy nhân viên, ai vội về đều đinh ninh đã có đồng nghiệp... tắt hộ. Nếu lãnh đạo có phát hiện thì dĩ hòa vi quý, rồi xin xỏ, năn nỉ nên cùng lắm là bị phê bình nhắc nhở, còn không đồng nghiệp trong phòng lại nhấm nháy nhau cho qua chuyện. Đến cuối tháng tiền điện lên đến vài triệu, thậm chí những cơ quan lớn lên đến vài chục triệu là bình thường.

Những ngày nóng nực, có những phòng làm việc chỉ rộng khoảng trên dưới 20m2 nhưng có đến 7-8 bóng điện, 2 máy lạnh, thậm chí mỗi nhân viên một quạt cây cá nhân. Toàn bộ các thiết bị này đều hoạt động tối đa công suất, nhưng vẫn mở cửa sổ. Một nhân viên trong phòng giải thích “do không có quạt hút gió nên phải mở cửa cho thông gió chứ bật máy lạnh ngột ngạt lắm”. Thậm thí nhiều người vừa tranh thủ hút thuốc, vừa bật máy lạnh, vừa... mở cửa cho thoáng . Cái sự lãng phí ấy có thể gặp ở bất cứ công sở nào, người ta gọi là hiện tượng “của ta đâu mà giữ”.

37a93a3f7_tr10_den_compact.jpg

Có anh bạn tâm sự rất thật: Vào những tháng mùa hè, máy điều hòa các phòng chạy xuyên... trưa, mặc dù có khi cả phòng đều ra ngoài ăn. Điều cơ bản là vì cơ quan nhà nước nên đã có trợ cấp từ bên trên do đó nhân viên cứ thả phanh dùng mà không cần phải tính toán. Nhiều khi nhìn hóa đơn thanh toán mà xót cả ruột. Tính qua cũng biết số tiền điện một tháng bằng một người nông dân làm cả đời. Không chỉ điện, điện thoại, máy tính, mà cả những thứ nhỏ nhặt hơn, như nước, giấy vệ sinh... nhiều người cũng sử dụng tràn lan, không có ý thức tiết kiệm đúng mức. Câu hỏi được đặt ra là nếu những vật dụng đó là của nhà họ, thì liệu họ có sử dụng tùy tiện như vậy không?

Nói đi cũng phải nói lại, hầu hết các công trình xây dựng tại Việt Nam hiện này đều chưa có sự quan tâm đúng đắn đến hiệu quả sử dụng năng lượng. Ngay từ khâu thiết kế, lựa chọn vật liệu cho đến vận hành đều gây lãng phí năng lượng. Ngoài ra, ý thức người sử dụng cũng như chính sách quản lý năng lượng còn hạn chế cũng là nguyên nhân chính khiến mức tiêu hao năng lượng trong các tòa nhà vẫn cao.

Tại Việt Nam, các tòa nhà cao tầng tại các khu đô thị, văn phòng, công sở… chính là những hộ tiêu thụ năng lượng lớn nhất. Mặt khác, các tòa nhà này là kết quả của quá trình đô thị hóa quá nhanh, nên ngày càng bộc lộ nhiều khiếm khuyết trong thiết kế, xây dựng, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về công trình xanh, dẫn tới sử dụng năng lượng còn rất lãng phí. Hiện trạng này nếu không sớm được cải thiện sẽ đẩy các tòa nhà trở thành “thủ phạm” chính trong việc lãng phí năng lượng.

Các chuyên gia trong quản lý tòa nhà cũng nhận định, trên thực tế, nếu toàn thể CBCNV cùng chung tay thì tiềm năng TKNL tại các tòa nhà ở Việt Nam là không phải nhỏ, tương đương 10-40% năng lượng sử dụng trong công trình, giảm được rất nhiều chi phí. Theo đó, các công trình khi thiết kế cần phải đáp ứng được một số yêu cầu cụ thể như đưa kiểm soát năng lượng vào thiết kế, mô hình hóa năng lượng chi tiết, thiết kế kiểm soát môi trường, năng lượng. Kết quả kiểm toán năng lượng nên là cơ sở để nghiệm thu và cấp chứng chỉ TKNL đối với tòa nhà. Mặt khác, khi thiết kế một công trình phải tận dụng được tối đa nguồn năng lượng tự nhiên, tận dụng được nguồn sáng này sẽ giúp cắt giảm lớn trong chi phí chiếu sáng các tòa nhà.

Giải quyết cách nào?

Trong một lần trao đổi cùng ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHHNN MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, ông khẳng định: “Ý thức tiết kiệm của mỗi đơn vị đến từ phong cách lãnh đạo của chính công ty. Tiết giảm chi phí thường xuyên có hai dạng: Thứ nhất, là văn phòng phẩm, điện, nước... hàng ngày – cái này đánh thẳng vào ý thức của mỗi CBCNV. Thứ hai, giám sát để mọi CBCNV cùng thực hiện tiết kiệm trong sản xuất trực tiếp”.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hoài Giang cũng thành thực chia sẻ: “Nhưng nói gì thì nói, thực ra cũng vì các phong trào mà chúng ta kêu gọi luôn bị tách rời quá xa so với quyền lợi của CBCNV. Chúng ta phát động phong trào thật đấy, nhưng để nó bền vững và đi vào đời sống vận hành, sản xuất, quản lý kinh doanh, đời sống công việc của những người lao động, công nhân viên và nó bền vững thực sự, người ta không quên lãng, không coi đó là sự ép buộc, bắt buộc… thì việc đó phải gắn liền với quyền lợi của họ…

Trên thực tế, quyền lợi không phải cái gì xấu, phát triển bền vững là phát triển phải gắn liền với quyền lợi nhiều bên. Họ tiết kiệm được 1 đồng, chúng ta cũng phải thưởng cho họ 50 xu. Không quyết liệt làm như vậy thì đơn vị chẳng tiết kiệm được đồng nào cả! Bạn có tin là không có quyền lợi đi kèm, chúng ta sẽ mất hết, mất đủ 1 đồng kia không? Đó là hai vấn đề mà chúng ta, hoặc chưa làm tốt hoặc chưa dám làm. Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, chừng nào chưa được giải quyết triệt để thì việc kêu gọi thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý, điều hành sản xuất sẽ mãi mãi chỉ nằm trên bàn giấy và không đi vào cuộc sống”.

Theo một cán bộ trong Ban Quản lý Tòa nhà BIDV Tower, khi ý thức không được khơi gợi thì chẳng còn cách nào ngoài việc áp dụng những chế tài xử thật nghiêm hành động vô ý thức trong tiết kiệm năng lượng. “Chúng tôi không dám và đương nhiên không thể vơ đũa cả nắm, nhưng bây giờ mọi người làm công ăn lương, ít ai có tư tưởng phục vụ nhà nước và nhân dân. Những người bằng lòng với mức thu nhập đó sẽ làm việc với trách nhiệm mà họ nghĩ là đủ với mức lương mà mình nhận được. Những người không bằng lòng sẽ sử dụng thời gian làm việc tại công sở để làm việc riêng của mình nhằm kiếm thêm thu nhập”, vị này nhận xét.

Để tránh lãng phí tiền bạc cũng như thời gian, nhân lực cho cơ quan, người lãnh đạo phải rà soát lại quy chế thật chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm với nhiều hình thức như: nhắc nhở, phê bình, cảnh cáo, kỷ luật... để tạo cho cán bộ, nhân viên ý thức làm việc. Mặc dù các cơ quan đều có quy chế mẫu nhưng vấn đề là thực hiện ở các đơn vị và việc rà soát áp dụng quy chế có thường xuyên không? Tránh lãng phí nơi công sở - vấn đề còn để ngỏ, chờ đợi sự “tự giác” của từng công chức và một cơ chế thật nghiêm minh, đồng bộ, từ các cơ quan, đoàn thể. Hãy thoát khỏi tư tưởng “cha chung không ai khóc”, “của chùa” để xây dựng một nét văn hóa nơi công sở của chính mình!

Theo Petrotimes