Thứ bảy, 05/10/2024 | 20:47 GMT+7

Điện gió - năng lượng tương lai

06/11/2012

Năng lượng - một động lực quan trọng trong quá trình phát triển của thế giới đang nổi lên là một trong những thách thức nhất của thế kỷ 21.

Năng lượng - một động lực quan trọng trong quá trình phát triển của thế giới đang nổi lên là một trong những thách thức nhất của thế kỷ 21. Khi mà nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, điện hạt nhân và thủy điện với sự nguy hiểm khó lường, thì nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió đang đem đến cho loài người chìa khóa để giải quyết bài toán năng lượng.

Thế giới đi vào điện gió

Nhiều nước trên thế giới nhận thức được tầm quan trọng và đã có những quyết sách mạnh mẽ đối với phát triển điện gió. Mới đây Liên Hợp Quốc đã công bố các số liệu cho thấy công suất điện từ gió đã tăng nhanh trên toàn cầu và đạt kỷ lục mới là 238.000 MW, riêng năm 2011 đã tăng thêm 41.000 MW. Đã có hơn 80 nước trên thế giới khai thác nguồn năng lượng xanh này, công suất điện gió toàn cầu hiện đã đủ để cung cấp nhu cầu điện sinh hoạt cho 380 triệu người.

Công suất điện gió toàn cầu được dự báo sẽ tăng ít nhất gấp đôi vào năm 2016. Chi phí để xây dựng các nhà máy điện gió đang giảm mạnh và sẽ cạnh tranh được với các nguồn sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch hoặc hạt nhân vào năm 2016.

e16ff2497_diengio.jpg

Điện gió Phú Quý. 

Trung Quốc dẫn đầu thế giới về công suất điện gió với khoảng 63.000 MW năm 2011. Mỹ đạt 47.000 MW đủ đáp ứng yêu cầu sinh hoạt của 10 triệu hộ gia đình. Với công suất 100.000 MW, châu Âu hiện dẫn trước tất cả các khu vực trên thế giới về nguồn điện này, trong đó có những nước công nghiệp điện gió rất phát triển như Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Anh, Pháp… Điện gió hiện nay chiếm tới 25% tổng công suất điện của Đan Mạch; chiếm tới hơn 10% công suất phát điện của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ailen. Đức đứng thứ ba thế giới và hiện chiếm hơn 9% tổng công suất phát điện của nước này. Mới đây, Đức đã tuyên bố đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, chuyển sang phát triển điện gió. Các nước Mỹ Latinh, châu Phi và Trung Đông cũng đẩy nhanh các dự án khai thác nguồn năng lượng gió (năm 2011, công suất điện gió của Braxin tăng thêm 63% so với năm 2010)…

Bình Thuận sẽ là trung tâm điện gió của cả nước

Ngày 18/4/2012, Nhà máy phong điện 1 (Bình Thạnh, Tuy Phong) với 20 trụ tua bin, tổng công suất 30 MW được khánh thành. Đây là dự án đầu tiên của cả nước đi vào hoạt động; đánh dấu bước phát triển năng lượng điện gió của đất nước và Bình Thuận trong tương lai.

Theo các nhà chuyên môn, tiềm năng điện gió của Việt Nam rất lớn, đứng đầu các nước Đông Nam Á với 513.000 MW. Bình Thuận với bờ biển dài gần 200 km, hầu hết các khu vực ven biển chạy dài từ Tuy Phong đến La Gi đều có vận tốc gió từ 6 - 6,5m/s, có nhiều vùng ở Bắc Bình, Tuy Phong đạt 8 - 8,5m/s là điều kiện rất tốt để phát triển điện gió. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, trên địa bàn tỉnh có 6 khu vực có tiềm năng phát triển điện gió đến năm 2020 với diện tích 23.549 ha, công suất đạt 1.570 MW.

Theo quy hoạch  phát triển điện gió Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Sở Công Thương vừa được công bố, thì đến năm 2020 tổng công suất lắp đặt của 21 dự án trên địa bàn tỉnh xấp xỉ 700 MW, với sản lượng 1.500 triệu KWh. Và đến năm 2030, công suất lắp đặt tích lũy khoảng 2.500 MW, sản lượng tương ứng là 5.475 triệu KWh. Với quy hoạch này, trong tương lai Bình Thuận sẽ là trung tâm điện gió lớn nhất cả nước (chiếm trên 40% sản lượng toàn quốc).

Để quy hoạch sớm thành hiện thực

Tốc độ tăng trưởng điện gió trên toàn cầu hiện nay rất ngoạn mục với mức 28%/năm, cho thấy nhu cầu và khả năng phát triển điện gió trên thế giới rất lớn và là hướng đi tất yếu của mọi quốc gia. Sự phát triển thần kỳ của điện gió là nhờ những tiến bộ về công nghệ có tính đột phá trong thời gian qua đã giúp giảm giá thành điện gió xuống nhiều lần, tăng công suất, hiệu quả, và độ tin cậy của các trạm điện gió. Đồng thời việc phát triển điện gió sẽ làm giảm nguy cơ khủng hoảng năng lượng, bảo vệ môi trường mà tất cả các nước trên thế giới đều hướng đến.

Việc phát triển điện gió ở Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng cũng được thừa hưởng những thành tựu khoa học kỹ thuật điện gió thế giới, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn phía trước. Nguyên nhân chính yếu nhất là tính kinh tế của nguồn năng lượng này ở nước ta chưa thật sự hấp dẫn nhà đầu tư  (tỷ suất đầu tư cao, giá không đủ bù chi phí). Điều đáng mừng là Chính phủ đã có quyết định trợ giá (theo Quyết định 37), tuy nhiên cần phải có chính sách rõ ràng hơn trong việc mua điện từ nguồn năng lượng gió để đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cùng với đó là việc thực hiện thị trường hóa việc mua bán điện và đưa giá điện sát giá thị trường, có như vậy mới khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này.

Cùng với giá mua điện, cần có chủ trương giải quyết việc chồng lấn giữa việc quy hoạch dự án điện gió với các dự án kinh tế- xã hội khác nhất là khai thác khoáng sản titan. Thiết nghĩ nên giao cho tỉnh quyền quyết định vấn đề này và nên thống nhất quan điểm khoáng sản chưa khai thác thì vẫn còn đó, còn nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế là rất cấp thiết nên phải ưu tiên cho năng lượng, trước hết là điện gió.

Theo Baobinhthuan