Thứ bảy, 21/12/2024 | 18:58 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng đồng hành kiến trúc “xanh”

06/11/2012

Thách thức về biến đối khí hậu đã buộc chúng ta nhìn nhận việc tiết kiệm năng lượng - đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ bản - như một biện pháp quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Thách thức về biến đối khí hậu đã buộc chúng ta nhìn nhận việc tiết kiệm năng lượng - đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ bản - như một biện pháp quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Trong những năm gần đây, thế giới đang lên “cơn sốt” về vấn đề năng lượng. Các nguồn năng lượng hóa thạch như dầu mỏ, than đá, khí đốt… ngày càng cạn kiệt, trong khi những nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, nước… chưa được phát triển mạnh. Thách thức về biến đối khí hậu đã buộc chúng ta nhìn nhận việc tiết kiệm năng lượng - đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ bản - như một biện pháp quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Yêu cầu bức thiết

Thống kê cho thấy, các công trình xây dựng tiêu thụ nguồn năng lượng rất lớn. Vì vậy, tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong các công trình xây dựng góp phần đáng kể vào việc hạn chế tiêu thụ năng lượng của cả trái đất và chúng ta cũng đã bước đầu tham gia vào phong trào TKNL của thế giới.

Theo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về TKNL, khảo sát tại 3 đô thị: Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng cho thấy, mức tiêu thụ điện của Việt Nam trong 10 năm qua tăng 400% (trong ngành công nghiệp và xây dựng, giao thông nông nghiệp, dịch vụ và hành chính dân dụng), trong đó các căn hộ có mức tăng trưởng cao nhất và hầu như không áp dụng các quy chuẩn TKNL. Các tòa nhà xây trong 5 năm trở lại đây, 98% không có cách nhiệt, 75% sử dụng một lớp kính, 41% tòa nhà có tỷ lệ kính trên tường lớn hơn 25%, 37% có điều hòa nhiệt độ sử dụng hệ thống điều hòa không khí trung tâm và 25% có các loại quạt và máy bơm với tốc độ khác nhau.

Hiện tại, tổng năng lượng tiêu dùng trong khu vực xây dựng ước tính chiếm trên 20% tổng năng lượng quốc gia và sẽ tiếp tục tăng mạnh cùng với quá trình đô thị hóa. Nhìn chung, việc sử dụng năng lượng ở các tòa nhà xây dựng hiện nay còn nhiều bất cập, gây thất thoát, lãng phí, hiệu quả sử dụng năng lượng thấp. Từ đó, các chuyên gia về năng lượng cho rằng, đã đến lúc cần đưa ra các quy định bắt buộc các công trình xây dựng mới cũng như khi cải tạo cần tuân thủ các yêu cầu, giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm…

f72556637_truong_hoc_xanh.jpg

Trường học “xanh” Bình Dương do KTS Võ Trọng Nghĩa thực hiện - một trong những công trình xanh điển hình của Việt Nam.

Theo tính toán của Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, nếu các công trình xây dựng áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế kiến trúc; sử dụng các vật liệu TKNL; lắp đặt và vận hành các thiết bị có hiệu suất năng lượng cao; có cán bộ quản lý năng lượng đủ trình độ; tận dụng không gian, ánh sáng tự nhiên… thì có thể tiết kiệm từ 30-40% năng lượng tiêu thụ. Đối với các công trình đang hoạt động hoặc sắp cải tạo nếu tiến hành kiểm toán năng lượng và sau đó triển khai các giải pháp TKNL cũng có thể tiết kiệm từ 15-25% năng lượng.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1427/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012-2015. Trong đó chỉ rõ, từ năm 2012, 100% các tòa nhà xây mới hoặc cải tạo lại đều phải thực hiện việc quản lý bắt buộc theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về “Các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”. Đồng thời, triển khai các giải pháp công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng công cộng, áp dụng chiếu sáng hiệu suất cao, TKNL cho 100% công trình chiếu sáng công cộng xây dựng mới.

Hiện nay có một số bộ quy chuẩn đang được sử dụng trong việc đánh giá chất lượng của các công trình xây dựng như Tiêu chuẩn LOTUS trong xây dựng, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Quy chuẩn xây dựng 40/2005/QĐ-BXD. Trong đó, Quy chuẩn xây dựng 40/2005/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng, ban hành năm 2005 là một trong những văn bản quan trọng trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Quy chuẩn này quy định những yêu cầu kỹ thuật tối thiểu bắt buộc phải tuân thủ để sử dụng năng lượng có hiệu quả cho thiết kế xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình xây dựng, đồng thời, cũng có những quy định nhằm giảm thiểu lãng phí sử dụng năng lượng, nâng cao tiện nghi nhiệt, tiện nghi thị giác, nâng cao năng suất lao động…

Khó tìm “ngôi nhà xanh”

Việt Nam là nước có tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng nhanh. Các khu đô thị, nhà chung cư, nhà ống, biệt thự… được xây dựng nhiều kéo theo gánh nặng về năng lượng. Với những tòa nhà có mặt sàn từ 1.000m2, hàng chục tầng sẽ là những con “khủng long tiêu thụ năng lượng”, chỉ tính riêng tổng năng lượng tiêu thụ cho các công trình xây dựng đã chiếm 40-70% tổng năng lượng cung cấp cho đô thị.

 

Theo kinh nghiệm nước ngoài, nếu công việc thiết kế quy hoạch, thi công và vận hành công trình tốt chúng ta có thể tiết kiệm được ít nhất 15%, thậm chí cao nhất là 30% nhu cầu tiêu dùng về điện năng trong khu vực các tòa nhà.

Theo điều tra, khảo sát của Viện Môi trường Đô thị và Công nghiệp Việt Nam, việc chú trọng đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, sinh thái trong công tác quy hoạch và thiết kế kiến trúc chưa được coi trọng. Năng lượng tiêu thụ khu vực nhà ở và các công trình công cộng hiện đang chiếm 25-30%. Còn theo Bộ Công Thương, điện năng sử dụng trong sinh hoạt hiện chiếm khoảng 40% tổng điện năng tiêu thụ. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của khu vực nhà ở và công trình công cộng giai đoạn vừa qua là 18% hàng năm mà có thể cao hơn trong thập kỷ tới.

 Theo KTS Ngô Doãn Đức, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc xây dựng và quy hoạch tổng thể ở Việt Nam còn thiếu đồng bộ, quy hoạch luôn chạy sau xây dựng, điều đó khiến bộ mặt các thành phố lớn lởm chởm và lô xô. Nhiều thiết kế kiến trúc công trình chưa chú trọng tới yếu tố phù hợp với điều kiện khí hậu, hướng công trình hay khả năng cách nhiệt. Đặc biệt, trong khu vực kiến trúc còn thiếu các hướng dẫn, mô hình quản lý nhằm sử dụng năng lượng một cách hiệu quả, tiết kiệm, hạn chế phát thải ra môi trường.


Vấn đề đặt ra là làm cách nào để có thêm nhiều công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm mà vẫn có hiệu quả cao khi sử dụng công trình, trong khi mức chi phí của các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả khá thấp, chỉ chiếm 5-7% tổng chi phí đầu tư công trình mới.

Trong công trình xây dựng tại Việt Nam, các giải pháp TKNL phổ biến hiện nay tập trung ở 3 hệ thống kỹ thuật: Hệ thống chiếu sáng nhân tạo, cấp thoát nước và điều hòa không khí. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa thật sự có được lực lượng tư vấn thiết kế như kiến trúc sư, thiết kế cơ điện, thiết kế hệ thống quản lý năng lượng… đảm bảo đáp ứng nhu cầu TKNL. Lực lượng tư vấn thiết kế của Việt Nam chưa có nhiều điều kiện để tiếp xúc với các chương trình đào tạo bổ sung, cập nhật kỹ năng thiết kế các công trình xanh, TKNL nên hiện nay, nhiều công trình, các chủ đầu tư thường phải thuê tư vấn thiết kế từ nước ngoài. Ngoài ra, hệ thống tiêu chuẩn, đánh giá và công nhận các công trình xanh của Việt Nam cũng đã có nhưng hiện vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Từ những nguyên nhân này, đa số các tòa nhà mới của Việt Nam mặc dù có quan tâm đến việc TKNL nhưng mới chỉ áp dụng TKNL một phần chứ chưa TKNL một cách hệ thống nên chưa đạt hiệu quả tối ưu.

Khi đã có Chương trình mục tiêu Quốc gia Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hy vọng Việt Nam sẽ có nhiều hơn những công trình “xanh”, TKNL và giảm thiểu phát thải ra môi trường.
Theo Petrotimes