Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:40 GMT+7

Ngôi nhà xanh và trách nhiệm tiết kiệm năng lượng

23/10/2012

Hội thảo khoa học quốc tế “Ngôi nhà xanh Việt Nam -sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại” do Viện Gớt (Goethe) Việt Nam tổ chức gần đây thu hút sự quan tâm của giới kiến trúc sư, giới khoa học môi trường, giới đầu tư xây dựng...

Hội thảo khoa học quốc tế “Ngôi nhà xanh Việt Nam -sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại” do Viện Gớt (Goethe) Việt Nam tổ chức gần đây thu hút sự quan tâm của giới kiến trúc sư, giới khoa học môi trường, giới đầu tư xây dựng... Có mấy lẽ khiến hội thảo này được quan tâm nhiều đến vậy. Thứ nhất, nhà xanh là tất yếu của tương lai; thứ hai, nhu cầu xây dựng nhà xanh trong xã hội ngày một lớn; thứ ba, có nhiều cơ chế chính sách của Nhà nước khuyến khích “nhà xanh” tiết kiệm năng lượng.

Đi tìm “Ngôi nhà xanh”

Nói đến “nhà xanh”, có rất nhiều người hiểu không đúng nghĩa. Bằng chứng là mới đây có một cuộc thi đi tìm “Ngôi nhà xanh” được Mạng lưới Thế hệ xanh tổ chức trên mạng xã hội Facebook, có một phần rất lớn các “bài thi” tập trung vào mảng cây, hoa trong khuôn viên nhà. Đúng ra “ngôi nhà xanh” ở đây phải được hiểu là những ngôi nhà tiết kiệm năng lượng, tận dụng được “năng lượng xanh” sẵn có. Giải nhất thuộc về một bức ảnh, nếu đứng ở góc độ nghệ thuật thì có thể nói “không đẹp”, thế nhưng lại thể hiện được tinh thần của “ngôi nhà xanh”. Bức ảnh miêu tả một phòng khám thuốc nam được xây dựng ở tỉnh Kiên Giang. Điều đặc biệt của căn phòng này là tận dụng được nhiều vật liệu tái chế sẵn có của địa phương, kết cấu căn phòng tận dụng được năng lượng gió, ánh sáng và nhiệt độ ngoài trời. Bà Đỗ Vân Nguyệt, người chủ trì cuộc thi này, cho biết: “Mục đích cuối cùng của cuộc thi là hướng cộng đồng tới những nhận thức mới về vấn đề môi trường và một cuộc sống phát triển bền vững”.

c4b4f3ee4_ngoi_nha_xanh.jpg

Trường học xanh Bình Dương, do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thực hiện, là một trong những "ngôi nhà xanh" tiêu biểu của Việt Nam. 

Việt Nam là nước có tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng nhanh. Các khu đô thị, nhà chung cư, nhà ống, biệt thự... được xây dựng nhiều kéo theo gánh nặng về năng lượng. Theo khảo sát mới đây của thạc sĩ Pa -tơ-ríc Bi -vô-na (Patrick Bivona) của Đại học Kiến trúc, điện toán, kỹ thuật Đông Luân Đôn, tại TP Hồ Chí Minh hiện nay cứ 77 người dân là có 1 máy điều hòa nhiệt độ; khảo sát trong 6 tháng đầu năm 2012, số lượng máy điều hòa được bán ra là 500 nghìn chiếc. Tốc độ phát triển nhanh chóng của máy điều hòa đè một gánh nặng lên năng lượng điện và xa hơn là ngân sách quốc gia.

Vẫn theo khảo sát của thạc sĩ Pa -tơ-ríc, việc sử dụng điều hòa này phụ thuộc vào hướng nhà, kết cấu nhà. Ví dụ những ngôi nhà có mặt hướng tây, lòng nhà hẹp sẽ phải sử dụng nhiều năng lượng cho điều hòa hơn. Ngoài ra việc sử dụng điều hòa tăng nhanh cũng một phần do tập quán xã hội thay đổi. Điều này rất dễ nhận thấy khi nhiều công sở, siêu thị, văn phòng sử dụng điều hòa dẫn đến nhu cầu sống ở nhiệt độ mát mẻ của con người tăng cao.

Với những tòa nhà có mặt sàn từ 1000 mét vuông, hàng chục tầng sẽ là những con “khủng long tiêu thụ năng lượng”. Vấn đề đặt ra là làm cách nào để hạn chế nguồn năng lượng ấy. Hiện tại có rất nhiều giải pháp. Về vật liệu xây dựng, hiện nay cho phép có những tấm cách nhiệt hiệu suất cao; năng lượng “sạch” từ gió, từ điện mặt trời... nhưng căn bản nhất về kiến trúc vẫn phải là kết cấu nhà. Cách đây chưa lâu, KTS Võ Trọng Nghĩa đã được vinh danh tại Xin -ga-po với kiến trúc nhà xanh. Về kết cấu, đây là những ngôi nhà tận dụng được gió và ánh sáng từ môi trường tự nhiên, các giải pháp giảm nhiệt cho ngôi nhà cũng được đánh giá là tối ưu với những “vách xanh”, “mái xanh” bằng cây cỏ. Những ngôi nhà xanh như vậy không phải là điều gì quá xa vời, Việt Nam ta hoàn toàn có thể làm được.

Sổ tay “Ngôi nhà xanh”

Công cuộc phổ biến “ngôi nhà xanh” khắp nước ta có nhiều thuận lợi và cũng nhiều khó khăn thách thức. Về thuận lợi, qua khảo sát của nhiều kiến trúc sư cho thấy căn nhà truyền thống của người Việt cơ bản đã có được “tinh thần” của “ngôi nhà xanh”. Có thể thấy rõ ở những nghiên cứu của các kiến trúc sư Trần Thúc Hào (Kiến trúc xanh và thích ứng văn hóa), Hoàng Mạnh Nguyên (Bài học kinh nghiệm về thích ứng khí hậu và phát triển bền vững kiến trúc nhà ở truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam), Ri-chác Li -chơ (Richard Leech) (Khuyến khích kiến trúc xanh ở Việt Nam: Cách nhìn của một nhà đầu tư quốc tế)...

Tuy nhiên thách thức lớn nhất chính là vấn đề tài chính và sự hiểu biết của người dân về một “ngôi nhà xanh”. Theo tính toán của tiến sĩ Mi -chen Oai-ben (Michael Waibel), Đại học Hamburg, Đức, ở Việt Nam nhà dân sinh tiêu thụ 53% trong tổng số năng lượng sử dụng của các công trình kiến trúc, con số này cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của khu vực Đông Nam á (khoảng 30%). Vì vậy, việc cải tạo nhà dân sinh theo hướng “nhà xanh” là giải pháp tiên quyết. Trong khi đó, nhà dân sinh không thuộc đối tượng điều chỉnh của các luận về giảm thiểu năng lượng và chống ô nhiễm môi trường. Điều này cho thấy ý thức của người dân quyết định rất lớn trong việc quyết định có xây dựng nhà mình theo hướng “ngôi nhà xanh” hay không.

Cuối cùng, thuận lợi của chúng ta đang có được là hiện nay có rất nhiều tổ chức, đơn vị hỗ trợ cho phong trào xây dựng “ngôi nhà xanh” tại Việt Nam. Vừa qua, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu của CHLB Đức đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam cho ra mắt “Sổ tay ngôi nhà xanh”. Trong cuốn sổ tay này đề cập tới các vấn đề: Giảm chi phí năng lượng, tăng chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường. Trong đó có nhiều cách làm, gợi ý hay được liệt kê, hướng dẫn, trọng tâm có: Nguyên tắc thiết kế, thông gió và làm mát, cấu trúc vỏ bọc công trình, thái độ và hành động của người sử dụng, phương thức xây dựng và vật liệu thân thiện với môi trường... Quả thật, nếu xét theo những kinh nghiệm cá nhân khi đối chiếu với các “gợi ý” của cuốn sổ tay này chúng tôi nhận thấy phần lớn nhà dân sinh chúng ta đang ở đã sử dụng năng lượng rất lãng phí. Lấy một ví dụ, nhà ở phố thường có xu hướng đua ra khoảng đất lưu không để có thêm diện tích ở. Các chuyên gia cho rằng đối với phần mặt tiền nhà rất cần có những khoảng che chắn ánh nắng. Theo tính toán, nếu cửa sổ nhà xây thụt vào hoặc có được một tấm “ô văng” che nắng thì nhiệt độ phòng sẽ giảm xuống rất đáng kể.

Ngay trong hội thảo này, nhiều đơn vị đã báo cáo hiệu quả của các sáng kiến tiết kiệm năng lượng. ông Trần Quý Năng, giám đốc điều hành kỹ thuật tòa nhà HITC, Hà Nội, cho biết: “Hiện nay tòa nhà đã được sử dụng kỹ thuật giám sát nhiệt độ từ xa, đây là sáng kiến cá nhân của ông Năng. Hệ thống giám sát này có chi phí thấp nhưng đã làm lợi cho tòa nhà khoảng 10% chi phí năng lượng hằng năm”. Hay tại các tòa nhà như Hilton, Majesty, Ocean Park, Sheraton... cũng có các sáng tạo tiết kiệm năng lượng. Đại diện quản lý các tòa nhà cho biết, nếu đầu tư các giải pháp này sẽ thu lại vốn trong vòng 3 đến 5 năm. Được biết trong thực tế, các giải pháp kỹ thuật tiết kiệm năng lượng có thể sử dụng từ 15 đến 20 năm.

Ở các tòa nhà lớn, việc tiết kiệm chi phí năng lượng cho thấy hiệu quả rất rõ rệt. Tuy nhiên đối với nhà dân sinh hiện chiếm 53% năng lượng của các tòa nhà ở Việt Nam, liệu người dân có chịu bỏ chi phí xây dựng cao hơn một chút để thu lại cái lợi lâu dài hay không? Điều này phải trông chờ vào ý thức người dân đối với vấn đề nóng lên của Trái đất. Thế mới hay, trong thời đại thông tin toàn cầu, những việc làm tưởng nhỏ lại có can hệ rất lớn tới nhân loại. 

Mai Anh Theo QDND