Thứ ba, 15/10/2024 | 19:34 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng chưa thực sự hiệu quả

22/10/2012

Hiện tại, tổng năng lượng tiêu dùng trong khu vực xây dựng ước tính chiếm trên 20% tổng năng lượng quốc gia và sẽ tiếp tục tăng mạnh cùng với quá trình gia tăng đô thị hóa. C

Hiện tại, tổng năng lượng tiêu dùng trong khu vực xây dựng ước tính chiếm trên 20% tổng năng lượng quốc gia và sẽ tiếp tục tăng mạnh cùng với quá trình gia tăng đô thị hóa. Các chuyên gia về năng lượng cho rằng, đã đến lúc cần đưa ra các quy định bắt buộc các công trình xây dựng mới cũng như khi cải tạo cần tuân thủ các yêu cầu, giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm…

Kết quả khảo sát của Bộ Xây dựng kết hợp với hai Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (TKNL) Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về hiện trạng sử dụng, quản lý năng lượng tại một số tòa nhà sử dụng nhiều năng lượng cho thấy, đối với tòa nhà là trụ sở cơ quan hành chính, thiết bị sử dụng nhiều năng lượng là điều hòa không khí chiếm trên 70% tổng năng lượng sử dụng; đèn chiếu sáng chiếm 10%; các thiết bị khác như máy móc văn phòng, thang máy, máy bơm nước chiếm khoảng 20%. Đối với tòa nhà là trung tâm thương mại, siêu thị, 75% năng lượng được tiêu tốn bởi điều hòa không khí; 10% là thiết bị chiếu sáng, các thiết bị khác chiếm 15%. Đối với khách sạn, các con số này lần lượt là 60%, 25% và 15%.

Nhìn chung, việc sử dụng năng lượng ở các tòa nhà xây dựng hiện nay còn nhiều bất cập, gây thất thoát, lãng phí, hiệu quả sử dụng năng lượng thấp. Theo tính toán của Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng đã chỉ ra rằng, nếu các công trình xây dựng áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế kiến trúc; sử dụng các vật liệu TKNL; lắp đặt và vận hành các thiết bị có hiệu suất năng lượng cao; có cán bộ quản lý năng lượng đủ trình độ; tận dụng không gian, ánh sáng tự nhiên… thì có thể tiết kiệm từ 30 - 40% năng lượng tiêu thụ. Đối với các công trình đang hoạt động hoặc sắp cải tạo nếu tiến hành kiểm toán năng lượng và sau đó triển khai các giải pháp TKNL cũng có thể tiết kiệm từ 15 - 25%.

62945ba1d_tiepkiem_trong_xay_dung.jpg

Điều này cho thấy vấn đề áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng chưa thực sự được chú trọng. Theo các cơ quan quản lý, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hệ thống các văn bản chính sách về tiết kiệm năng lượng chưa đồng bộ; một số quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn hướng dẫn kỹ thuật về TKNL nói chung và các công trình xây dựng nói riêng còn thiếu. Tình trạng phổ biến hiện nay là việc lắp đặt hệ thống điều hòa không khí không phù hợp, không vệ sinh, bảo dưỡng định kỳ; lớp vỏ công trình có thiết kế và vật liệu không đảm bảo yêu cầu TKNL, thiết bị chiếu sáng còn sử dụng nhiều bóng đèn sợi đốt… Ngoài ra, hiểu biết và các hành động TKNL của người sử dụng còn hết sức hạn chế.

Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ nhiều cán bộ ngành xây dựng cũng như chuyên gia tư vấn, thiết kế phớt lờ QCXD 09:2005 cũng như các quy định về TKNL trong công trình xây dựng là do việc có đáp ứng quy chuẩn này hay không cũng không ảnh hưởng đến việc cấp phép xây dựng. Hơn nữa, về mặt kỹ thuật, bản QCXD 09:2005 dùng quá nhiều công thức phức tạp, cán bộ ngành nhiều khi cũng chịu. Vì vậy, cần sớm có quy định việc áp dụng QCXD 09:2005 là một trong những điều kiện cần thiết trong quá trình cấp phép xây dựng. Đồng thời, cần đơn giảm hóa QCXD 09:2005 bằng cách sử dụng các bảng biểu để đối chiếu thay vì các công thức phức tạp. Mặt khác, cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ ngành xây dựng trong việc ứng dụng QCXD 09:2005 trong quá trình thẩm định, cấp phép cũng như năng lực của đội ngũ tư vấn thiết kế, kỹ sư xây dựng về các kỹ thuật tính toán liên quan đến sử dụng hiệu quả năng lượng.

TKNL trong các công trình xây dựng là xu thế chung của thế giới nhằm hướng đến việc xây dựng các công trình xanh, trong đó sử dụng đồng bộ các giải pháp từ thiết kế công trình, sử dụng thiết bị và vật liệu xanh. Đặc biệt, cần khuyến khích ngành công nghiệp vật liệu xây dựng phát triển các loại vật liệu không nung, vật liệu thân thiện môi trường, vật liệu tái chế; các giải pháp thiết kế công trình hướng đến việc tận dụng tối đa năng lượng từ thiên nhiên như ánh sáng, gió kết hợp với các thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo.
Theo Daibieunhandan