Trồng cây cọc rào (Jatropha) trên quy mô lớn có thể giúp cải tạo đất bạc màu và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Kết quả một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Ấn Độ đăng trên tạp chí "Nông nghiệp, Hệ sinh thái và Môi trường", cho thấy việc trồng cây cọc rào (Jatropha), loại cây nguyên liệu tiềm tàng để sản xuất nhiên liệu diesel sinh học, trên quy mô lớn có thể giúp cải tạo đất bạc màu và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu cây trồng quốc tế cho vùng nhiệt đới bán khô cằn (ICRISAT) ở thành phố Hyderabad (Ấn Độ) đã tiến hành nghiên cứu các đồn điền trồng cây cọc rào tại 6 địa điểm khác nhau tại Ấn Độ và đo lượng khí thải CO2, khí gây hiệu ứng nhà kính mà chúng đã hấp thụ. Kết quả cho thấy hàng năm, mỗi hécta trồng cây cọc rào trên 4 năm tuổi có thể bổ sung thêm cho đất gần 1,5 tấn cácbon hữu cơ thông qua lá rụng, việc tỉa cành và bã sau khi ép dầu.
Cây cọc rào.
Việc bổ sung cácbon hữu cơ vào đất và hoạt động trao đổi chất của rễ cây cọc rào cũng làm tăng số lượng vi khuẩn trong đất, một chỉ số chính đo độ màu mỡ của đất. Việc tái chế lượng cácbon sinh học này cũng làm tăng độ màu mỡ cho đất. Hàng năm, mỗi hécta đất trồng cây cọc rào được bổ sung 85 kg đạm, 44 kg kali và 8 kg lân.
Theo các chuyên gia, những kinh nghiệm trước đây cho thấy việc canh tác thương mại cây cọc rào gặp rất nhiều khó khăn như việc không có đủ hạt giống tốt và yêu cầu phải có các nguồn đầu vào như hệ thống tưới tiêu và phân bón. Với mức năng suất 1-1,5 tấn hạt/ha như hiện nay, việc canh tác thương mại cây cọc rào để sản xuất dầu diesel sinh học là không kinh tế như các loại cây trồng khác. Do vậy, các nhà khoa học Ấn Độ khuyến nghị trước hết nên trồng cây cọc rào để phục hồi đất bạc màu.
Trong khi đó, Phó Giáo sư Vijay Gour thuộc trường Đại học Nông nghiệp Jawaharlal Nehru tại thành phố Jabalpur cho rằng sự quảng cáo thổi phồng ban đầu về cây cọc rào đã khiến một số công ty đa quốc gia đầu tư vào việc trồng cây cọc rào trên diện tích lớn để lấy dầu mà không có kế hoạch thích hợp.
Theo ông Gour, để cây cọc rào có thể trở thành một nguồn nguyên liệu diesel sinh học hiệu quả thì cần có thêm những nghiên cứu cũng như cải tiến cây trồng thông qua các phương pháp như biến đổi gen.
Theo TTXVN