Thứ ba, 31/12/2024 | 01:12 GMT+7

Liên Hợp Quốc kêu gọi Mỹ giảm sản xuất ethanol

08/09/2012

Liên Hợp Quốc ngày 9/8 cho biết việc Mỹ đình chỉ tạm thời sản xuất ethanol sẽ giúp ngăn chặn khủng hoảng lương thực.

Liên Hợp Quốc ngày 9/8 cho biết việc Mỹ đình chỉ tạm thời sản xuất ethanol sẽ giúp ngăn chặn khủng hoảng lương thực.

Trong bối cảnh giá ngô tăng làm dấy lên các cuộc tranh luận gay gắt về lương thực và nhiên liệu, José Graziano da Silva, giám đốc Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc cho biết: "Phần lớn sản lượng ngô giảm do Mỹ sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học thay vì dùng trong thị trường thực phẩm và thức ăn".

41adc26e7_e3.jpg

Nhận định được đưa ra 1 ngày trước khi chính phủ Mỹ dự kiến sản lượng ngô xuống thấp nhất trong vòng 6 năm và dự trữ ngô cũng thấp gần mức kỷ lục.

Lượng ngô dùng để sản xuất ethanol của Mỹ đã tăng gấp 4 lần từ 1,323 tỷ giạ năm 2005 lên 5,021 tỷ giạ năm 2011, vượt quá 40% tổng sản lượng ngô toàn nước Mỹ năm 2011.

Trong cùng thời gian này, lượng ngô dùng để chăn nuôi ở Mỹ giảm 22% xuống còn 4,792 tỷ giạ (giạ là đơn vị thể tích bằng 36 lít).

Theo tiêu chuẩn nhiên liệu tái tạo trong 5 năm (RSF), các doanh nghiệp Mỹ phải đảm bảo tuân thủ 9% trong sản lượng xăng phải làm từ ethanol, nghĩa là 40% sản lượng ngô sẽ được sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học.

Trước đó, Jerry Gidel, nhà phân tích thị trường của Cơ quan quản lý các nguy cơ ở Bắc Mỹ (NARMS) dự báo, trong năm tài chính bắt đầu từ ngày 1/9/2012, lượng ngô dùng sản xuất ethanol có thể chiếm tới 41% tổng sản lượng ngô của Mỹ, trong khi lượng ngô dành cho chăn nuôi tiếp tục giảm xuống còn 4,6 tỷ giạ, mức thấp nhất kể từ năm 1990.

Bộ nông nghiệp Mỹ cho biết, lượng ngô sử dụng sản xuất ethanol quá lớn đã tác động đến ngành chăn nuôi của Mỹ. Sản lượng thịt gà của Mỹ đã giảm 7% từ 1,4 tỷ tấn/năm xuống còn 1,34 tỷ tấn/năm.

"Do đó, việc Mỹ ngay lập tức đình chỉ tạm thời hoạt động sản xuất ethanol sẽ giúp cân bằng thị trường và cho phép sử dụng nhiều lượng ngô cho thị trường thực phẩm và thức ăn hơn", ông Silva cho biết.

"Các nước trên thế giới và Liên Hợp Quốc đã chuẩn bị tốt hơn so với giai đoạn 2007-2008 để đối phó với giá lương thực tăng cao. Tuy nhiên, rủi ro và chính sách không thích hợp có thể sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng lương thực", ông Silva cho biết thêm.

Ông Silva cùng 25 thượng nghị sĩ trong tuần này cũng đã kêu gọi Cơ quan bảo vệ môi trường điều chỉnh hoạt động sản xuất ethanol, trong khi giám đốc điều hành công ty ngũ cốc Cargill cho rằng thị trường tự do nên cho phép sử dụng nhiên liệu sinh học.


K. Anh (Theo Reuters)