Thứ ba, 31/12/2024 | 01:11 GMT+7

Liên Hợp quốc cam kết tăng tiếp cận năng lượng sạch cho người nghèo

23/06/2012

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính, có khoảng 1,3 tỷ người thiếu điện để thắp sáng hoặc kinh doanh. Trong khi đó, có tới 40% dân số thế giới vẫn còn sử dụng củi, than hoặc chất thải động để nấu ăn

Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Ban Ki-moon thông báo, đã có hơn 100 cam kết và hành động đã được huy động để ủng hộ Sáng kiến Năng lượng bền vững toàn cầu của Liên hợp quốc, đảm bảo hơn 1,3 tỷ người tại các nước nghèo được tiếp cận năng lượng sạch và hiệu quả vào năm 2030.

Phát biểu tại buổi họp báo bên lề Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) tại Rio de Janeiro, Brazil, người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu nhấn mạnh, sự cần thiết phải đạt được mục tiêu năng lượng bền vững cho tất cả người dân vì đây là sợi chỉ vàng kết nối giữa phát triển, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường.

99de715d4_solarwindenergy.jpg

Theo ông Ban Ki-moon, sáng kiến này đã tập hợp hành động từ tất cả các giới trong xã hội. Họ phối hợp cùng nhau để tìm các giải pháp tốt nhất thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm thiểu rủi ro biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu tới năm 2030 chuyển đổi các hệ thống năng lượng của thế giới.

Kể từ khi sáng kiến được phát động năm 2011, đã có hơn 50 chính phủ các nước từ châu Phi, Á, Mỹ Latinh tham gia sáng kiến này và đang phát triển các chương trình, kế hoạch về năng lượng.

Các doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng đã cam kết chi hơn 50 tỷ USD để đạt được 3 mục tiêu của sáng kiến vào năm 2030 gồm: bảo đảm tiếp cận toàn cầu với các dịch vụ năng lượng hiện đại; tăng gấp đôi tỷ lệ tiết kiệm năng lượng toàn cầu và tăng gấp đôi việc chia sẻ năng lượng bền vững.

Brazil, nước chủ nhà của Rio+20, đã cam kết đầu tư thêm 4,3 tỷ USD để đạt mục tiêu tiếp cận nguồn năng lượng cấp quốc gia đến năm 2014.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính, có khoảng 1,3 tỷ người thiếu điện để thắp sáng hoặc kinh doanh. Trong khi đó, có tới 40% dân số thế giới vẫn còn sử dụng củi, than hoặc chất thải động để nấu ăn, gây ô nhiễm môi trường và bệnh tật.

K.Anh (Theo earthtechling.com)