Thứ sáu, 01/11/2024 | 19:26 GMT+7

Biến chất thải thành tiền

14/10/2011

Với đặc trưng phát triển kinh tế dựa trên nông nghiệp là chính, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển khí sinh học, góp phần giải quyết chất thải động vật, giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời sản sinh ra một nguồn năng lượng sạch, kinh tế và hoàn toàn không gây phát thải.

Với một hầm khí sinh học khoảng trên 20m3, ngoài việc tận dụng đủ gas cho đun nấu, điện thắp sáng cho trang trại, gia đình ông Phạm Văn Thời - ấp Dương Phú, thị trấn Tân Hòa, huyện Gò Công Đông - tỉnh Tiền Giang còn tận dụng phụ phẩm từ hầm khí sinh học để nuôi trùn quế, thu lợi hàng chục triệu đồng mỗi năm.
 
Không chỉ có tác dụng giải quyết chất thải động vật gây ô nhiễm môi trường, tạo ra năng lượng thay thế, nhiều mô hình khí sinh học khi ứng dụng vào thực tế còn có tác dụng tạo ra phụ phẩm phục vụ cho các ngành sản xuất khác. Đó là thực tế diễn ra tại nhiều gia đình ở huyện Gò Công Đông - tỉnh Tiền Giang.

32d422c71_chan_nuoi.jpg

Với đặc trưng phát triển kinh tế dựa trên nông nghiệp là chính, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển khí sinh học, góp phần giải quyết chất thải động vật, giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời sản sinh ra một nguồn năng lượng sạch, kinh tế và hoàn toàn không gây phát thải. Hiệu quả của loại hình năng lượng này đã được ghi nhận bằng hàng trăm nghìn mô hình được triển khai khắp cả nước. Bên cạnh đó, những mô hình này còn mang lại hiệu quả lớn hơn khi phụ phẩm được tận dụng để tái sử dụng cho trồng trọt và chăn nuôi. Theo đánh giá của các chuyên gia, phụ phẩm từ hầm khí sinh học còn tốt hơn nhiều so với phân tươi ủ truyền thống.

Với trang trại hơn 200 con lợn, 500 con gà, 200m2 nuôi trùn quế và 500m2 mặt nước ao nuôi cá bống tượng, trước đây, mỗi tháng gia đình ông Phạm Văn Thời sử dụng hết hàng nghìn kWh để thắp sáng, sưởi ấm… cho vật nuôi trong trang trại. Tuy nhiên, điều đáng ngại không chỉ ở lượng điện tiêu thụ khổng lồ khiến cho chi phí chăn nuôi của gia đình ông tăng lên mà còn ở lượng chất thải lớn không được sử dụng hết hoặc được thải trực tiếp ra môi trường, hoặc được ủ theo kiểu truyền thống gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Năm 2006, khi dự án khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam được triển khai ở Gò Công Đông, ông đã mạnh dạn tham gia. Nhận được số vốn tài trợ 1 triệu đồng cho xây dựng hầm cộng với sự tư vấn của các chuyên gia, ông đã quyết định xây một hầm khí sinh học với thể tích trên 20m3. Hầm khí sinh học này không những giúp giải quyết triệt để lượng chất thải động vật, giảm hẳn tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn giúp gia đình ông tiết kiệm được hoàn toàn chi phí mua gas, củi đốt và khoảng 30% tổng chi phí tiền điện hàng năm do lượng gas sản sinh từ hầm khí sinh học giúp thay thế được một phần lượng điện dùng để thắp sáng cho trang trại.

Không những vậy, với khoảng 200m2 nuôi trùn quế, trước đây, thức ăn cho trùn thường được ông sử dụng là chất thải như phân, rau thải... Sau khi xây dựng hầm khí sinh học, phân chuồng không còn, việc tìm kiếm thức ăn cho trùn gặp khá nhiều khó khăn. Tiếp tục nhận được sự tư vấn từ dự án, ông đã tận dụng nước thải thu được từ hầm lắng của bể khí sinh học để tưới vào những ô nuôi trùn quế, thay thế cho cách dùng phân truyền thống. Kết quả cho thấy sản lượng trùn thương phẩm cao hơn hẳn do nước thải thu được từ công trình khí sinh học có chứa một lượng đạm hữu cơ cao hơn từ 1,2-1,5 lần so với thức ăn từ phân gia súc ủ theo phương pháp nuôi trùn quế thông thường. Sản lượng trùn tăng lên đã giúp gia đình ông kiếm lời hàng chục triệu đồng mỗi năm so với phương pháp cũ.

Không chỉ được ứng dụng trong nuôi trùn, phụ phẩm từ hầm khí sinh học còn mang lại hiệu quả cao khi được dùng để bón cho cây. Cụ thể, với giá trị kinh tế gấp khoảng 4-5 lần so với trồng lúa trên cùng một diện tích, sơri là một trong những loại cây trọng điểm phát triển của Gò Công Đông. Trong quá trình đầu tư cây sơri thì chi phí về phân bón và công lao động chiếm tỷ lệ cao nhất trong sản xuất. Với đặc tính là loại cây có chu kỳ cho trái nhanh và tăng trưởng mạnh nên việc hấp thụ chất dinh dưỡng để cây tạo trái là rất cần thiết, phần lớn nhà vườn trồng cây sơri sử dụng phân hóa học làm nguồn cung cấp dinh dưỡng chính cho cây. Tuy nhiên quá trình canh tác sử dụng phân hóa học cho thấy: chi phí phân bón ngày một tăng cao, khả năng đảm bảo cân bằng các chất dinh dưỡng cần thiết gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, phụ phẩm khí sinh học tiếp tục đã trở thành “phao” cho các nhà vườn tại đây. Với một hầm khí sinh học có thể tích 7,65m3, ngoài việc tận dụng khí gas thay thế hoàn toàn cho nhu cầu chất đốt, tiết kiệm hàng triệu đồng mỗi năm, gia đìnhanh Võ Văn Minh, ấp Ruộng Cạn, xã Bình Nhì - huyện Gò Công Đông còn thử nghiệm sử dụng phụ phẩm khí sinh học cho 43 gốc cây sơri tại vườn nhà. Trước đây, anh Minh sử dụng phân NPK để bón cây. Sau khi xây hầm khí sinh học, phụ phẩm từ hầm được sử dụng đã thay thế hoàn toàn lượng NPK được sử dụng trước đây. Đặc biệt, năng suất của cây sơri tăng khoảng 30% so với khi chưa sử dụng, chất lượng quả tăng lên do quả sơri thu được có màu sắc tươi, to và bóng hơn. Phần lãi từ tiết kiệm phân bón, chênh lệch giá do chất lượng tăng lên, gia đình anh có thể thu được hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Như vậy, những hiệu quả rõ nét từ chương trình khí sinh học đã được khẳng định. Theo dự án khí sinh học cho ngành chăn nuôi, mô hình ứng dụng phụ phẩm từ khí sinh học này dự kiến sẽ tiếp tục được nhân rộng ra nhiều địa phương trong thời gian tới.

Dự án khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam được Cục Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) thực hiện với mục tiêu góp phần phát triển nông thôn thông qua việc sử dụng công nghệ khí sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi, cung cấp năng lượng sạch và rẻ tiền cho bà con nông dân, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tạo công ăn việc làm ở nông thôn và giảm thiểu sử dụng nguyên liệu hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính.

Theo Ven