Thứ bảy, 23/11/2024 | 08:42 GMT+7

Thành công từ mô hình khí sinh học

02/08/2011

Với việc sử dụng hầm khí sinh học (biogas), không chỉ lượng chất thải động vật được giải quyết triệt để, không gây ô nhiễm môi trường mà nhiều gia đình ở Cổ Loa - Đông Anh - Hà Nội còn tiết kiệm được một phần lớn chi phí nhiên liệu sử dụng để đun nấu, thắp sáng.

Với việc sử dụng hầm khí sinh học (biogas), không chỉ lượng chất thải động vật được giải quyết triệt để, không gây ô nhiễm môi trường mà nhiều gia đình ở Cổ Loa - Đông Anh - Hà Nội còn tiết kiệm được một phần lớn chi phí nhiên liệu sử dụng để đun nấu, thắp sáng.


c9cd9200e_tknltaicoloa.jpgCổ Loa là một xã ngoại thành của huyện Đông Anh - Hà Nội, nông nghiệp là ngành nghề chính của người dân nơi đây. Dọc con đường dài từ Hà Nội về Cổ Loa là bạt ngàn đồng lúa, là thấp thoáng chợ quê, là khung cảnh yên bình trải dài với con trâu đi trước, cái cày theo sau… Inh ỏi trong trưa hè là tiếng gà cục tác, tiếng lợn đòi ăn… Tuy nhiên, từ đường lớn đến đường nhỏ tuyệt nhiên không có mùi khó chịu của chất thải động vật.

Đem thắc mắc này ra hỏi ông Nguyễn Đăng Sơn - Phó Chủ tịch xã Cổ Loa, ông vui vẻ giải thích: “Nhiều năm nay, Cổ Loa sạch đường, sạch ngõ
một phần là nhờ hệ thống biogas tại các gia đình. Các hộ gia đình trừ khi không chăn nuôi, còn nếu có từ 5 con lợn trở lên là có thể xây dựng hầm biogas. Tính đến nay, toàn xã có 135 bể biogas đang sử dụng. Một phần trong đó là thành quả của Dự án “Chương trình Khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam” do Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức phát triển Hà Lan – SNV phối hợp thực hiện”.

Minh chứng cho những điều vừa nói, ông dẫn tôi đến nhà anh Chu Đình Tuấn - xóm Nhồi Trên. Giữa trưa nắng, đàn lợn 8 con trong chuồng được ăn no, tắm mát nằm dim dim mắt trong chuồng, tuy nhiên, dù đứng gần chuồng cũng không ngửi thấy mùi chất thải. Chỉ vào chiếc bếp gas sinh học nấu cơm, anh Tuấn hồ hởi khoe: Từ năm 2006, sau khi tham gia dự án khí sinh học, gia đình tôi đã xây một hầm biogas. Sau 5 năm sử dụng, hầm biogas này vừa giúp giải quyết hoàn toàn lượng chất thải từ 10 con lợn, vừa tận dụng hơi gas phục vụ cho đun nấu, giúp dứt hẳn tình trạng ô nhiễm môi trường. Từ khi có hầm, nhà tôi cũng không tốn tiền mua củi hay gas nữa. Chi phí xây hầm do đó có thể được hoàn lại chỉ sau 3 - 4 năm nhờ tiền tiết kiệm điện, củi, gas cho đun nấu.
Ông Chu Đình Thu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cổ Loa chia sẻ: Với tập quán canh tác của người dân, trước đây, chất thải từ động vật thường được ủ để bón ruộng. Nhà nào không làm ruộng thì chất thải, nước thải bị đổ trực tiếp ra đường, mương máng, gây mùi, ruồi muỗi, ô nhiễm trầm trọng. Từ khi dự án được triển khai, với mức hỗ trợ 1,1 triệu từ dự án, 4 triệu đồng vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách cho mỗi hầm biogas, tình trạng ô nhiễm này đã dứt hẳn. Hơn nữa, chất thải từ hầm khí được sử dụng để bón rau có tác dụng rất tốt, vừa không làm rau bị nhiễm khuẩn, vừa tiết kiệm được tiền phân bón cho người dân. Với mỗi sào rau được bón bằng phân từ hầm khí sinh học, giúp người dân tiết kiệm được khoảng 80.000 đồng.

Không chỉ được sử dụng để lấy gas cho mục đích đun nấu, nhiều hộ gia đình ở Cổ Loa còn sử dụng khí gas từ hầm để chiếu sáng. Ông Nguyễn Khả Ái – Xóm Chùa cho biết: “Nhà tôi làm nghề xay xát thóc nên nuôi khá nhiều lợn, khoảng 20 – 30 con. Ngay từ khi dự án mới vào Cổ Loa từ năm 1999, tôi là người tiên phong xây dựng hầm biogas. Lượng chất thải lớn, gas nhiều, đun nấu không xuể, tôi chuyển sang thắp sáng. Hiện nay, tất cả các bóng đèn sưởi ấm cho lợn con, chiếu sáng khu vực chuồng trại đều là bóng đèn chạy khí biogas. Không tính đến việc giảm thiểu triệt để ô nhiễm môi trường, hầm biogas còn giúp gia đình tôi tiết kiệm được hàng trăm nghìn tiền chiếu sáng mỗi tháng”.

Thành công lớn của việc triển khai dự án khí sinh học cho ngành chăn nuôi tại Cổ Loa đã tạo đà cho nhiều gia đình khác tự chủ động xây dựng hầm biogas ngay cả khi dự án đã kết thúc. Anh Hoàng Văn Thân – xóm Nhồi Trên chia sẻ: Gia đình tôi nuôi khoảng 40 con lợn. Tuy nhiên, thời điểm tôi muốn xây dựng hầm biogas thì dự án đã kết thúc. Tuy nhiên, thấy được những lợi ích của hầm, tôi đã chủ động xây hầm từ vốn của gia đình và thêm một phần vốn vay từ Ngân hàng chính sách huyện. Tính đến nay, sau 4 năm sử dụng, hầm biogas vẫn chạy tốt, đủ gas dùng cả năm và một phần cho thắp sáng.

Khi được hỏi về việc liệu với việc người dân Cổ Loa chủ yếu là làm nông, nhận thức về an toàn trong sử dụng biogas còn thấp, ông Thu chia sẻ: Không chỉ có những hỗ trợ về kinh tế, Dự án còn phối hợp với UBND xã tổ chức nhiều lớp học nâng cao nhận thức cho nông dân sử dụng hầm, bếp, đèn biogas an toàn. Ngoài ra, dự án còn cử thợ xây về xây hầm biogas cho người dân để đảm bảo hầm biogas đạt chuẩn.

Chia sẻ về giai đoạn “hậu” dự án, ông Nguyễn Đăng Sơn cho biết: Trước những thành công của dự án khí sinh học, sau khi dự án kết thúc, Cổ Loa sẽ tiếp tục hỗ trợ cho người dân có nhu cầu sử dụng loại hầm này bằng cách cử cán bộ tuyên truyền cho người dân về sử dụng biogas an toàn. Đồng thời, ngân hàng chính sách huyện sẽ hỗ trợ cho người dân 4 triệu đồng/hộ vốn vay với lãi suất ưu đãi, thời gian trả sau 4-5 năm để người dân an tâm xây và sử dụng hầm.

Theo VEN.vn