Ngày 24/6, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP), Bộ Khoa học và Công nghệ tổng kết dự án “Nâng cấp hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa" (PECSME). Dự án đã đạt những kết quả ấn tượng, vượt xa so với mục tiêu đề ra.
Thực hiện vượt mục tiêu đề ra
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết, mục tiêu của dự án là phấn đấu đạt tổng mức tiết kiệm năng lượng 136.000 tấn dầu quy đổi và giảm khí thải nhà kính tương đương 560.000 tấn CO2 trong giai đoạn 2006-2010.
Một doanh nghiệp gốm sứ tại Chu Đậu (Hải Dương) tham gia dự án ứng dụng lò nung tiết kiệm năng lượng
Tuy nhiên, tính đến tháng 6/2011, PECSME đã triển khai 543 dự án tiết kiệm và hiệu quả trong 5 ngành công nghiệp sản xuất gạch, gốm sứ, dệt may, giấy-bột giấy và chế biến thực phẩm. Tổng mức năng lượng tiết kiệm (NLTK) đạt được là 232.000 tấn dầu tương đương (TOE) và giảm được tổng lượng phát khí thải nhà kính 940.000 tấn CO2. Đây là những kết quả ấn tượng, vượt xa so với mục tiêu đề ra.
Dự án PECSME đã thực hiện kết nối và hỗ trợ trên 25 tỉnh, thành phố tham gia các hoạt động về sử dụng NLTK và hiệu quả, trong đó có 12 tỉnh thành phố đã ban hành chính sách, thể chế để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), 25 tổ chức dịch vụ tiết kiệm năng lượng tham gia hỗ trợ trên 500 DNNVV.
Còn theo ông Nguyễn Đình Hậu, Giám đốc Dự án PECSME, thành công lớn nhất của dự án PECSME là đã mang lại lợi ích thiết thực cho các DNNVV như tạo ra môi trường thuận lợi giúp các doanh nghịep đổi mới công nghệ và áp dụng kinh nghiệm quản lý tiên tiến sử dụng NLTK và hiệu quả; trong đó việc vận hành thành công quỹ bảo lãnh vốn vay quy mô 1,7 triệu USD đã góp phần đáng kể giúp các DNNVV vay được vốn từ các tổ chức tín dụng.
Hiệu quả kinh tế, tài chính mà các DNNVV trực tiếp nhận được đó là giảm chi phí sản xuất từ 10-50%, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm đến 30%, nâng cao khả năng cạnh tranh. Chỉ riêng ngành công nghiệp gạch và gốm sứ, dự án PECSME đã tạo ra gần 10.000 việc làm cho khu vực nông thôn, làng nghề và giúp giảm đáng kể việc ô nhiễm môi trường trong ngành này.
Dự án PECSME là mô hình tốt, đóng góp tích cực vào việc thực hiện định hướng của Chính phủ là phát triển kinh tế dựa trên cơ sở sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; sử dụng NLTK và hiệu quả, giảm thiểu biến đổi khí hậu và giám đói nghèo.
Ông Lê Tấn Cường, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương, cho biết, vẫn còn có những lực cản trong quá trình thực hiện các dự án về sử dụng NLTK như thủ tục vay vốn bảo lãnh yêu cầu phải thế chấp tài sản, không được tín chấp từ dự án.
Các doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng các quy định về tài chính, vì vậy ảnh hưởng rất lớn cho việc giải ngân và làm thủ tục hoàn vốn công trình.
Ngoài ra, một vấn đề đòi hỏi các doanh nghiệp khi tham gia các dự án sử dụng NLTK chính là phải có năng lực tài chính và quyết tâm trong việc chuyển đổi công nghệ, phải có nhiệt huyết tham gia, chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra.
Hoàn thiện thể chế để phát triển
Theo các chuyên gia, cần xây dựng và sớm hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, phải lồng ghép được nguyên tắc phát triển bền vững trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển quốc gia, ngành và địa phương... điều này cũng cần được đặt ra đối với việc xây dựng chính sách năng lượng quốc gia.
Tuy nhiên, cũng có nhiều đại biểu lại nhận định việc biến tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại các doanh nghiệp thành hiện thực còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như trình độ cán bộ và công nhân, tiềm lực tại chính của doanh nghiệp.
Còn ông Huỳnh Phước, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Đà Nẵng nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong việc tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo các chuyên gia, cần có chính sách ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp cũng như các nhà sản xuất thiết bị, chế tạo máy móc trong nước và các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn trong nước trong việc nghiên cứu, triển khai và chuyển giao các công nghệ sử dụng NLTK và hiệu quả cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần có chính sách thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập tạo ra từ công nghệ; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ.
Theo Chinhphu.vn