Thứ bảy, 23/11/2024 | 07:52 GMT+7

Những quốc gia có công nghệ sạch hàng đầu trái đất

26/12/2010

Sustainable World Capital (SWC) là một Tập đoàn tài chính xuyên quốc gia, với hoạt động chủ yếu là tập trung vào việc gây quỹ đầu tư cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển công nghệ sạch (cleantech). Tổ chức này mới đây đã đưa ra đánh giá và liệt kê danh sách “những quốc gia phát triển công nghệ sạch hàng đầu trên thế giới”.

Sustainable World Capital (SWC) là một Tập đoàn tài chính xuyên quốc gia, với hoạt động chủ yếu là tập trung vào việc gây quỹ đầu tư cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển công nghệ sạch (cleantech). Tổ chức này mới đây đã đưa ra đánh giá và liệt kê danh sách “những quốc gia phát triển công nghệ sạch hàng đầu trên thế giới”.

 

Shawn Lesser - Giám đốc chi nhánh của SWC tại Atlanta cho biết: “Xu hướng sử dụng công nghệ sạch đang dần hình thành và phát triển mạnh mẽ. Theo một số nhà phân tích doanh thu từ các “mặt hàng cleantech” ước tính sẽ đạt ngưỡng 2 tỷ USD vào năm 2030.


SolarTowerMojaveDesert.jpg


Đan Mạch: Đang hướng tới mục tiêu trở thành một quốc gia không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đồng thời được biết đến là nước xuất khẩu công nghệ năng lượng lớn nhất tại châu Âu và là nơi khai sinh công nghệ sản xuất điện từ gió. Hiện số tua bin gió mà một số công ty lớn như Vestas, Siemens, Gamesa tại Đan Mạch xuất khẩu  chiếm đến hơn 30% số tua bin gió trên toàn thế giới. Hướng phát triển năng lượng sạch tại Đan Mạch cũng nhận được sự hỗ trợ mạnh về mặt tài chính từ một số tổ chức như ATP Pension Fund, DONG Energy, và AP Pension. Có thể nói Đan Mạch là một ví dụ điển hình trong việc sử dụng “công nghệ sạch”, một số tổ chức như Copenhagen Capacity (Cơ quan xúc tiến đầu tư Copenhagen), Copenhagen Cleantech Cluster và Cleantech Scandinavia, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh, hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư, cũng như việc tìm kiếm đối tác trong nghiên cứu và phát triển (R&D).

 

Đức: Là một trong những nước đi tiên phong trong việc phát triển năng lượng sạch, và hiện được coi là “trung tâm điện mặt trời” thế giới bởi hơn 50% trong tổng số nguồn điện mặt trời trên toàn cầu được tạo ra và sử dụng tại Đức. Để có được điều này, trước hết phải kể đến chính sách ưu tiên sử dụng năng lượng sạch của Chính phủ Đức. Trong năm 2009, nguồn năng lượng sạch đã đạt tỷ trọng 15% trong tổng sản lượng điện tiêu dùng tại nước này. Đức cũng là một trong số những quốc gia ở châu Âu đầu tư khá mạnh tay trong lĩnh vực năng lượng sạch, với số vốn lên đến 383 triệu USD - tăng 217% so với năm 2008. “Chiến lược công nghệ cao” của Chính phủ Đức, với ước tính chi phí lên đến 15 tỷ euro trong giai đoạn từ năm 2006 - 2009, đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 260.000 công nhân trong ngành công nghiệp năng lượng. Mục tiêu của Đức là sẽ sản xuất 50% sản lượng điện từ gió và năng lượng mặt trời vào năm 2050.

 

Thụy Điển: Là một quốc gia có tầm nhìn bao quát về hướng phát triển năng lượng sạch, với 43,3% mức năng lượng tiêu thụ là năng lượng tái sinh. Thụy Điển có thể tự hào với bạn bè quốc tế về hai dự án “thành phố phát triển bền vững”, đó là Tomorrow tại Malmo và Hammarby Waterfront tại Stockholm, trong đó Malmo có thể coi là một ví dụ điển hình về “thành phố xanh”, bởi 39,9% mức tiêu thụ năng lượng là năng lượng tái sinh.


 wind power.jpg


Trong giai đoạn từ 1990 - 2008, GDP của Thụy Điển tăng 48%, trong khi đó lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính giảm 9%. Những chính sách ưu tiên của Chính phủ, cùng với hoạt động của một số tổ chức về môi trường quốc tế như Society of Nature Conservation, WWF, Greenpeace, là một trong những động lực chính thúc đẩy công nghệ sạch của Thụy Điển phát triển. Ngoài ra, sự hỗ trợ về mặt tài chính cho một số tổ chức như AP7 Pension Fund, Northzone Ventures, Sustainable Technologies Funds và SEB Venture Capital, có thể dễ dàng thấy rằng Thụy Điển là một quốc gia có tiềm năng phát triển mạnh mẽ công nghệ sạch.

 

Vương quốc Anh: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ phát thải CO2 gắn với công nghiệp xây dựng kiến trúc là trên 40% tại các nước châu Âu, do đó Chính phủ Anh  đang tìm ra biện pháp hạn chế tối đa sự phát thải khí CO2 trong quá trình thiết kế và xây dựng để loại bỏ những tác động xấu của chúng tới môi trường và con người, đồng thời cam kết giảm thiểu tới 60% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050. Những chính sách này đều nhận được sự hỗ trợ từ một số tổ chức như ThinkLondon,  UKTrade&Investments, GenerationInvestment Management (một quỹ đầu tư có trụ sở tại London do Cựu phó Tổng thống Mỹ Al Gore là Giám đốc điều hành); Virgin Green Fund (được nhà tỉ phú người Anh, Richard Branson thành lập); Zouk Ventures, Carbon Trust, Impax và Environmetn Technology Fund.


Bên cạnh đó, Anh  đặt ra mục tiêu sử dụng 15% năng lượng tái sinh vào năm 2020, và trước mắt là “Thế vận hội xanh” khi quốc gia này được quyền đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympics vào năm 2012.


Israel: Được coi là “Thung lũng Silicon” về công nghệ xử lý nước, và đang dần trở thành một quốc gia đứng đầu về những chính sách khuyến khích quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ sạch trên thế giới. Hiện 75% nguồn nước thải của Israel được xử lý và tái sử dụng; là quốc gia đầu tiên phát triển và ứng dụng công nghệ “tưới nhỏ giọt” trong nông nghiệp, đồng thời quốc gia lắp đặt “hệ thống khử muối nước biển bằng phương pháp thẩm thấu ngược”, đáp ứng nhu cầu về sử dụng nước lớn nhất thế giới. Israel không hẳn là thị trường tiêu thụ các “mặt hàng” công nghệ sạch lớn nhất, nhưng quốc gia này là trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ sạch có tầm quan trọng hàng đầu trên thế giới, với một số tập đoàn lớn như CellEra, Aqwise và Emefcy. Israel là quốc gia đầu tiên trên thế giới thử nghiệm hệ thống “xe điện” trên quy mô toàn quốc. Một số doanh nghiệp cung cấp vốn đầu tư mạo hiểm (venture capital) tại Israel như Israel Cleantech, Aqua Argo Fund và Terra Ventures.


Quốc Huy