Thứ bảy, 23/11/2024 | 04:01 GMT+7
Những ai đi trên quốc lộ 1 đoạn qua xóm Bình Thạnh, xã Chí Công, huyện Tuy Phong, Bình Thuận những ngày này sẽ nhìn thấy nhiều chong chóng khổng lồ mọc lên, vươn cao giữa hoang mạc. Đây là thời điểm thuận lợi để Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) lắp đặt thêm những tuôcbin mới cho dự án Phong điện 1 mà họ đang đầu tư.
Chạy đua với gió
Đã 2 giờ trưa khi chúng tôi ra công trường, nhóm công nhân kỹ thuật mới ăn xong hộp cơm vì họ vừa tranh thủ lắp cho xong một đốt cột trụ. “Có thể chiều tối nay gió sẽ mạnh lên nên chúng tôi làm thông buổi trưa luôn” - kỹ sư Lê Quang Hải, đội trưởng kiêm chỉ huy phó công trường, cho biết. Họ ngồi bệt trên đất, nơi chỗ nghỉ ăn trưa chỉ là mấy bụi cây lúp xúp mọc giữa vùng hoang mạc nắng chói đổ lửa. Có ba êkip cùng làm việc tại đây: nhóm lắp đặt tuôcbin và dựng các đốt trụ, nhóm điều khiển cần cẩu và xe tải thuộc dạng siêu trường siêu trọng, và các nhân viên thuộc REVN đảm trách vận hành dự án này.
Có dịp nhìn tận mắt tuôcbin và cánh quạt trên mặt đất
mới biết vì sao nó có thể tạo ra điện chỉ từ luồng không khí thổi: mỗi
cây cột cao 85m (tương đương một cao ốc 20 tầng), đường kính cánh quạt
77m, đường kính cột trụ chỗ lớn nhất là 4,2m. Cánh quạt ba chấu nhìn
mảnh mai nhưng được thiết kế phù hợp để có thể hứng lượng gió tối đa
tạo ra năng lượng cho tuôcbin quay. “Chúng được làm từ hợp kim bằng
công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, nhưng lại cần thêm những bí quyết từ
những công đoạn thủ công để đảm bảo đạt chất lượng cao nhất” - kỹ sư
điện Trần Vĩnh Thông nói.
Không chỉ kiểm tra chi tiết từng thiết bị, con ốc để
đảm bảo chính xác tối đa trước khi lắp đặt, những người thợ còn cẩn
thận “âu yếm” dùng giẻ lau cho sạch bụi trên cánh quạt trước khi cần
cẩu nâng chúng lên. Khi kỹ sư Huỳnh Minh Bảo trèo lên tổ máy, vì trời
quá nắng nóng nên anh phải trùm một cái áo lên đầu trông như dân Ả Rập
ở sa mạc. Mỗi cánh quạt khi lắp vào tổ máy cần tới hai cần cẩu bởi
chúng nặng tới hàng chục tấn. Đồng thời khi nâng chúng lên, các kỹ
thuật viên phải dùng dây chão nối với từng đầu cánh để giữ thăng bằng
sao cho phối hợp với cần cẩu thật chính xác. Lúc này đã có một nhóm kỹ
thuật viên leo lên đỉnh từ bên trong lòng cột để gắn cánh quạt vào
tuôcbin. Tất cả liên lạc với nhau qua máy bộ đàm.
Nhìn từ dưới lên, ánh nắng phản chiếu từng cánh quạt
chói chang làm hoa cả mắt. Chỉ sau hơn 30 phút, cánh quạt đã lắp thành
công vào tổ máy, kỹ sư Phan Ngọc Viễn Chinh xoa tay mãn nguyện: “Hôm
nay việc lắp đặt diễn ra rất suôn sẻ để tận dụng gió nhẹ, như vậy là
chỉ trong một ngày đã dựng xong một cây cột gió”.
Nếu hôm trước họ dừng lại ăn trưa lúc 2 giờ thì hôm
nay tất cả làm việc thông tầm luôn đến 3 giờ. Những hộp cơm mang lên
tới đỉnh cột gió định tranh thủ ăn đã phải nhường ưu tiên cho công việc
đang chạy đua với gió. Ông Trần Bá Huy, giám đốc ban quản lý dự án,
giải thích: “Việc lắp tuôcbin mới nhanh hay chậm là tùy thời tiết trong
ngày. Đang là mùa thấp điểm của gió, cánh quạt quay chậm nhưng lại là
mùa thuận lợi nhất để dựng những cột gió mới bởi việc lắp đặt phải cực
kỳ chính xác, nếu gió thổi mạnh sẽ rất nguy hiểm”.
Trồng hoa trên bầu trời
Kỹ sư Lê Quang Hải cho biết tại công trường này có ba
kỹ sư trong số bốn người đầu tiên của Việt Nam được đào tạo về điện gió
tại Đức. “Đây thật sự là niềm vui lớn, là hạnh phúc khi chúng tôi được
làm việc với một trong những công nghệ tạo năng lượng hiện đại và
“xanh” nhất hiện nay” - một kỹ sư khác hào hứng nói.
Những cây cột gió mới lắp đặt tuy nằm một dãy nhưng
lại quay theo nhiều hướng khác nhau: cái hướng ra biển, cái quay vào
đất liền. Ông Johanness Weyell, chuyên gia người Đức trên công trường,
giải thích: “Hướng mỗi cánh quạt sẽ dựa vào chiều gió để được điều
chỉnh thích hợp”. Tất cả đều được đo bằng hệ thống tự động và mỗi tín
hiệu về hoạt động của quạt đều gửi về tổng đài để có những xử lý kịp
thời. Bên trong cột trụ là cầu thang dẫn tới đỉnh. “Cầu thang dốc thẳng
đứng và mỗi lần leo lên chúng tôi phải dừng lại nghỉ tới 3-4 lần” - anh
Viễn Chinh cho biết.
Mỗi cây cột điện gió có một tuôcbin công suất 1,5 MW,
nếu dựng xong 80 cột như quy mô của dự án thì nhà máy sẽ có tổng công
suất 120 MW. Dự án này do Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn
VN tài trợ, các nhà cung cấp thiết bị đến từ Đức và Thụy Điển. Dự kiến
đến ngày 31-1-2011, dự án sẽ lắp đặt được 20 tuôcbin của giai đoạn một.
Hiện đã có 5 tuôcbin phát điện. Điện gió thu được chuyển vào một trạm
biến thế nằm ngay tại đây, với máy biến tần tự động và được hòa mạng
lưới điện quốc gia luôn. Tất cả đều được quản lý bằng một hệ thống tự
động và điều quan trọng là những người vận hành phải làm chủ được công
nghệ đó.
Từng làm việc ở nhiều dự án thủy điện, ông Huy còn nhớ
như in cảm giác khi trồng xong cây cột điện gió đầu tiên vào năm 2009:
“Đó là một cảm giác lạ lùng bởi từ lâu chúng tôi biết Việt Nam có khả
năng sản xuất điện gió thương mại nhưng nay mới thành hiện thực. Rồi
người ta nói với tôi rằng ở miền đất khô cằn này thật không trồng cây
gì hiệu quả bằng cây cột gió đâu”. Mỗi cây cột gió có một “ngôi nhà”
riêng của mình ở chân cột với hàng rào bao quanh. Nhiều công nhân đang
tiếp tục xây những bệ móng để lắp cột mới. Lúc chúng tôi đến vào cuối
tháng 11-2010, các kỹ sư và công nhân của dự án đang lắp tuôcbin thứ
11. Toàn bộ dự án nằm trên tổng diện tích đất hơn 150ha và khi 80 cột
gió được dựng lên xong sẽ tạo nên một rừng hoa chong chóng trên bầu
trời.
Buổi chiều trời xanh ngắt, mây trắng bay, từng đàn bò đi ăn về lững thững dưới những cây cột gió tạo nên khung cảnh đẹp như trong phim tưởng chỉ nhìn thấy ở các nước châu Âu (châu lục dẫn đầu thế giới hiện nay về sản xuất điện gió). Khung cảnh hoang mạc trở nên thơ mộng nhờ những cây chong chóng trải dài bên bờ biển bao la. Ông Đặng Văn Trường, một người dân đang chăn đàn bò nơi đây, trầm trồ: “Ai ngờ nó chỉ quay quay vậy thôi mà cũng tạo ra điện. Những cây cột gió này thiệt là hoành tráng”.
Thông tin thêm về dự án
Dự án này là bước đầu tiên đột phá khai thác nguồn năng lượng gió của Việt Nam. Theo khảo sát của các chuyên gia, trên cả nước có tổng năng lượng điện gió khoảng 100.000 MW, trong đó có thể khai thác dễ dàng được khoảng 10.000 MW (tổng công suất của hai nhà máy điện hạt nhân dự kiến xây ở Ninh Thuận là 4.000 MW), chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Trung và một số tỉnh phía Nam. Đây là nguồn năng lượng tuy giá thành cao do đầu tư công nghệ cao nhưng lại sạch và bền vững. Việt Nam cũng nằm ngay bên bờ đại dương nhưng lại là một trong số ít nước may mắn được hưởng nguồn năng lượng gió bất tận có thể khai thác để tạo ra điện. Theo Ngân hàng Thế giới, tại châu Á chỉ có Việt Nam, Philippines và Nội Mông (Trung Quốc) có nguồn gió thương mại để phát điện.
Theo Tuổi trẻ