Thứ tư, 01/01/2025 | 14:48 GMT+7
Theo kế hoạch, đầu tiên là xây dựng một số nhà máy tại Sahara, sử dụng ngay cát sa mạc để sản xuất silicon, dùng nó để tạo ra các tấm tế bào quang điện để hình thành nhà máy năng lượng mặt trời. Năng lượng từ những nhà máy này sẽ được dùng để tiếp tục sản xuất silicon, và những nhà máy quang năng khác được tiếp tục xây nên. Mục tiêu cuối cùng của SSBP là khắp Sahara có hệ thống nhà máy điện mặt trời đủ sức cung cấp 50% lượng điện năng cho toàn thế giới vào năm 2050 qua mạng lưới siêu truyền dẫn.
Thuận lợi trong việc biến sa mạc lớn nhất thế giới thành nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới là tại nơi này có cát để sản xuất silicon và ánh nắng mặt trời dồi dào. Tuy nhiên, có nhiều thách thức cần phải có giải pháp kỹ thuật để vượt qua. Ví dụ như chưa có công nghệ chế tạo silicon từ cát sa mạc. Rồi khi nhà máy hoàn thành thì việc kết nối để cung cấp điện từ sa mạc cho thế giới đòi hỏi cáp truyền dẫn phải được làm mát bằng nitơ lỏng được đặt ngầm dưới mặt đất, nhằm giảm tối đa ảnh hưởng của nhiệt độ cao tại sa mạc.
Ngay trong năm nay, dự án SSBP đã được khởi động với việc tập trung vào công nghệ cơ bản của dự án, cụ thể là sản xuất silicon chất lượng cao từ cát sa mạc, kế tiếp là siêu dẫn trên đường cáp dài trong điều kiện nhiệt độ cao. Dự kiến năm 2011 sẽ sản xuất được 100 kW điện mặt trời tại Sahara và đích nhắm cuối cùng là vào năm 2050, các nhà máy điện mặt trời hằng năm ít nhất cũng sản sinh ra được 100 GW.
Hideomi Koinuma, người lãnh đạo dự án nói rằng họ phải phát triển công nghệ để có thể sản xuất 1 tấn silicon hằng năm, bên cạnh đó phải chú ý các yếu tố phát sinh như bão cát trong sa mạc… Vì vậy ông gọi đây là dự án “siêu Apollo” để so sánh với dự án đưa người lên mặt trăng. SSBP là sự hợp tác của nhiều trường và cơ quan khoa học, chi phí cho việc nghiên cứu là 100 triệu yen/năm và liên tục trong vòng 5 năm.
Thúy Hằng