Thứ bảy, 23/11/2024 | 09:36 GMT+7

Hướng đến kỷ nguyên của năng lượng tái tạo

08/11/2010

Nguồn năng lượng tái tạo chiếm đến ¼ công suất tiêu thụ năng lượng trên toàn thế giới và cung ứng 18% nguồn điện năng cho cả hành tinh trong năm 2009. Tại một số quốc gia, năng lượng tái tạo chiếm một phần quan trọng trong tổng số năng lượng cung cấp, bao gồm cả nhiệt năng và giao thông. Số hộ dân trên thế giới sử dụng máy nước nóng năng lượng mặt trời cũng ngày một tăng, ước tính khoảng 70 triệu hộ. Nguồn vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo trong năm 2008 và 2009 chiếm hơn một nửa tổng số tiền đầu tư cho việc tạo ra các nguồn năng lượng mới trên toàn cầu.

Sự phát triển không ngừng của thị trường năng lượng tái tạo đã làm bừng lên hy vọng vào sự ra đời của một kỉ nguyên mới – kỉ nguyên năng lượng tái tạo. Hãy cùng nhìn lại những thành tựu mà ngành năng lượng mới mẻ này đã đạt được - dựa trên bản báo cáo của Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) để thấy rằng, kì vọng trên là hoàn toàn có cơ sở.



Tăng trưởng ấn tượng



Năng lượng tái tạo ngày càng khẳng định được vị thế và tầm quan trọng so với các nguồn năng lượng truyền thống như than đá, khí đốt, dầu mỏ và hạt nhân. Đặc biệt, trong năm 2010, ngành năng lượng này đã có đà tăng trưởng ấn tượng.



Nguồn năng lượng tái tạo chiếm đến ¼ công suất tiêu thụ năng lượng trên toàn thế giới và cung ứng 18% nguồn điện năng cho cả hành tinh trong năm 2009. Tại một số quốc gia, năng lượng tái tạo chiếm một phần quan trọng trong tổng số năng lượng cung cấp, bao gồm cả nhiệt năng và giao thông. Số hộ dân trên thế giới sử dụng máy nước nóng năng lượng mặt trời cũng ngày một tăng, ước tính khoảng 70 triệu hộ. Nguồn vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo trong năm 2008 và 2009 chiếm hơn một nửa tổng số tiền đầu tư cho việc tạo ra các nguồn năng lượng mới trên toàn cầu.



winpowerCrop.jpg



Sự phát triển đồng đều ở hầu hết tất cả các ngành công nghệ tái tạo được đánh dấu bằng sự tăng trưởng trong suốt 5 năm (2005 - 2009), trong đó, công suất năng lượng gió tăng trung bình 27% mỗi năm, máy nước nóng năng lượng mặt trời tăng 19% và sản xuất ethanol tăng 20%. Năng lượng sinh khối và năng lượng địa nhiệt (tạo ra nguồn điện và nhiệt) cũng tăng trưởng mạnh.



Nhiều xu hướng gần đây cũng phản ánh tầm quan trọng ngày càng lớn của các nước đang phát triển trong việc thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo. Các nước này hiện chiếm tới hơn một nửa công suất năng lượng tái tạo toàn cầu. Trong đó, Trung Quốc dẫn đầu một vài chỉ số tăng trưởng thị trường, Ấn độ đứng thứ 15 trên thế giới về tổng công suất năng lượng gió hiện có và quốc gia này đang tiếp tục mở rộng nhiều dạng năng lượng tái tạo tại các vùng nông thôn như khí sinh học (biogas) và hệ thống pin mặt trời. Brazin thì sản xuất gần như toàn bộ lượng ethanol từ mía trên thế giới và quá trình này đã tạo thêm được nhiều sinh khối. Các thị trường năng lượng tái tạo khác cũng đang phát triển mạnh tại Argentina, Costa Rica, Egypt, Indonesia, Kenya, Tanzanya, Thailand, Tunisia, Uruguay và nhiều quốc gia trên thế giới. 

Địa bàn phân bố các nguồn năng lượng tái tạo cũng có sự thay đổi theo hướng mở rộng qui mô trên toàn cầu. Chẳng hạn, năng lượng gió ban đầu chỉ có ở một vài quốc gia trong những năm 1990, nhưng nay đã xuất hiện trên hơn 82 quốc gia.



Quá trình sản xuất tập trung cũng đang chuyển dần từ châu Âu sang châu Á khi các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên tiếp tục tăng cường cam kết phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Được biết, trong năm 2009, Trung Quốc sản xuất 40% số pin năng lượng mặt trời, 30% số lượng tua bin gió và 77% thiết bị làm nóng nước bằng năng lượng mặt trời trên toàn thế giới.



Nhiều quốc gia ở Mĩ La tinh như Argentina, Brazil, Colombia, Ecuador và Peru cũng đang nghiên cứu sản xuất các loại nhiên liệu sinh học và mở rộng nhiều công nghệ tái tạo khác. Ít nhất 20 quốc gia ở Trung Đông, Bắc Phi và các nước khu vực châu Phi Nam Sahara đang có thị trường năng lượng tái tạo hoạt động.



Ngoài châu Âu và Hoa Kì, các nước phát triển khác như Australia, Canada và Nhật Bản cũng nhận thấy những lợi ích thiết thực từ nguồn năng lượng mới mẻ này và sự cần thiết phải mở rộng cũng như phát triển các công nghệ năng lượng tái tạo. 



Một trong những động lực cho sự phát triển và tăng trưởng nhanh chóng của ngành năng lượng tái tạo là tiềm năng tạo ra những ngành công nghiệp mới và hàng triệu việc làm mới. Tại một số nước, số lượng việc làm trong ngành năng lượng tái tạo lên tới con số hàng trăm nghìn. Xét trên phạm vi toàn cầu, có khoảng 3 triệu công việc trực tiếp liên quan tới ngành năng lượng tái tạo, trong đó một nửa thuộc ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học và nhiều công việc gián tiếp khác còn vượt qua cả con số này.



Việc nhận được nguồn đầu tư ngày càng nhiều từ cả khu vực công và các ngân hàng cũng đang mở ra những cơ hội lớn cho ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là các ngân hàng ở châu Âu, châu Á và Nam Mỹ. Một số ngân hàng đã tăng cường hỗ trợ phát triển các dòng vốn, và dòng vốn này trong năm 2009 đã tăng vọt lên hơn 5 tỉ đô, so với 2 tỉ đô trong năm 2008. Các nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực này có thể kể tới là Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Quốc doanh Đức (KFW), Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ngoài ra, còn có hàng chục cơ quan phát triển khác cung cấp các khoản vay, trợ cấp, và hỗ trợ về mặt kĩ thuật cho ngành năng lượng tái tạo.



Chính sách năng động



Điều đáng chú ý là ngày càng có nhiều các chính sách tích cực tập trung vào ngành năng lượng tái tạo và cột mốc đánh dấu bước chuyển quan trọng diễn ra vào đầu năm 2010 khi có hơn 100 quốc gia ban hành các mục tiêu chính sách và/hoặc các chính sách thúc đẩy liên quan đến ngành năng lượng mới mẻ này, tăng hơn 50 quốc gia so với đầu năm 2005.



Trên thực tế, các chính sách thúc đẩy năng lượng tái tạo đã có ở một số quốc gia từ những năm 1980 -1990 nhưng thực sự nổi lên trong vòng 15 năm trở lại đây, đặc biệt là trong giai đoạn 2005 -2010. Năm 2009, trên 85 quốc gia đã đưa ra mục tiêu chính sách năng lượng tái tạo, tăng 40 quốc gia so với năm 2005. Một trong những chính sách được áp dụng phổ biến là chính sách ưu đãi về giá đối với năng lượng tái tạo. Ngoài ra, cũng có nhiều chính sách khác thúc đẩy sự tăng trưởng nguồn năng lượng này như chính sách ưu đãi thuế, trợ cấp vốn, hỗ trợ kỹ thuật…


Xu hướng phát triển



Mỗi một quốc gia đều định hướng và lựa chọn cho mình xu hướng phát triển năng lượng tái tạo riêng, dựa trên những điều kiện về chính sách, kinh tế, môi trường và xã hội. Dưới đây là những xu hướng chính tại nhiều quốc gia trên thế giới.



Năng lượng gió: Xu hướng này bao gồm việc mở rộng qui mô phát triển năng lượng gió ngoài khơi, mạng lưới tua-bin và các dự án mới về năng lương gió tại nhiều vùng địa lý đa dạng khắp thế giới. Nhiều doanh nghiệp hiện đang tiếp tục gia tăng kích thước tua-bin trung bình và cải thiện công nghệ, chẳng hạn như với các thiết kế không sử dụng bánh răng.



Năng lượng sinh khối: Các nhà máy điện sinh khối đã có mặt tại hơn 50 quốc gia trên thế giới, cung cấp ngày càng nhiều nguồn điện năng cho con người. Một vài nước ở châu Âu cũng đang mở rộng nguồn năng lượng này trong tổng nguồn cung năng lượng, bao gồm Australia (7%), Phần Lan (20%) và Đức (5%). Khí sinh học dùng để sản xuất điện năng cũng đang là một trong những xu hướng phát triển ở nhiều nước.



Điện mặt trời: Ngành công nghiệp điện mặt trời đã ứng phó với sự tụt giá và điều kiện thay đổi của thị trường bằng cách củng cố, mở rộng qui mô và chuyển hướng sang việc phát triển các dự án. Trong những năm gần đây, các tấm pin màng mỏng đã tăng nhanh về thị phần, đạt khoảng 25%. Số lượng các nhà máy pin mặt trời ,còn gọi là các nhà máy “vạn năng” có công suất 200kW và lớn hơn, hiện chiếm tới ¼ tổng công suất điện mặt trời.



Năng lượng địa nhiệt: Các nhà máy nhiệt điện sử dụng năng lượng địa nhiệt đã xuất hiện tại 19 quốc gia, và nhiều nhà máy mới vẫn tiếp tục được đưa vào hoạt động hàng năm, chẳng hạn như một số nhà máy đã được vận hành tại Inđônêxia, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ và Mĩ trong năm 2009.



Công nghệ tập trung nhiệt năng mặt trời (CSP): CSP đang nổi lên như một nguồn năng lượng mới quan trọng trong suốt giai đoạn từ 2006 đến 2010 sau quá trình phát triển trì trệ từ hai thập kỉ trước. Đầu năm 2010, 0.7 GW của CSP đã đi vào hoạt động, tất cả đều được thực hiện tại Tây Nam Hoa Kì và Tây Ban Nha, cùng với các hoạt động xây dựng và qui hoạch đang diễn ra tại nhiều quốc gia khác.



Máy nước nóng năng lượng mặt trời: Trung Quốc tiếp tục chiếm lĩnh thị trường máy nước nóng năng lượng mặt trời, với 70% tổng thị phần toàn cầu, còn châu Âu đứng thứ hai với khoảng cách khá xa - 12%. Tuy nhiên, trong khi hầu hết các thiết bị của Trung Quốc chỉ chú ý tới đặc tính “làm nóng nước” thì các nhà chế tạo châu Âu còn kết hợp được cả khả năng sưởi ấm không gian, hiện hệ thống này đang chiếm một nửa thị trường hàng năm.



Năng lượng sinh khối và năng lượng địa nhiệt: Thị trường nhiệt sinh khối cũng được mở rộng nhanh chóng, đặc biệt là tại châu Âu. Xu hướng này bao gồm việc tăng cường sử dụng năng lượng sinh khối dạng rắn, sử dụng sinh khối trong qui mô xây dựng hoặc qui mô một cộng đồng và dùng trong hệ thống cấp nhiệt tập trung ở cấp quận/huyện. Việc các nhà máy sử dụng trực tiếp năng lượng địa nhiệt và công nghệ bơm nhiệt đất cũng ngày một tăng.



Nhiên liệu sinh học: Ethanol từ ngũ cốc, từ mía và diesel sinh học đang là thị trường nhiên liệu sinh học chính hiện nay, mặc dù các nguồn nhiên liệu như khí sinh học dùng cho vận tải và các dạng khác của nhiên liệu ethanol cũng rất đáng chú ý. Lượng ngũ cốc hiện chiếm hơn một nửa nguồn nguyên liệu để sản xuất ethanol trên toàn cầu, trong khi mía đường chiếm hơn 1/3. Hiện hai nước Hoa Kì và Brazin đang nắm giữ gần 90% sản lượng ethanol toàn cầu. 



Ngoài những thành tựu và xu hướng nêu trên, Báo cáo cũng chỉ rõ mối lưu tâm của rất nhiều quốc gia đến vấn đề năng lượng tái tạo tại các vùng nông thôn. Theo thống kê, hiện vẫn còn gần 1,5 tỉ người trên thế giới chưa được tiếp cận với nguồn điện, gần 2,6 tỉ người vẫn phụ thuộc vào các nguyên liệu như gỗ, rơm rạ, than củi… để đun nấu hàng ngày. Số hộ ở nông thôn đang sử dụng năng lượng tái tạo chỉ chiếm vài chục triệu hộ. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu để sản xuất năng lượng tái tạo ở khu vực này lại khá dồi dào. Cơ hội phát hiện, khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, vì thế càng có điều kiện phát triển.



Hải Yến (theo REN21)