Thứ sáu, 27/12/2024 | 16:33 GMT+7

Kinh nghiệm triển khai Nhãn Hiệu suất năng lượng cao nhất từ Nhật Bản

12/10/2021

Chương trình sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất - Top runner Program tại Nhật Bản được triển khai lần đầu tiên năm 1999. Ban đầu là bộ tiêu chuẩn về hiệu quả năng lượng dành cho việc quản lý các sản phẩm tiêu thụ nhiều năng lượng, chẳng hạn như thiết bị gia dụng và xe có động cơ.

Đến năm 2014, chương trình đã mở rộng tới 23 danh mục sản phẩm. Trên nhãn của các sản phẩm, liệt kê rõ việc cải thiện mức tiêu thụ năng lượng của sản phẩm. Các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng nhận cao nhận được nhãn Top Runner. Trong khi những sản phẩm không đáp ứng được tiêu chuẩn cáo nhất chỉ dán các  nhãn năng lượng phổ thông. Điều này khuyến khích các công ty, các hãng chế tạo, sản xuất ra các sản phẩm ngày càng tiết kiệm năng lượng để cạnh tranh vào giải thưởng Top Runner của Nhật Bản. 
Để tuân thủ theo các yêu cầu dán nhãn theo Luật bảo toàn năng lượng quốc gia, Chương trình dán nhãn tiết kiệm năng lượng tự nguyện của Nhật Bản đã được triển khai từ ngày 21/08/2000. Chương trình dán nhãn này được liên kết với chương trình tiêu chuẩn Chương trình Sản phẩm tiết kiệm năng lượng hàng đầu của Nhật Bản, trong đó quy định rõ hiệu suất cao nhất hiện có trên thị trường cùng với quy định cải thiện hiệu quả tiềm năng bằng công nghệ giữa thời điểm xác định giá trị và năm mục tiêu. Cách dán nhãn này chủ yếu được áp dụng cho các thiết bị chính như máy lạnh, tủ lạnh, máy nước nóng dùng gas và thiết bị máy tính. Các nhà sản xuất sẽ được xem xét mức độ tuân thủ nếu đạt hiệu suất trung bình của tất cả các loại sản phẩm bán ra, chứ không phải hiệu suất của từng sản phẩm.  
Đối với từng dòng sản phẩm, nhãn dán cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về năm mục tiêu áp dụng chương trình Sản phẩm tiết kiệm năng lượng hàng đầu, tỷ lệ hoàn thành của mô hình cụ thể tương ứng với mục tiêu của Chương trình Sản phẩm tiết kiệm năng lượng hàng đầu, và mức tiêu thụ năng lượng hàng năm.
Nhãn "E" màu xanh tiết kiệm năng lượng năm 2006   
Mô hình này cũng có đặc điểm là ký hiệu chữ “e” màu xanh lá cây dùng cho các loại sản phẩm đạt trên 100% mục tiêu và ký hiệu chữ “e” màu da cam dùng cho các loại sản phẩm không đạt mục tiêu. Bắt đầu từ tháng 4/2006, Luật sửa đổi liên quan đến việc sử dụng năng lượng phù hợp yêu cầu các nhà bán lẻ bắt buộc phải dán nhãn, hoặc cung cấp thông tin đầy đủ trên các trang thương mại điện tử, cho các sản phẩm cung cấp ra thị trường. Quy định các hướng dẫn chung về dán nhãn năng lượng và tạo ra Nhãn dán tiết kiệm năng lượng thống nhất của Nhật Bản, trong đó bao gồm thông tin về nhãn dán năng lượng tự nguyện nhưng cũng cung cấp một hệ thống đánh giá 5 sao cho hiệu quả năng lượng và hóa đơn tiền điện dự kiến. 
Các thông số trên Nhãn năng lượng của Nhật Bản  
Vào cuối năm 2015, Chương trình dán nhãn tiết kiệm năng lượng thống nhất được áp dụng cho 6 nhóm sản phẩm còn nhãn dán tiết kiệm năng lượng tự nguyện được áp dụng cho 21 nhóm sản phẩm. Các máy móc, thiết bị được chọn và các mặt hàng trong chương trình Top Runner cần đáp ứng 3 điều kiện sau: Sản phẩm được sử dụng với số lượng lớn ở Nhật Bản; Sản phẩm tiêu thụ một lượng năng lượng đáng kể trong khi sử dụng, và Sản phẩm được đánh giá có nỗ lực cụ thể để cải thiện hiệu suất tiêu thụ năng lượng.

Nhật Bản đặt ra các tiêu chuẩn khác nhau dựa trên một loạt các thông số ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng năng lượng trong các nhóm sản phẩm. Các thông số này bao gồm chức năng như máy photocopy đánh giá qua số lượng bản sao được thực hiện mỗi phút. Với tủ lạnh là kích thước, thể tích sử dụng bên trong và phương pháp làm lạnh. Còn  tivi là kích cỡ màn hình. Với phương tiện giao thông chở khách đánh giá bằng mức tiêu hao nhiên liệu... 
Việc tuân thủ tiêu chuẩn được đánh giá bằng doanh số bán sản phẩm trung bình của công ty. Để tuân thủ các tiêu chuẩn, các nhà sản xuất phải đảm bảo rằng hiệu suất bình quân của các sản phẩm mà họ bán trong một năm mục tiêu đạt được các tiêu chuẩn. Do đó, không phải tất cả các sản phẩm của nhà sản xuất đều đạt được mục tiêu, nhưng mức trung bình cần phải đạt ngưỡng này. Tính linh hoạt này cho phép các nhà sản xuất cung cấp nhiều loại mô hình để đáp ứng nhu cầu thị trường đồng thời hướng thị trường tổng thể đến hiệu quả năng lượng cao hơn.
Chương trình nhằm mục đích giảm các tác động đến môi trường - tức là giảm lượng khí thải CO2 thông qua giảm tiêu thụ năng lượng - và nâng cao nền kinh tế quốc gia thông qua các tiến bộ công nghệ trong công nghiệp.
Chương trình chuyển đổi thị trường hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng - Chương trình dán nhãn năng lượng tại Việt Nam 
Chương trình Nhãn năng lượng của Việt Nam được Bộ Công Thương triển khai theo lộ trình tự nguyện từ năm 2008. Đến năm 2013 thì chuyển dần sang hình thức bắt buộc, theo đó doanh nghiệp tự công bố mức hiệu suất năng lượng của thiết bị và tự chịu trách nhiệm. Bộ Công thương chỉ hậu kiểm. 
Mục tiêu Chương trình dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu sẽ tiết kiệm tiêu dùng tích lũy khoảng 10 nghìn tỷ đồng tương đương 480 triệu USD. Hướng đến giảm lượng 34 triệu tấn khí thải carbon dioxide vào năm 2030. Lượng điện tiết kiệm từ Chương trình dán nhãn hàng năm sẽ vào khoảng 6.000 GWh/năm, giảm được nhu cầu tương đương với khoảng hai nhà máy điện đốt than 500 MW, tương đương 1 tỷ USD đầu tư nhà máy điện.
Hiệu quả tiết kiêm năng lượng của chương trình Top Runner mang lạị cho các danh mục sản phẩm tham gia là ngoài mong đợi. Độ cải thiện hiệu suất năng lượng của các loại xe chở khách là 48.8 % (trong giai đoạn 1995 – 2010), vượt mức dự kiến ban đầu là 22.8%. Của nồi cơm điện là 16,7% (từ năm 2003 – 2008), vượt mức dự kiến là 11,1% và của tủ lạnh là 43,0% (trong giai đoạn 2005 – 2010), vượt mức dự kiến là 21,0%. Đặc biệt, độ cải thiện hiệu suất năng lượng của máy tính lên tới 99,1% (từ năm 1997 – 2005), vượt mức dự kiến ban đầu là 83,0 %. (Số liệu theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, 2015).

Đại diện các đơn vị đạt chứng nhận Osaka Top Runner Project
Điển hình có thể kể đến Tập đoàn Daifuku, cung cấp các máy công cụ lớn để gia công các chi tiết máy công nghiệp như trục piston cho tàu thủy và các bộ phận bề mặt trượt cho máy công cụ. Đây cũng là một trong doanh nghiệp hàng đầu nằm trong “Top Runner” của Nhật. Bên cạnh đó, hệ thống máy biến áp của Tập đoàn Hitachi cũng đáp ứng tiêu chuẩn Top Runner và hiện công nghệ này đã và đang được áp dụng không chỉ tại Nhật mà còn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, sản phẩm máy phát điện của công ty Okumura Electric cũng đang được sử dụng tại các nhà máy công nghiệp.

Máy biến áp của Tập đoàn Hitachi
Với thiết bị gia dụng trong gia đình chẳng hạn như điều hòa, Daikin, Panasonic, Fujitsu, Toshiba, là những cái tên được biết nhiều tới. Với tủ lạnh, không thể không nhắc tới những thương hiệu như Hitachi, Panasonic, LG, Mitsubishi, Sharp. Đặc biệt, tập đoàn sản xuất đồ gia dụng Tiger được biết đến với nhiều danh mục sản phẩm ứng dụng trong nhiều không gian sống khác nhau như nhà bếp, phòng khách, ngoài trời, trường học và văn phòng đáp ứng các tiêu chí của chương trình Top Runner như nồi cơm điện, ấm điện, ấm siêu tốc, phích nước...


Thiết bị điều hòa của Daikin
Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, tại Việt Nam, chương trình dán nhãn năng lượng được thực hiện thông qua việc xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia về hiệu suất năng lượng cho các sản phẩm tiêu thụ năng lượng lớn trên thị trường. Hệ thống tiêu chuẩn hiệu suất này là căn cứ để các doanh nghiệp thực hiện công bố hiệu suất năng lượng trên các phương tiện thiết bị, sản phẩm khi lưu hành trên thị trường. Hệ thống tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng được định kỳ rà soát sửa đổi hằng năm theo quy định.

Chương trình dán nhãn năng lượng được bắt đầu triển khai từ năm 2008 theo hình thức tự nguyện đối với sản phẩm đèn compact chiếu sáng và bình đun nước nóng, sau đó bắt buộc thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2013 với một số phương tiện, thiết bị.

Nhằm tăng tốc độ chuyển đổi hiệu suất năng lượng trên thị trường thông qua việc rút ngắn thời gian sửa đổi tiêu chuẩn hiệu suất theo năm, thay vì theo quy định định kỳ 5 năm sửa đổi tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng như trước, Thực hiện Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030, Bộ Công Thương tổ chức triển khai Chương trình Giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2020.

Giải thưởng “Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2020” dù mới được triển khai nhưng đã cho thấy hiệu ứng tích cực mà nó mang lại tới thị trường. Mục tiêu của Giải thưởng nhằm tôn vinh các doanh nghiệp đứng đầu có sản phẩm sử dụng năng lượng hiệu suất cao cung cấp cho thị trường Việt Nam, khuyến khích xu hướng tiêu dùng xanh, hướng tới sử dụng các sản phẩm ít tiêu hao năng lượng. Theo đó, 54 sản phẩm gồm điều hòa không khí, máy giặt, đèn chiếu sáng, máy biến áp đến từ 05 doanh nghiệp uy tín là Công ty CP Daikin Air Conditioning Vietnam, Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, CP TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị và Công ty TNHH ABB Power Grids Việt Nam đã được chứng nhận sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất.

Thông qua việc chứng nhận các sản phẩm đạt tiêu chí hiệu suất năng lượng cao nhất hằng năm, tiêu chuẩn hiệu suất thực tế trên thị trường sẽ được xác lập liên tục theo thời gian. Đây được coi là động lực đề các cơ quan có liên quan chủ động cập nhất và ban hành các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng phù hợp và thúc đẩy thị trường sản phẩm sử dụng năng lượng hiệu suất cao tại Việt Nam.
Giải thưởng hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2021
Năm 2021 để đạt chứng nhận sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất, trước hết sản phẩm phải đáp ứng quy chế, thể lệ của giải thưởng, có mức hiệu suất vượt trội, trên 5 sao. Thang điểm mà Hội đồng kỹ thuật giải thưởng đưa ra có 4 tiêu chí chính: Chiến lược/kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Tiếp nhận thông tin khách hàng, thị trường; Môi trường làm việc của người lao động, trách nhiệm xã hội; và Đặc tính kỹ thuật của sản phẩm.

Sau khi thời gian nhận hồ sơ kết thúc, hội đồng kỹ thuật giải thưởng là các chuyên gia đầu ngành đại diện các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, hiệp hội ngành nghề trong lĩnh vực năng lượng sẽ tiến hành đánh giá và lựa chọn các sản phẩm, doanh nghiệp đạt tiêu chí xét tặng giải thưởng. 

Thời gian nhận hồ sơ tham gia giải thưởng bắt đầu từ 25/8/2021 đến hết ngày 31/10/2021. Sau khi thời gian nhận hồ sơ kết thúc, hội đồng kỹ thuật sẽ tiến hành đánh giá và lựa chọn các sản phẩm, doanh nghiệp đạt tiêu chí xét tặng giải thưởng. Dự kiến sẽ công bố và trao giải vào cuối năm 2021.

Ban Tổ chức kỳ vọng, Giải thưởng Hiệu suất năng lượng cao nhất được tổ chức thường niên sẽ tạo động lực thúc đẩy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi công nghệ sản xuất, đưa ra thị trường các sản phẩm hiệu suất năng lượng ngày càng cao. Thông qua đó, mức tiêu chuẩn hiệu suất thực tế trên thị trường sẽ được xác lập liên tục theo thời gian thay vì sửa đổi tiêu chuẩn hiệu suất theo định kỳ 5 năm/lần do nhà nước thực hiện trước đây.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID, các doanh nghiệp tham dự Giải thưởng có thể nộp hồ sơ theo cả 2 hình thức là bản giấy và bản điện tử.  Các doanh nghiệp tham dự giải thưởng sẽ nộp hồ sơ theo mẫu hướng dẫn của đăng tải chi tiết trên trang TTĐT https://tietkiemnangluong.com.vn/
Hà Trần