Thứ năm, 23/01/2025 | 02:54 GMT+7
Thời gian qua, tiết kiệm năng lượng (TKNL) đã và đang thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của xã hội. Đây cũng là nội dung quan trọng trong chính sách năng lượng quốc gia. Nhờ những nỗ lực trong việc thực hiện các giải pháp TKNL, chúng ta đã thu được nhiều kết quả tích cực, trong đó có việc dán nhãn năng lượng (DNNL).
Hiện nay, hầu hết các thiết bị gia dụng trên thị trường đều được DNNL. Đa số người tiêu dùng đi mua sắm thì đều dễ dàng nhận diện nhãn năng lượng (NL), tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu biết hết được ý nghĩa của nhãn NL.
Mục đích, ý nghĩa của DNNL
Năm 2008, Chương trình DNNL được Bộ Công Thương bắt đầu triển khai trên tinh thần tự nguyện, nhằm giúp tuyên truyền phổ biến kiến thức đến doanh nghiệp (DN) và người dân về các sản phẩm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ). Khuyến khích sử dụng các sản phẩm sử dụng NL hiệu suất cao và hạn chế, tiến tới không sử dụng các sản phẩm tiêu tốn NL, đồng thời, giúp người tiêu dùng nhận diện rõ hơn, lựa chọn sử dụng các sản phẩm TKNL.
Từ 01/7/2013 đến nay, theo lộ trình, việc DNNL đã chuyển từ tự nguyện sang bắt buộc, nhiều mặt hàng từ điện tử, điện lạnh đến xe cơ giới đã phải dán nhãn tiêu thụ NL. Đây là nhãn chứa thông tin về loại năng lượng sử dụng, hiệu suất NL và các thông tin cơ bản để người tiêu dùng có sự so sánh đối chiếu với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Với các sản phẩm như bóng đèn, điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, quạt điện áp dụng DNNL, người tiêu dùng chỉ cần quan tâm đến nhãn so sánh và nhãn xác nhận của sản phẩm là đủ. Trong đó, nhãn xác nhận là chứng nhận sản phẩm có hiệu suất NL cao nhất so với các sản phẩm cùng loại. Còn trên nhãn so sánh, căn cứ theo các mức tiết kiệm từ 1 sao đến 5 sao, “nhiều sao hơn - tiết kiệm hơn”, với thông điệp này người tiêu dùng có thể dễ dàng chọn mua sản phẩm TKNL mà không phải tìm hiểu quá nhiều. Bởi các sản phẩm đã được đánh giá theo các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học & Công nghệ xây dựng.
Hiệu quả từ Chương trình DNNL
Theo thống kê từ Bộ Công Thương, sau 7 năm thực hiện Chương trình DNNL, đến nay đã có trên 20.000 chủng loại sản phẩm trong 3 nhóm là thiết bị gia dụng; thiết bị công nghiệp và thiết bị văn phòng được DNNL.
Trước đây, người tiêu dùng khi chọn mua sản phẩm thường chỉ quan tâm đến giá cả, thương hiệu, mẫu mã, nhưng nay, họ đã quan tâm hơn đến các thông số về kỹ thuật, đặc biệt là mức tiêu thụ NL để lựa chọn sản phẩm, bởi điều này giúp tiết kiệm đáng kể lượng điện tiêu thụ trong mỗi gia đình. Nhờ vậy, lượng sản phẩm bán ra của các thiết bị gia dụng có DNNL như quạt điện, máy thu hình, máy điều hòa không khí, tủ lạnh gia dụng… chiếm hơn 90% tổng số sản phẩm bán ra trên thị trường. Chỉ riêng sản phẩm điều hòa, ước tính lượng điện năng tiết kiệm được hằng năm do người tiêu dùng chuyển hướng sang chọn mua và sử dụng các loại sản phẩm điều hòa không khí có hiệu suất cao vào khoảng hơn 100 triệu kWh/năm.
Về phía các DN tham gia chương trình, mặc dù việc dán nhãn cho sản phẩm khiến DN gặp một số khó khăn như: Chi phí thử nghiệm ở thời điểm mới bắt đầu khá lớn; thời gian thực hiện kéo dài do phải tiến hành nhiều bước hiệu chỉnh; khó khăn trong việc tìm đối tác thử nghiệm có đầy đủ trang thiết bị đáp ứng yêu cầu do Bộ Công Thương quy định; chi phí sản xuất tăng… Tuy nhiên, theo các DN, ý nghĩa và hiệu quả mà chương trình đem lại đối với DN và xã hội là rất lớn.
Bà Lý Thị Phương Trang – Tổng Giám đốc Công ty Daikin Việt Nam cho biết, từ tháng 5/2016, Daikin đã triển khai dán nhãn cho 124 dòng sản phẩm máy điều hòa gia dụng của mình, trong đó, 79% đạt 5 sao, 5% đạt 4 sao. Trong những năm qua, Daikin vẫn không ngừng nâng cao tỷ lệ này bằng cách nghiên cứu, cải tiến các sản phẩm mới theo hướng TKNL hơn, đủ tiêu chuẩn để dán các nhãn NL ở mức cao nhất. Đây cũng là chiến lược của Công ty để cạnh tranh với các đối thủ.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, sau 7 năm thực hiện, Chương trình đã được tổ chức thực hiện tương đối bài bản và thành công, đem lại những giá trị cụ thể, giúp chúng ta đạt được mục tiêu về tỷ lệ TKNL. Mục tiêu Chương trình DNNL và áp dụng mức hiệu suất NL tối thiểu là sẽ tiết kiệm tiêu dùng tích lũy khoảng 10 nghìn tỷ đồng, tương đương sẽ giảm 34 triệu tấn khí thải carbon dioxide vào năm 2030. Lượng tiết kiệm điện quốc gia hàng năm sẽ vào khoảng 6.000 GWh/năm, giảm được nhu cầu tương đương với khoảng hai nhà máy điện đốt than 1.000 MW.
Có thể khẳng định, cùng với việc thực hiện Luật TKNL, Chương trình DNNL cũng đã tạo được những thói quen tiêu dùng, mua sắm các sản phẩm hiệu suất cao và TKNL. Xu hướng này không chỉ giúp tiết kiệm đáng kể lượng điện sử dụng mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức của người dân. Dự báo, lượng điện tiết kiệm từ các sản phẩm dán nhãn sẽ đạt khoảng 10% vào năm 2020 và con số này có thể lên tới 30% vào năm 2030. Điều này khẳng định, Chương trình DNNL và thúc đẩy sử dụng hiệu suất NL cho thiết bị điện đã và đang được Bộ Công Thương triển khai có hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia./.
Theo Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng