Thứ sáu, 01/11/2024 | 15:35 GMT+7

Hiểu rõ về điều hòa công nghệ inverter giúp tiết kiệm điện

14/10/2024
0:00
0:00

Nghiên cứu cho thấy tại Việt Nam, điều hòa chiếm trung bình 40% tổng điện năng tiêu thụ trong một hộ gia đình. Vào mùa nắng nóng, do sử dụng điều hòa liên tục, lượng điện năng tiêu thụ sẽ tăng trung bình khoảng 50%.

Ngày nay, công nghệ inverter đã trở thành thuật ngữ quảng cáo phổ biến cho các sản phẩm tiết kiệm điện. Nhắc đến công nghệ inverter là sẽ nghĩ ngay đến khả năng tiết kiệm điện. Tuy nhiên, không phải bất kỳ điều hòa công nghệ inverter đều tiết kiệm điện như nhau. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu và có thêm kinh nghiệm khi sử dụng điều hòa tiết kiệm điện.

Nguyên lý hoạt động của điều hòa inverter

Giải thích về nguyên lý làm việc của 2 loại điều hòa inverter (biến tần) và non-inverter (không biến tần), PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng - Phó hiệu trưởng Trường Cơ khí, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: Đối với điều hòa không biến tần, khi nhiệt độ trong phòng hạ xuống thấp hơn nhiệt độ chúng ta cài đặt từ điều khiển cầm tay, cảm biến nhiệt độ sẽ ngắt điện cấp cho điều hòa, trừ quạt dàn lạnh. Khi nhiệt độ trong phòng tăng lên, cảm biến nhiệt độ lại đóng điện cấp cho điều hòa để tiếp tục làm lạnh. Như vậy, điều hòa không biến tần sẽ đóng tắt theo chu kỳ phụ thuộc vào điều kiện sử dụng và khí hậu. Mỗi lần bật tắt như vậy làm gia tăng tiêu thụ điện.
Điều hòa biến tần lại được hoạt động theo nguyên tắc khác. Khi nhiệt độ trong phòng đạt được nhiệt độ cài đặt, cảm biến nhiệt độ sẽ truyền tín hiệu về bộ điều khiển tần số của nguồn điện cấp cho động cơ máy nén (block), làm thay đổi tần số, từ đó làm động cơ máy nén quay chậm lại giảm công suất lạnh và tương ứng điện năng tiêu thụ của điều hòa. Khi nhiệt độ tăng lên, quá trình diễn ra ngược lại. Với phương pháp này, điều hòa không phải tắt bật theo chu kỳ nên giảm chi phí điện năng khi điều hòa hoạt động ở chế độ không đầy tải.
Cơ chế hoạt động của hai loại điều hòa: điều hòa thường và điều hòa inverter (Ảnh: morenews)

Theo PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng, nếu sử dụng điều hòa công nghệ inverter (điều hòa biến tần) thay thế cho điều hòa không sử dụng công nghệ inverter (điều hòa không biến tần) cho cùng một căn phòng với cùng một điều kiện, điều hòa biến tần sẽ tiết kiệm điện hơn khi được hoạt động trong chế độ làm lạnh non tải. Đặc biệt, trong khoảng 30-70% của công suất lạnh định mức, điều hòa biến tần tiết kiệm năng lượng hơn hẳn điều hòa thường.

“Theo nghiên cứu thực tế trong phòng thí nghiệm của chúng tôi, so sánh giữa điều hòa biến tần và không biến tần cùng mức sao năng lượng, điều hòa biến tần sẽ tiết kiệm điện năng khoảng 15-28% tùy vào điều kiện sử dụng”, PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng thông tin thêm.

Các yếu tố ảnh hưởng khả năng tiết kiệm điện của điều hòa inverter

Hiểu được nguyên lý hoạt động sẽ giúp người dùng sử dụng hiệu quả công nghệ inverter. Theo thông tin bên trên, có thể thấy, để inverter tiết kiệm điện hiệu quả, việc quan trọng là giữ được trạng thái ổn định. Như vậy, các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của máy gồm:

Chọn công suất điều hòa phù hợp với diện tích phòng

Đây là yếu tố cần đảm bảo khi mua bất cứ máy điều hòa nào. Nhưng nếu bạn lấy mục tiêu tiết kiệm điện làm ưu tiên thì khi chọn điều hòa inverter cần phải tuân thủ nguyên tắc này.
Trước hết, không ai muốn mua máy quá lớn vì giá mua sẽ cao mà công suất sử dụng lại dư thừa. Ngược lại, nếu máy thiếu công suất, nó sẽ luôn phải vận hành quá tải ở công suất tối đa. Lúc này, điều hòa inverter phải chạy liên tục 100% công suất, lúc đó sẽ không tiết kiệm điện, thậm chí còn tốn điện hơn điều hòa không biến tần do loại biến tần ngoài làm lạnh còn tiêu thụ thêm điện cho bộ biến tần.
Cách tốt nhất là mua đúng công suất máy. Bạn có thể tham khảo bảng gợi ý công suất theo diện tích sau đây. 
Diện tích phòng  Công suất phù hợp
Dưới 15 m2 9.000 BTU (~1 HP)
15 - 25 m2   12.000 BTU (~1.5 HP)
25 - 35 m 18.000 BTU (~2 HP)
35 - 40 m2 24.000 U (~2.5 HP)

Sử dụng điều hòa đúng cách 

Công nghệ inverter tự động điều tiết lượng điện tiêu thụ để duy trì nhiệt độ cài đặt. Do đó, điều bạn nên làm là chọn nhiệt độ từ 26 độ C. Đây là mức nhiệt thích hợp vừa giúp gia đình bạn giảm thiểu chi phí tiêu thụ điện, vừa giúp cơ thể dễ dàng thích nghi, tránh được tình trạng “sốc nhiệt”. Nếu đặt nhiệt độ thấp hơn 26 độ C, máy sẽ phải hoạt động liên tục để duy trì mức nhiệt độ đã cài đặt, tuổi thọ của thiết bị giảm và tiêu tốn điện năng gấp mấy lần thông thường. Do đó, đừng cài nhiệt độ quá thấp vì tăng 1 độ C sẽ tiết kiệm được 1 - 3% điện năng.
Cài đặt nhiệt độ phù hợp
Khi đã chọn nhiệt độ, bạn cũng cần giúp ổn định nhiệt độ phòng bằng cách hạn chế đóng mở cửa phòng, bịt kín các khe hở, che chắn cửa sổ kính để giảm thiểu thất thoát nhiệt.
Bên cạnh đó, bạn không nên tắt mở điều hòa thường xuyên. Việc này cản trở máy đi vào trạng thái tần số thấp để giảm tiêu thụ điện. Theo khảo sát, lượng điện mà công nghệ inverter tiết kiệm được chỉ thực sự đáng kể khi người dùng để máy vận hành liên tục từ 6 - 8 giờ mỗi lần.
Để tăng cường thêm hiệu quả tiết kiệm điện, bạn có thể tận dụng các chức năng thiết kế sẵn như Sleep Mode, hẹn giờ.

Hiệu suất năng lượng của máy

Thông thường, để đánh giá mức độ tiêu thụ điện của điều hòa, người dùng căn cứ theo số sao năng lượng (từ 1 sao đến 5 sao) quy định trên nhãn năng lượng do Bộ Công Thương cấp được dán trên bề mặt sản phẩm. Điều hòa có nhãn năng lượng càng nhiều sao thì càng tiết kiệm điện.
Tuy nhiên, phần lớn điều hòa sử dụng công nghệ inverter thường đạt nhãn năng lượng 5 sao, nhưng mức tiết kiệm năng lượng của từng dòng máy lại khác nhau, khi đó người dùng có thể xem thêm chỉ số hiệu suất năng lượng đi kèm trong nhãn năng lượng.
TS. Nguyễn Xuân Tiên, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội khoa học kỹ thuật Lạnh và Điều hòa Không khí Việt Nam cho biết: "Nếu cùng số sao năng lượng, người dùng có thể dựa vào hiệu suất năng lượng để lựa chọn điều hòa nào tiết kiệm điện hơn. Chỉ số hiệu suất năng lượng càng cao thì điều hòa càng tiết kiệm điện. Chỉ số này được tính toán thực tế bằng tỷ số giữa công suất làm lạnh và công suất điện cần thiết để vận hành điều hòa ở chế độ định mức". 
Nếu cùng số sao, người dùng có thể dựa vào hiệu suất năng lượng để lựa chọn điều hòa nào tiết kiệm điện hơn. 
Sản xuất và sử dụng các sản phẩm hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng đang là xu hướng tất yếu. Hiện nay, trên thị trường xuất hiện một số sản phẩm điều hòa được dán nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất đến từ các thương hiệu lớn như điều hòa Daikin. Nhãn Hiệu suất năng lượng cao nhất được dán trên điều hòa giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm tiết kiệm năng lượng vượt trội (trên mức 5 sao theo TCVN). Đặc biệt, nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất được ban hành kèm theo mã QR, người mua hàng dễ dàng tra cứu bằng thiết bị thông minh. Các thông tin hiển thị khi tra cứu ứng dụng QRcode thể hiện chi tiết công suất, hiệu suất năng lượng, đơn vị thử nghiệm. Với những sản phẩm điều hòa không khí được dán nhãn này, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm về khả năng tiết kiệm điện.
Giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất do Bộ Công Thương tổ chức lần đầu tiên vào năm 2020.  
Năm 2024, để đạt chứng nhận Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất, trước hết sản phẩm phải đáp ứng quy chế, thể lệ của giải thưởng, có mức hiệu suất vượt trội, trên 5 sao. Thang điểm mà Hội đồng kỹ thuật giải thưởng đưa ra có 4 tiêu chí chính: Thứ nhất, Chiến lược/kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Thứ hai, Tiếp nhận thông tin khách hàng, thị trường; Thứ ba, Môi trường làm việc của người lao động, trách nhiệm xã hội; Thứ tư, Đặc tính kỹ thuật của sản phẩm.
Thời gian nhận hồ sơ tham gia giải thưởng đến hết ngày 30/11/2024Sau khi thời gian nhận hồ sơ kết thúc, Hội đồng kỹ thuật giải thưởng là các chuyên gia đại diện các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, hiệp hội ngành nghề liên quan có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng sẽ tiến hành đánh giá và lựa chọn các sản phẩm, doanh nghiệp đạt tiêu chí xét tặng giải thưởng. Dự kiến công bố và trao giải vào tháng 12 năm 2024. 
Mai Anh