Thứ bảy, 21/12/2024 | 19:53 GMT+7

Châu Âu: Thiết bị điện được mua online dán sai nhãn năng lượng

04/03/2016

Một nhóm các tổ chức xã hội dân sự, cho biết 20% thiết bị điện được bán trực tuyến trên mạng không có nhãn năng lượng.

Theo một cuộc khảo sát được triển khai tại 7 nước châu Âu, kéo dài trong suốt 3 năm thì hầu hết các thiết bị điện được mua sắm trực tuyến trên mạng đều dán sai nhãn năng lượng hoặc không dán nhãn năng lượng. 

Châu Âu có nguy cơ mất khoảng 10% lượng điện năng mà họ hi vọng sẽ tiết kiệm được vào năm 2020 vì những sản phẩm thiếu tin cậy này

Theo quy định của pháp luật, nhãn năng lượng của một số sản phẩm như máy rửa bát, lò vi sóng và tủ lạnh phải được hiển thị rõ ràng, nổi bật trên trang web y như ở ngoài cửa hàng. 

Tuy nhiên, một nghiên cứu của MarketWatch, một nhóm các tổ chức xã hội dân sự, cho biết 20% thiết bị điện được bán trực tuyến trên mạng không có nhãn năng lượng, 1% số thiết bị dán nhãn năng lượng sai và 35% số thiết bị có nhãn năng lượng đã quá cũ, không thể đọc được. 

Đó là những thiết bị mà khách hàng chỉ có thể tìm thấy bằng cách kéo chuột xuống dưới cùng của trang web bán hàng trực tuyến. 

MarketWatch cho biết, châu Âu có nguy cơ mất khoảng 10% lượng điện năng mà họ hi vọng sẽ tiết kiệm được vào năm 2020, tương đương với lượng điện năng mà vùng đông và trung Âu đang tiêu thụ, vì những sản phẩm thiếu tin cậy này. 

Ông Alun Jones, một trong những người tham gia vào nghiên cứu trên cho biết: "Những sản phẩm được dán nhãn năng lượng có thể giúp các hộ gia đình tiết kiệm được 465 bảng Anh chi phí điện năng mỗi năm. Nhưng với số lượng người dân mua sắm và tìm kiếm thông tin về thiết bị điện trên mạng ngày càng tăng và việc phần lớn các thiết bị này không đươc dán nhãn năng lượng hoặc bị dán nhãn năng lượng sai, các hộ gia đình sẽ không tiết kiệm được nhiều điện năng như họ mong muốn".

Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy hiện nay 3/4 người dân Anh mua sắm hàng hóa trên mạng và hơn 1/3 trong số họ lên mạng để tìm kiếm thông tin về thiết bị điện. 

Tuy nhiên, theo một cuộc điều tra của MarketWatch vào năm ngoái, chỉ 1/4 trong số đồ điện gia dụng được bán trực tuyến tại Anh được dán nhãn chính xác. Trong khi đó, số lượng thiết bị không có nhãn năng lượng chiếm đến một nửa. 

Trong khi tất cả các thiết bị lưu trữ rượu vang ở Anh, được bày bán ở cửa hàng và trực tuyến trên mạng đều được dán nhãn chính xác thì chỉ 18% máy rửa bát, 20% máy giặt - máy sấy và 32% TV được dán nhãn chính xác. 

Quạt hút gió là thiết bị dán nhãn sai nhiều nhất. Số sản phẩm bị dán sai nhãn năng lượng chiếm đến 74%. 

Năm ngoái, 49% đồ dùng gia dụng tại các cửa hàng lớn tại Anh bị dán sai nhãn năng lượng, nhưng đến nay, tình trạng này đang dần dần được cải thiện. 

Bà Angeliki Malizou, một chuyên gia năng lượng của tổ chức Người tiêu dùng châu Âu BEUC cho biết: "Kết quả mà nghiên cứu này đưa ra không có gì bất ngờ. Người tiêu dùng thường xuyên dấy lên vấn đề các thiết bị điện bày bàn trực tuyến trên mạng bị dán nhãn năng lượng sai". 

"Mua sắm trực tuyến đang dần trở thành thói quen hàng ngày của người tiêu dùng. Đó là lý do vì sao mà những thông tin về lượng điện năng tiêu thụ và hiệu suất năng lượng của các thiết bị điện luôn có sẵn trên mạng để người tiêu dùng tham khảo trước khi mua sắm. Từ đó, các nước châu Âu phải nỗ lực để đảm bảo rằng các thương nhân tuân thủ luật chơi trong thế giới trực tuyến".

Ông Dario Tamburrano, một thành viên của Nghị viện châu Âu cho biết ông rất ngạc nhiên khi gần đây vấn đề này mới được quan tâm trong khi việc mua sắm hàng hóa trên mạng đã tăng trưởng khoảng 18% một năm.

"Các cơ quan giám sát thị trường có thể tiến hành kiểm tra các trang web bán hàng trực tuyến một cách dễ dàng hơn so với việc kiểm tra trực tiếp các cửa hàng, nhưng họ không làm như vậy", ông nói. "Chúng ta cần phải tăng cường giám sát các trang web bán hàng trực tuyến này và nâng cao vai trò và trách nhiệm của người dân trong việc cung cấp những thông tin chính xác hơn về thiết bị điện".

MarketWatch sẽ chia sẻ kết quả của cuộc nghiên cứu được triển khai trên hơn 150.000 thiết bị bán lẻ tại 151 cửa hàng và 118 nhà cung cấp trực tuyến với các cơ quan giám sát thị trường.

Ngọc Diệp (Theo Edie.net)