Thứ bảy, 21/12/2024 | 23:17 GMT+7

Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng hiệu suất cao và bền vững

17/09/2024

Việc loại bỏ các thiết bị phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng kém hiệu quả và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc sử dụng hiệu quả năng lượng cũng như về kinh tế - xã hội và môi trường.

Ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg (gọi tắt Quyết định số 14) ban hành Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2023.
Việc ban hành Quyết định số 14 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chính sách năng lượng của Chính phủ, nhằm đảm bảo sự chuyển đổi từ các thiết bị và phương tiện sử dụng năng lượng không hiệu quả sang những giải pháp tiên tiến và bền vững hơn. Điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu lượng năng lượng tiêu thụ không cần thiết và bảo vệ môi trường, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp năng lượng hiệu suất cao và bền vững.
Ông Đặng Hải Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương đã có những chia sẻ để giúp người dân, doanh nghiệp nắm được những thông tin liên quan tới các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp phải loại bỏ.
Ông Đặng Hải Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương
Quyết định số 14 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/7/2023, Bộ Công Thương đã có chủ trương, kế hoạch thực hiện quyết định này như thế nào, thưa ông?
Ông Đặng Hải Dũng
Để triển khai Nghị quyết số 55-NQ-TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị liên quan đến các vấn đề về đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như đảm bảo nguồn điện, nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg ngày 24/5/2023. Mục tiêu của Quyết định số 14 là loại bỏ các chủng loại phương tiện, thiết bị tiêu thụ năng lượng hiệu suất thấp ra khỏi thị trường.
Để triển khai Quyết định số 14 cũng như các chủ trương chung liên quan đến việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và tiết kiệm năng lượng thì Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan, đặc biệt là Bộ khoa học và Công nghệ, Viện tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam và các Phòng thử nghiệm để chuẩn bị hạ tầng liên quan để triển khai các chương trình này. Đồng thời, thông tin truyền thông đến các cơ quan, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm, phương tiện, thiết bị tiêu thụ năng lượng thuộc đối tượng chịu tác động của Quyết định số 14 để các đơn vị, doanh nghiệp nắm rõ được những quy định mới ảnh hưởng đến công việc sản xuất kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp.
Theo phản ánh, những thông tin liên quan tới những mặt hàng trong danh mục của Quyết định số 14 gắn với cụm từ "cấm bán", bị loại bỏ đang khiến không ít hộ gia đình, người dân băn khoăn liệu có được tiếp tục sử dụng và sửa chữa hay không? Xin ông hãy chia sẻ cụ thể về điều này để người dân có thể hiểu rõ.
Ông Đặng Hải Dũng
Chương trình chuyển đổi hiệu suất năng lượng cũng như quản lý hiệu suất năng lượng của các phương tiện, thiết bị hiệu suất năng lượng được xây dựng có lộ trình. Trong thiết kế của chương trình chuyển đổi hiệu suất năng lượng bao gồm các hoạt động liên quan đến việc loại bỏ, cấm sản xuất và nhập khẩu các phương tiện, thiết bị lạc hậu theo quy định. Theo đó, đến ngày 1/4/2025 thì tất cả những thiết bị tiêu thụ điện dưới mức hiệu suất năng lượng tối thiểu sẽ không được nhập khẩu và buôn bán. Cụ thể, việc cấm sản xuất kinh doanh các phương tiện, thiết bị hiệu suất thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu (tức là những nguồn cung các sản phẩm ra thị trường) còn đối với người dân đang sử dụng, vận hành các phương tiện, thiết bị nằm trong danh mục bị loại bỏ thì vẫn sẽ được sử dụng cho đến hết vòng đời sản phẩm. Do đó, những người dân đang sử dụng các phương tiện, thiết bị thì hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi Quyết định số 14.
Tại Việt Nam, Chương trình kiểm soát hiệu suất năng lượng được triển khai từ năm 2013 thông qua Quyết định số 78/2013/QĐ-TTg ngày 25/12/2013 (Quyết định số 78), đến năm 2018, thay thế bằng Quyết định số 24/2018/QĐ-TTg ngày 18/5/2018 (Quyết định số 24). Và để phù hợp với tình hình hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 14, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2023. Có thể thấy quyết định được cập nhật liên tục nên trên thị trường có rất nhiều phương tiện, thiết bị lạc hậu nhưng chỉ những phương tiện, thiết bị dưới mức hiệu suất năng lượng do nhà nước quy định mới phải loại bỏ còn những phương tiện, thiết bị tiêu thụ năng lượng trên mức quy định của nhà nước thì vẫn được sản xuất lưu thông bình thường. Do đó, người dân cần tránh nhầm lẫn giữa việc cấm toàn bộ bởi trên thị trường có rất nhiều các phương tiện thuộc loại công nghệ thấp, lạc hậu thì theo chính sách của nhà nước sẽ loại bỏ dần ra khỏi thị trường và thông thường đều có lộ trình từ trước khi xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam liên quan đến hiệu suất năng lượng.
Ngày 24/5/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 14/2023/QĐ-TTg ban hành Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2023 (Quyết định số 14). Quyết định này đã bổ sung thêm 03 sản phẩm mới gồm: Bếp từ, bếp hồng ngoại, máy tính để bàn. Đồng thời, nâng cấp tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng đối với 07 sản phẩm tiêu thụ năng lượng đã được kiểm soát từ năm 2020 (Quyết định 24) bao gồm: tủ lạnh và tủ đông, tủ mát, máy điều hòa không khí, máy thu hình, nồi hơi công nghiệp, bình đun nước nóng có dự trữ, máy tính xách tay.
Quyết định số 14 cũng yêu cầu: Không phê duyệt chủ trương đầu tư các nhà máy nhiệt điện phát điện bằng than, khí có hiệu suất năng lượng thấp hơn hiệu suất quy định tương ứng với dải công suất của tổ máy phát điện; Không cho phép vận hành tổ máy phát điện bằng than, khí có hiệu suất tại thời điểm bắt đầu đưa vào vận hành thương mại thấp hơn hiệu suất quy định tương ứng với từng dải công suất của tổ máy.
Nhãn dán năng lượng của Bộ Công Thương ở các thiết bị điện cho biết điều gì? Nếu một sản phẩm đạt tối đa về điểm sao nhãn dán nhưng lại nằm trong danh sách phải ngừng bán có còn được coi là sản phẩm tiết kiệm điện và được bán không?
Ông Đặng Hải Dũng
Chương trình dán nhãn năng lượng quy định bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phương tiện, thiết bị phải công khai minh bạch về hiệu suất năng lượng của các sản phẩm sử dụng năng lượng trong các khâu sản xuất, kinh doanh trên thị trường. Đồng thời, các phương tiện, thiết bị lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp dưới mức tối thiểu sẽ bị cấm sản xuất và kinh doanh trên thị trường. 
Nhãn năng lượng là biện pháp quy định việc in cung cấp thông tin mức tiêu thụ năng lượng của thiết bị và nhãn được dán lên phương tiện, thiết bị giúp người mua biết được các thông tin, chỉ số và khả năng tiết kiệm điện của các thiết bị, từ đó có thể lựa chọn được sản phẩm chất lượng, hiệu suất năng lượng cao, tốn ít điện năng.
Nhãn năng lượng bắt buộc: gồm Nhãn năng lượng nhận biết (hình tam giác) và nhãn năng lượng so sánh (Từ 1 sao đến 5 sao)
Chương trình dán nhãn năng lượng giúp Chính phủ quản lý hiệu suất năng lượng của các phương tiện, thiết bị đang bán và lưu thông trên thị trường. Tất cả các thiết bị, phương tiện đều có mức hiệu suất năng lượng theo thiết kế của nhà sản xuất nhưng khi xây dựng chương trình dán nhãn năng lượng thì nhà nước quy định các sản phẩm được dán nhãn năng lượng phải nằm ở trên mức hiệu suất năng lượng tối thiểu, mà các phương tiện, thiết bị loại bỏ là các sản phẩm đạt dưới mức hiệu suất năng lượng và các sản phẩm này không được dán nhãn năng lượng. Do vậy những sản phẩm bán trên thị trường được dán nhãn năng lượng là sản phẩm tiết kiệm điện, hoàn toàn hợp pháp và được bán, lưu thông trên thị trường.
Vai trò của Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan trong hỗ trợ cũng như giám sát các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất sản phẩm có trong danh mục là gì thưa ông? 
Ông Đặng Hải Dũng
Đối với các phương tiện, thiết bị nằm trong Chương trình dán nhãn năng lượng cũng như trong Chương trình kiểm soát hiệu suất năng lượng tối thiểu thì đều được Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ và kiểm soát trên thị trường. Thông thường khi một quyết định mới được ban hành Bộ Công Thương sẽ thông báo các nội dung, quy định để doanh nghiệp chuẩn bị. Đối với những doanh nghiệp sản xuất trong nước thì sẽ có những thông tin thông báo và những hỗ trợ để các doanh nghiệp tuân thủ các quy định về hiệu suất năng lượng. Đối với doanh nghiệp nhập khẩu, thông báo để các doanh nghiệp cần lưu ý từ khâu đặt hàng nước ngoài, cho đến khi hàng nhập khẩu vào Việt Nam thì Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Hải quan kiểm tra các thiết bị, phương tiện nhập khẩu có nằm trong danh mục được phéo lưu thông hay không để hướng dẫn các thủ tục nhập khẩu hàng hóa theo Danh mục phương tiện, thiết bị tại Quyết định số số 14.
Bên cạnh đó, đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường, các lực lượng liên quan đến quản lý thị trường sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát để đảm bảo sản phẩm lưu thông thị trường đều được kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như bảo vệ cạnh tranh minh bạch cho các sản phẩm. Nếu doanh nghiệp vi phạm liên quan đến việc công bố sai, lừa dối người tiêu dùng hoặc liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng thì Bộ Công Thương cũng có những đơn vị để xử lý vi phạm.
Thực hiện Quyết định số 14 có ý nghĩa thế nào theo Chỉ thị 20 của Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện và việc tiết kiệm năng lượng nói chung?
Ông Đặng Hải Dũng
Quyết định số 14 cũng như các phiên bản trước đây là Quyết định số 78 và Quyết định số 24 đã giúp loại bỏ các chủng loại phương tiện thiết bị hiệu suất thấp ra khỏi thị trường. Ví dụ, đối với điều hòa không khí đã nâng mức hiệu suất năng lượng cho sản phẩm từ 2,54 (năm 2009) lên 3,8 (năm 2012) và lên 4,2 (năm 2015) đã tiết kiệm điện năng trong lĩnh vực điều hòa không khí mỗi năm hơn 100 triệu kWh và giúp cắt giảm công suất phụ tải tương đương với việc tiết kiệm đầu tư xây dựng một nhà máy nhiệt điện với công suất 300MW. 
Chương trình kiểm soát hiệu suất năng lượng đã tiết kiệm điện năng trong lĩnh vực điều hòa không khí mỗi năm hơn 100 triệu kWh
Đối với các sản phẩm tương tự như quạt, tivi, bếp... cũng đang được đưa vào chương trình quản lý hiệu suất năng lượng với kỳ vọng đến năm 2030 sẽ tiết kiệm lượng điện tương đương với đầu tư xây dựng một nhà máy nhiệt điện khoảng 1000 với MW.
 Xin cảm ơn ông!
Anh Thư