Thứ tư, 04/12/2024 | 00:23 GMT+7

Bộ Công Thương kiên quyết loại bỏ thiết bị hiệu suất năng lượng thấp

19/06/2023

Chương trình kiểm soát hiệu suất năng lượng phương tiện, thiết bị được thực hiện nhằm loại bỏ các trang thiết bị sử dụng kém hiệu quả năng lượng.

Tại Việt Nam, Chương trình kiểm soát hiệu suất năng lượng được triển khai từ năm 2013 thông qua Quyết định số 78/2013/QĐ-TTg ngày 25/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới. Đến năm 2018, thay thế Quyết định số 78/2013/QĐ-TTg bằng Quyết định số 24/2018/QĐ-TTg ngày 18/5/2018.
Tiếp tục nâng cao tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng
Để phù hợp với tình hình hiện nay thì việc xây dựng Danh mục và lộ trình phương tiệnthiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới (thay thế Quyết định số 24/2018/QĐ-TTg) là cần thiết.
Do vậy, ngày 24/5/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 14/2023/QĐ-TTg ban hành Danh mục và lộ trình phương tiệnthiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2023 (Quyết định số 14). Quyết định này đã bổ sung thêm 03 sản phẩm mới gồm: Bếp từ, bếp hồng ngoại, máy tính để bàn. Đồng thời, nâng cấp tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng đối với 07 sản phẩm tiêu thụ năng lượng đã được kiểm soát từ năm 2020 (Quyết định 24) bao gồm: tủ lạnh và tủ đông, tủ mát, máy điều hòa không khí, máy thu hình, nồi hơi công nghiệp, bình đun nước nóng có dự trữ, máy tính xách tay.
Bếp từ, bếp hồng ngoại được thêm vào danh sách soát hiệu suất năng lượng. (Ảnh minh hoạ. Nguồn:Internet)
Quyết định số 14 cũng yêu cầu: Không phê duyệt chủ trương đầu tư các nhà máy nhiệt điện phát điện bằng than, khí có hiệu suất năng lượng thấp hơn hiệu suất quy định tương ứng với dải công suất của tổ máy phát điện; Không cho phép vận hành tổ máy phát điện bằng than, khí có hiệu suất tại thời điểm bắt đầu đưa vào vận hành thương mại thấp hơn hiệu suất quy định tương ứng với từng dải công suất của tổ máy.
Ông Đặng Hải Dũng - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương khẳng định: "Việc loại bỏ các thiết bị phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng kém hiệu quả và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc sử dụng hiệu quả năng lượng cũng như về kinh tế - xã hội và môi trường. Quyết định số 14 đã thể hiện sự quyết tâm, kiên quyết của Chính phủ nhằm thực hiện chống lãng phí trong sử dụng năng lượng."
Đẩy mạnh triển khai
Để Chương trình kiểm soát hiệu suất năng lượng phương tiện, thiết bị đạt được những kết quả, Bộ Công Thương, Bộ KH&CN và các Bộ ngành liên quan tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 24/2018/QĐ-TTg. Cụ thể, tổ chức các đoàn kiểm tra làm việc định kỳ hằng năm với các Phòng thử nghiệm hiệu suất năng lượng, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh phương tiện, thiết bị áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu trên thị trường. Kết quả, năm 2018 đã tiến hành kiểm tra được 07 phòng thử nghiệm, 07 doanh nghiệp; Năm 2019: 09 phòng thí nghiệm, 09 doanh nghiệp; Năm 2020: 07 phòng thử nghiệm, 06 doanh nghiệp.
Trong quá trình kiểm tra, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị Phòng thử nghiệm khắc phục các điểm không phù hợp, bổ sung lại các tài liệu văn bản quy trình, lưu trữ báo cáo riêng những phiếu thử nghiệm không đáp ứng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu để phục vụ công tác hậu kiểm; đã xử lý vi phạm cảnh cáo đối với 01 doanh nghiệp vi phạm quy định trong việc dán nhãn năng lượng, nhắc nhở yêu cầu đối với các hành vi không phù hợp trong hoạt động thử nghiệm hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng của doanh nghiệp.
Kiểm tra định kì hàng năm các phòng thử nghiệm hiệu suất năng lượng.
Đối với hàng hóa nhập khẩu, Bộ Công Thương đã ban hành danh mục các mặt hàng thực hiện kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, trong đó bao gồm danh mục hàng hóa có gắn mã hồ sơ thuộc Quyết định số 24/2018/QĐ-TTg tại Quyết định số 1182/QĐ-BCT ngày 06/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN, Bộ Công Thương đã phối hợp với Cơ quan Hải quan hướng dẫn các thủ tục nhập khẩu hàng hóa theo Danh mục phương tiện, thiết bị tại Quyết định số 24/2018/QĐ-TTg như: nồi hơi nhiệt dư, máy biến áp,…
Đối với các hàng hóa lưu thông trên thị trường, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2539/QĐ-BCT ngày 30/9/2020 về việc hướng dẫn kiểm tra hiệu suất năng lượng cho các phương tiện, thiết bị dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu lưu thông trên thị trường (hậu kiểm) để thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
Hiện nay có hơn 120 quốc gia thực hiện áp dụng bắt buộc các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng và dán nhãn cho một số chủng loại thiết bị. Trong đó, hơn 100 quốc gia hiện đang sử dụng các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng hoặc dán nhãn năng lượng bắt buộc cho máy điều hòa không khí, tủ lạnh, thiết bị chiếu sáng hoặc động cơ công nghiệp. Tuy vậy, hiện nay việc áp dụng tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng đối với động cơ điện công nghiệp vẫn chiếm một tỷ lệ tương đối thấp so với các thiết bị như: máy điều hòa không khí, tủ lạnh,… 
Cụ thể, hơn 80% thiết bị điều hòa không khí và tủ lạnh hoạt động trên toàn cầu đã được áp dụng tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng, những con số này chỉ chưa bằng một nửa đối với động cơ công nghiệp. Ngoài ra, việc áp dụng bắt buộc tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ tại Đông và Nam Phi, tuy vậy việc áp dụng dụng tiêu chuẩn cũng chưa đáp ứng được với tốc độ sở hữu máy điều hòa không khí và các thiết bị khác.
Xem chi tiết danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới TẠI ĐÂY.
Tuệ Lâm - Khánh An