1. Dùng nước lạnh để giặt
Hiện nay nhiều máy giặt sẵn có chế độ điều chỉnh nhiệt độ ở mức nhiệt nóng hoặc lạnh. Thông thường, nếu giặt đồ bằng nước nóng sẽ giúp khử mùi hôi quần áo, diệt khuẩn, loại bỏ vết bẩn cứng đầu nhưng sẽ tốn nhiều năng lượng. Do vậy, chỉ cần để chế độ giặt bình thường với nước lạnh cho quần áo ít bẩn sẽ giúp tiết kiệm điện năng hơn.
2. Chọn chương trình giặt phù hợp với từng loại quần áo
Máy giặt thường có đa dạng các chương trình giặt, xả và vắt như chương trình giặt nhanh khi bạn giặt những bộ quần áo ít bẩn, chương trình giặt tay để giặt tất cả loại len hay vải tơ tằm, chương trình Sports equipment để giặt những bộ quần áo thể thao bằng vải tổng hợp trong thời gian ngắn và giảm nhăn,...
Tùy vào từng loại quần áo để chọn các chế độ giặt khác nhau, vừa nâng cao hiệu quả làm sạch vừa tiết kiệm điện nước. Lưu ý, những loại quần áo như len, thun mỏng dễ giãn và áo khoác da, áo ngực, trang phục có khóa kéo, nhiều phụ kiện đi kèm không nên giặt bằng máy vì có thể làm biến dạng quần áo hoặc rách đi lớp da.
3. Giặt đúng khối lượng quần áo
Nếu giặt quá ít quần áo sẽ khiến bạn phải giặt nhiều lần, từ đó gây tốn điện năng. Trong khi giặt quá nhiều quần áo sẽ làm giảm hiệu quả giặt sạch quần áo. Vì vậy, chỉ nên cho 70 – 80% lượng quần áo so với khối lượng được ghi trên máy để có hiệu quả giặt cao nhất.
4. Vò tay quần áo quá bẩn trước khi cho vào máy giặt
Đối với quần áo dính những vết bẩn cứng đầu, trên những vị trí như cổ áo, cổ tay và gấu áo, vết bẩn bám chắc nên sẽ rất khó giặt sạch hoàn toàn bằng máy giặt. Chính vì vậy, bạn nên vò bằng tay những loại quần áo này trước khi cho vào máy giặt để vết bẩn bị đánh bay hoàn toàn.
5. Sử dụng tính năng tiết kiệm năng lượng
Các thông tin nhãn năng lượng trên máy giặt rất quan trọng vì nhờ đó, người dùng có thể nắm nhanh thông tin cơ bản về khả năng tiết kiệm điện, hãng sản xuất, khối lượng giặt, và các yếu tố khác, giúp người tiêu dùng chọn được chiếc máy giặt phù hợp với nhu cầu.
Ngoài ra, các dòng máy giặt mới hiện nay còn được trang bị nhiều tính năng hỗ trợ tiết kiệm điện nước như công nghệ Inverter, công nghệ cảm biến độ bẩn,... Người dùng nên cân nhắc sử dụng kết hợp những tính năng này để mang lại hiệu quả tiết kiệm cao hơn.
6. Rút phích cắm khi không sử dụng máy giặt
Hầu như nhiều người có thói quen sau khi sử dụng máy giặt thì không phích cắm mà để cố định ngày này qua ngày khác. Nếu làm như vậy có thể gây ảnh hưởng đến tuổi thọ của máy giặt, ngoài ra còn có thể gây chập mạch điện rất nguy hiểm. Do đó , bạn cần rút phích cắm điện khi không dùng máy giặt nữa để bảo vệ máy an toàn, tránh cháy nổ và tiết kiệm điện.
7. Vệ sinh máy giặt định kỳ
Vệ sinh máy giặt giúp quần áo sạch hơn, tăng tuổi thọ cho máy và giúp máy vận hành an toàn hơn. Vì vậy, trong quá trình sử dụng máy giặt, bạn nên vệ sinh khoảng 3 tháng/lần, hoặc thường xuyên hơn khoảng 1 tháng/lần nếu bạn sử dụng máy giặt tần suất nhiều.
8. Tận dụng nước thải sau khi giặt
Bạn có thể lắp thêm một bồn chứa nước thải kế bên máy giặt và lắp đặt đường ống để kết nối với nhau. Sau khi giặt quần áo, bạn có thể tận dụng lượng nước thải được chứa trong bồn để tái sử dụng cho các việc rửa xe, rửa sân, và các công việc khác có thể sử dụng lượng nước này.
Hà Trần