Thứ ba, 15/10/2024 | 19:26 GMT+7

Làm sao để tiết kiệm điện trong những ngày hè nắng nóng?

08/06/2020

Giá điện tăng mạnh chắc chắn sẽ khiến hóa đơn tiền điện hàng tháng của gia đình bạn tăng lên đáng kể nếu bạn không có giải pháp hợp lý.

Mùa hè là lúc nhu cầu tiêu thụ điện của các hộ gia đình gia tăng làm cho việc thanh toán hóa đơn mỗi tháng luôn là nỗi ám ảnh đối với người tiêu dùng. Giá điện tăng mạnh chắc chắn sẽ khiến hóa đơn tiền điện hàng tháng của gia đình bạn tăng lên đáng kể nếu bạn không có giải pháp hợp lý.

Không nên để thiết bị điện ở trạng thái chờ

Rất nhiều người cho rằng khi để các thiết bị điện ở trạng thái chờ thì sẽ không tốn điện, nhưng thực tế là điều đó vẫn làm tiêu hao năng lượng điện. Chính vì thế, khi không có nhu cầu sử dụng thì bạn nên tắt nguồn của thiết bị điện đi nhé.

Lắp các thiết bị cảm biến chuyển động để tránh lãng phí điện

Nếu bạn và những người thân trong gia đình thường hay quên tắt đèn sau mỗi lần sử dụng xong thì lắp thiết bị phát hiện chuyển động là một giải pháp rất cần thiết. Thiết bị này sẽ tự động bật đèn khi có người di chuyển vào khu vực cảm ứng, còn khi người rời đi hoặc khi không có người thì đèn sẽ tự động tắt giúp tránh được tình trạng quên tắt đèn gây lãng phí điện.

Việc lắp đặt các thiết bị cảm biến chuyển động bật/tắt đèn có thể giúp gia đình bạn cắt giảm được đáng kể lượng điện lãng phí hàng tháng đó.

Một giải pháp hiệu quả nữa để giúp gia đình bạn tiết kiệm được lượng điện năng tiêu thụ là thay các bóng đèn chiếu sáng thông thường bằng bóng đèn Led.

Bóng đèn Led có cường độ phát sáng rất cao nhưng mức tiêu thụ điện lại rất thấp (đèn Led có thể tiết kiệm lên đến 90% điện năng tiêu thụ so với đèn dây tóc và 50% so với đèn compact).

Bên cạnh đó thì các loại đèn Led có tuổi thọ cao hơn hẵn so với các loại bóng đèn thường, giúp gia đình bạn sử dụng thiết bị lâu bền hơn, giảm được nhiều khoản phí không cần thiết như thay thế, sửa chữa, bảo trì sản phẩm…

Sử dụng các thiết bị hẹn giờ để bật/tắt thiết bị điện gia dụng

Sẽ rất lãng phí điện nếu bạn quên tắt các thiết bị điện trong gia đình (quạt điện, máy nước nóng, máy bơm, hệ thống tưới cây…) sau khi sử dụng xong. Để giải quyết triệt để vấn đề đó thì bạn có thể dùng các thiết bị hẹn giờ, như: Công tắc điện hẹn giờ; Ổ cắm điện hẹn giờ…

Mức tiêu thụ điện năng của các thiết bị điện có nhãn tiết kiệm điện là rất thấp, nhờ thế mà nếu áp dụng giải pháp này sẽ giúp gia đình bạn tiết kiệm được rất nhiều lượng điện năng tiêu thụ hàng tháng.

Khi ở nhà thì bạn nên mở các cánh cửa (cả cửa sổ và cửa chính) để ánh sáng mặt trời chiếu vào nhà, giúp cho ngôi nhà bạn trở nên sáng sủa, thông thoáng và mát mẻ hơn mà không cần phải bật đèn chiếu sáng, quạt điện hay là sử dụng máy điều hòa…

Thời gian gần đây, việc lắp đặt và sử dụng nguồn điện từ năng lượng mặt trời đang trở thành một xu hướng mới rất hot. Có nhiều gia đình ở các thành phố lớn (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc…) đã lắp đặt hệ thống sản sinh nguồn điện từ mặt trời, điều này không những giúp tiết kiệm được chi phí tiền điện hàng tháng của gia đình mà còn góp phần tiết kiệm nguồn điện cho quốc gia.

Sử dụng đồ điện tử, điện lạnh thế nào để tiết kiệm điện cho gia đình?

Tủ lạnh: Hạn chế việc mở tủ lạnh thường xuyên khi không cần thiết để tiết kiệm điện. Mức nhiệt độ của tủ lạnh nên để ở chế độ từ 1 – 9 độ C. Cứ giảm xuống 10 độ là tủ lạnh sẽ tiêu thụ thêm 25% lượng điện năng.

Máy điều hòa (máy lạnh): Nên để mức nhiệt độ ở trên 20 độ C (nếu để điều hòa ở nhiệt độ càng thấp thì điện tiêu thụ càng nhiều), thường xuyên làm vệ sinh bộ phận lọc sẽ giúp bạn tiết kiệm được 5 – 7% điện năng. Bạn nên chọn loại máy điều hòa có công nghệ inverter tiết kiệm điện để sử dụng. (Có thể bạn chưa biết: Nếu mỗi ngày bạn quên tắt điều hòa khoảng 1 giờ => thì 1 năm gia đình bạn sẽ tốn thêm 1,1 triệu đồng để trả tiền điện).

Bàn là: Không dùng bàn là trong phòng có máy lạnh hoặc khi quần áo còn ướt. Sau khi rút điện của bàn là thì bạn vẫn còn có thể là thêm được 1 – 2 bộ quần áo nữa đó nhé.

Quạt điện: Thường xuyên lau chùi cánh quạt và những bộ phần bên ngoài, nên bật quạt ở tốc độ vừa phải. Sau khi sử dụng xong thì bạn nên rút phích cắm của quạt ra khỏi ổ điện.

Máy tính bàn hoặc Laptop: Khi sử dụng thì nên để độ sáng màn hình ở mức vừa phải. Hãy chọn chế độ tiết kiệm điện năng trong máy tính (ScreenSave) để vừa đỡ tốn điện, lại giúp bảo vệ cho máy tính. Nên tắt máy tính nếu bạn không có ý định sử dụng từ 30 phút trở lên.

Ti vi: Khi tắt tivi thì không nên điều khiển tắt bằng remote mà nên tắt bằng cách ấn vào nút nguồn (nút Power) ở tivi. Khi đang xem tivi thì bạn nên tắt bớt các bóng đèn chiếu sáng không cần thiết ở trong phòng.

Máy giặt: Chỉ nên sử dụng máy giặt khi gia đình bạn đã có đủ lượng quần áo để giặt, còn nếu quần áo ít thì bạn chưa nên giặt hoặc nên giặt bằng tay để tiết kiệm điện và nước cho gia đình nhé.

Nồi cơm điện: Không nên nấu cơm quá sớm, chỉ nên nấu cơm trước khi ăn khoảng 30 đến 45 phút để giảm thời gian hâm nóng. Bạn cũng nên lau chùi sạch đáy nồi cơm và mâm nhiệt của nồi cơm điện để điện tiếp xúc tốt hơn, tránh lãng phí điện.

Máy nước nóng: Chỉ nên bật máy nước nóng 30 – 45 phút trước khi tắm, không nên cài đặt nhiệt độ nước quá nóng. Nên sắp xếp thời gian tắm rửa bằng nước nóng của các thành viên trong gia đình gần nhau để tiết kiệm điện. Sau khi đã sử dụng xong thì nên tắt ngay.

Theo: Báo Tiền Phong