Thứ sáu, 29/03/2024 | 14:26 GMT+7

Những kiểu dùng điều hoà đốt tiền nên tránh

15/04/2020

Lắp điều hòa ở tường thường xuyên có nắng, dùng điều hoà cũ, đặt cục nóng - lạnh cùng một không gian.. là những cách dùng điều hoà vừa đốt tiền, vừa nhanh hỏng nên tránh.

Lắp ở tường thường xuyên có nắng chiếu vào

Khi hoạt động, điều hòa có xu hướng làm lạnh tại khu vực xung quanh nó trước, sau đó mới tỏa ra xung quanh phòng. Tường nóng sẽ khiến máy hoạt động nhiều hơn, gây tốn điện hơn. Hơn nữa, việc đặt dàn lạnh ở nơi nhiệt độ cao sẽ khiến độ bền thiết bị giảm đáng kể.

Đặt điều hòa ở nơi có ánh nắng chiếu vào hoặc góc tường sẽ khiến thiết bị hoạt động nhiều hơn. Ảnh: Down To Earth. 

Các chuyên gia khuyến cáo, người dùng nên lắp điều hoà ở vị trí thoáng, không bị vật cản, không ở góc tường, tránh xa tường có ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Đối với cục nóng, nên chọn vị trí thoáng mát, tốt nhất là nơi có nhiều gió. Cục nóng đặt cách tường ít nhất 20 - 30 cm để không khí được lưu thông.

Dùng điều hòa cũ

Để tiết kiệm chi phí, nhiều gia đình mua lại điều hòa cũ, hoặc mua hàng cũ nhập từ nước ngoài về, chẳng hạn máy Nhật "bãi". Việc này có hại nhiều hơn lợi.

Theo thời gian, động cơ của máy sẽ yếu dần, khả năng làm mát sẽ hạn chế. Việc vận hành "ì ạch" lại khiến lượng điện tiêu thụ nhiều hơn. Những thiết bị này cũng sử dụng công nghệ cũ, không tiết kiệm năng lượng như với sản phẩm mới.

Ngoài ra, việc sử dụng đồ cũ khiến người dùng đối mặt với nguy cơ hỏng hóc, tốn thêm chi phí cho sửa chữa.

Đặt cục nóng và dàn lạnh cùng một không gian

Một số gia đình chọn lắp dàn lạnh phía dưới, cục nóng trên trần nhà và ngăn cách bởi một lớp trần thạch cao mỏng. Đây là cách lắp đặt sai kỹ thuật.

Về cơ bản, cục nóng làm nhiệm vụ tản nhiệt, nên cần đặt nơi thoáng gió. Trong khi dàn lạnh có cấu trúc là hệ thống ống tuần hoàn, làm nhiệm vụ luân chuyển khí gas lạnh, thổi không khí vào phòng để làm mát. Như vậy, hai thiết bị này cần đặt xa nhau để chúng làm đúng nhiệm vụ: cục nóng tỏa nhiệt và dàn lạnh làm mát.

Nếu lắp cả cục nóng lẫn dàn lạnh chung một phòng, khả năng làm mát sẽ bị hạn chế, thậm chí không mát do hai luồng nhiệt độ bị chung hòa vào nhau. Cả hai vì thế phải hoạt động nhiều hơn, gây tốn điện. Bên cạnh đó, luôn tiềm tàng nguy cơ cháy nổ, bởi cục nóng luôn tỏa ra lượng nhiệt rất lớn khi hoạt động.

Lắp hai phòng chung một điều hoà

Việc lắp một điều hòa chung cho hai phòng được khuyến cáo là không nên. Ảnh: Coconuts.

Để tiết kiệm, nhất là phòng có không gian nhỏ, một số gia đình gắn một điều hòa thông sang cả hai phòng. Cách lắp đặt này không khoa học và rất tốn điện.

Khi hoạt động, dàn lạnh của máy có hệ thống thổi luồng không khí tỏa ra đều phòng. Nếu bộ phận này bị ngăn cách bởi một phần bức tường, quá trình làm mát sẽ chậm hơn, máy hoạt động nhiều hơn, từ đó tiêu thụ năng lượng nhiều hơn. Theo các kỹ thuật viên lắp điều hoà, cách lắp này chỉ phù hợp với phòng có vách ngăn, đặt dàn lạnh lên cao hơn vách ngăn để hơi mát tỏa ra đều.

Chọn điều hòa không đúng công suất

Nếu lắp điều hòa có công suất thấp hơn so với diện tích, phòng sẽ không mát. Ngược lại, nếu lắp máy công suất cao hơn diện tích, sẽ không tận dụng được hết hiệu suất thiết bị, cũng tốn điện.

Tuy nhiên, người dùng vẫn nên mua điều hòa có công suất cao hơn một chút so với diện tích hoặc thể tích phòng để "bù" cho nhiệt độ của các thiết bị khác như tủ lạnh, tivi hay nơi có ánh nắng chiếu vào. Bên cạnh đó, công suất cao hơn giúp thời gian làm lạnh phòng nhanh hơn. Khi đạt nhiệt độ tiêu chuẩn, điều hoà sẽ tự ngắt và vận động máy nén để tiết kiệm điện, tạo ra thời gian nghỉ ngơi.

Đặt chế độ làm mát quá lạnh

Bật điều hòa ở bao nhiêu độ là mát và tiết kiệm nhất?

Việc đặt chế độ làm mát quá lạnh không chỉ khiến điều hoà phải hoạt động hết công suất, gây tốn tiền điện mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ. Nhất là trong những ngày nóng, các gia đình nên lưu ý chỉ để điều hoà ở chế độ làm mát khoảng 25 độ C là vừa đủ, tránh để tình trạng vừa ở ngoài nóng đi vào phòng lạnh đột ngột sẽ khiến cơ thể bị sốc nhiệt. Đặc biệt với gia đình có người già trẻ nhỏ cần lưu ý điểm này để phòng tránh sự cố không mong muốn. 

Một mẹo nhỏ nữa để tiết kiệm điện là khi phòng đã mát rồi, có thể chuyển từ chế độ làm lạnh (cool) sang chế độ giữ nhiệt khô (dry). Như vậy vẫn duy trì được nền nhiệt mát mà điều hoà không phải làm lạnh lại liên tục, gây tốn kém lãng phí. 

Thanh Bình tổng hợp