Thứ sáu, 29/03/2024 | 12:45 GMT+7

Thúc đẩy hợp tác vùng tạo mạng lưới hoạt động tiết kiệm năng lượng

09/08/2022

Tại hội nghị Tiết kiệm năng lượng toàn quốc năm 2022, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng (Enerteam) đã chia sẻ những kinh nghiệm trong thúc đẩy hợp tác vùng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tạo mạng lưới hoạt động tiết kiệm năng lượng.

Trong xu thế phát triển chung của đất nước, nhiệm vụ phát triển vùng luôn được Đảng, Chính phủ quan tâm với nhiều Nghị quyết, chính sách được ban hành nhằm khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các vùng kinh tế - xã hội. Nhận thức rõ điều đó, Văn  phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng cũng luôn chú trọng đến vấn đề thúc đẩy hợp tác vùng giúp tạo mạng lưới hoạt động tiết kiệm năng lượng (TKNL) triển khai chương trình VNEEP3. Trung tâm nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng (Enerteam) là đơn vị được giao hỗ trợ Văn phòng Tiết kiệm năng lượng hoạt động kể trên đối với việc phát triển mạng lưới TKNL khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.
Theo ông Mã Khai Hiền - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng, cốt lõi của hoạt động TKNL thông qua hợp tác vùng hiệu quả cần dựa trên 3 yếu tố: Xác định mục tiêu, thực hiện đồng bộ các giải pháp và đề xuất các hoạt động mới.
Xác định mục tiêu rõ ràng
Mục tiêu tổng thể giúp Đồng bằng sông Cửu Long tạo mạng lưới hoạt động TKNL là hình thành các điểm nút mang tính vùng để hỗ trợ các địa phương trong việc khởi xướng các hoạt động TKNL ở một số tỉnh phía Nam; Tạo mạng lưới sự tương tác hỗ trợ qua lại về nghiệp vụ giữa các trung tâm TKNL hạt nhân ở phía Nam; Nhân rộng hoạt động TKNL ở các địa phương, thiết lập mạng lưới TKNL theo hướng bền vững.
Quy trình sản xuất tại một cơ sở chế biến thuỷ sản của tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: Tổng cục thuỷ sản)
Đồng thời, hỗ trợ các Trung tâm TKNL hạt nhân trong việc triển khai các hoạt động TKNL tại địa phương theo nhiệm vụ được giao từ chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Một số nội dung hỗ trợ nâng cao năng lực cụ thể bao gồm: Kế hoạch truyền thông; Hỗ trợ xây dựng và sử dụng cơ sở dữ liệu (CSDL) năng lượng nền để phục vụ công tác lập chiến lược năng lượng địa phương; Kiểm toán năng lượng, thực hiện giải pháp; Xây dựng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, Enerteam đã áp dụng đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường quản lý nhà nước trong việc TKNL cho các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm quản lý năng lượng; Thực hiện nâng cao năng lực về TKNL cho cán bộ của các trung tâm hoạt động TKNL khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phía Nam; Hỗ trợ các trung tâm TKNL.
Ông Mã Khai Hiền cho biết: “Một trong những giải pháp được trung tâm đẩy mạnh là công tác Tư vấn phát triển công nghiệp và Khuyến công thực hiện các nhiệm vụ Chương trình MTQG về TKNL, thông qua các hoạt động tập huấn, hỗ trợ và liên kết, cũng như thực hiện tập huấn chuyên sâu trực tiếp cho các trung tâm TKNL hạt nhân, cụ thể ưu tiên cho các trung tâm TKNL đã tham gia đề án hợp tác vùng trong năm 2012 (bao gồm Cần Thơ, Tiền Giang, và Đồng Tháp)”.
Enerteam phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức khóa đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng đội ngũ chuyên gia Quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn quốc tế
Trong suốt quá trình thực hiện liên kết, thúc đẩy hợp tác vùng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Enerteam đã hoàn thành kế hoạch hướng dẫn cho các địa phương xây dựng “Kế hoạch hành động tiết kiệm năng lượng giai đoạn 2020-2025” và đã ban hành kế hoạch tại từng địa phương. Đồng thời, xây dựng mạng lưới của VECEA (Hội khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam) với nhiều hội viên trải dài cả nước. Cũng như xây dựng một số dự án hỗ trợ về kết nối mạng lưới như dự án của GIZ, mạng lưới Hiệu quả năng lượng (EEN), trang VEECOM (Cộng đồng Hiệu quả Năng lượng),...
Tuy nhiên, do một số trung tâm TKNL, Tư vấn phát triển công nghiệp và Khuyến công sát nhập, dẫn đến thu hẹp về quy mô và hoạt động về TKNL, thiếu nguồn lực do luân chuyển công tác, ảnh hưởng đến các đơn vị khiến việc thực hiện Chương trình chưa thật sự chủ động. Việc triển khai các nội dung, nhiệm vụ được giao, hoặc đề xuất đăng ký nhiệm vụ với Chương trình VNEEP và kế hoạch hành động của địa phương cũng bị ảnh hưởng. 
Đề xuất thúc đẩy
Trước những kết quả đã đạt được, cùng những khó khăn còn tồn tại, trong thời gian tới, Enerteam đề xuất các hoạt động cụ thể để thúc đẩy hợp tác vùng tạo mạng lưới hoạt động tiết kiệm năng lượng như sau: Các đơn vị hạt nhân tại địa phương cần phối hợp tổ chức thực hiện đồng bộ các Chương trình quốc gia về TKNL, đồng thời chuẩn bị nguồn lực như bố trí kinh phí hàng năm và nguồn nhân lực phù hợp để triển khai; Hoàn thiện hệ thống CSDL về tiêu thụ năng lượng, nâng cao năng lực thu thập, xử lý, vận hành hệ thống CSDL tại địa phương và trong mạng lưới.
Mặt khác, tiếp tục duy trì và tăng cường hoạt động tuyên truyền, chia sẻ kết quả triển khai trong mạng lưới với nhau và liên kết nhiều chương trình Tăng trưởng Xanh, Sản xuất và tiêu dùng bền vững, Biến đổi khí hậu, Kiểm toán Carbon; Tích cực tham gia vào hoạt động dự án triển khai từ cấp Bộ đến doanh nghiệp để nâng cao năng lực cho nguồn lực tại địa phương trong hoạt động TKNL; Tăng cường hỗ trợ công tác giám sát các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm đảm bảo công tác báo cáo tình trạng sử dụng năng lượng và kế hoạch sử dụng năng lượng hằng năm, lộ trình thực hiện giải pháp TKNL nhằm giảm hiệu suất tiêu hao năng lượng tại từng địa phương.
Đồng thời, tăng cường đánh giá hiện trạng áp dụng định mức tiêu hao năng lượng (MEPS) đã được ban hành và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai giải pháp để tuân thủ theo các quy định về định mức này. Cùng với đó, cần phối hợp hỗ trợ triển khai các chương trình đào tạo cán bộ quản lý năng lượng và kiểm toán viên năng lượng cho doanh nghiệp theo chương trình do Bộ Công Thương ban hành và cấp chứng chỉ.
Hơn nữa, cần thúc đẩy xây dựng các cơ chế khuyến khích tài chính tại địa phương thông qua việc kết nối các dự án hỗ của Bộ Công Thương như dự án VSUEE (WB), Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp (KOICA), 4E (GIZ), Quỹ khuyến khích,… hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào hiệu quả năng lượng; Mở rộng mạng lưới kết nối với các nhà cung cấp thiết bị, dịch vụ giải pháp, các nhãn hàng, tập đoàn, doanh nghiệp trong chiến lược về hiệu quả năng lượng, phát triển bền vững và giảm biến đổi khí hậu.
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng (gọi tắt là Enerteam) là tổ chức khoa học công nghệ được thành lập đầu tiên ở Việt Nam chuyên về tiết kiệm năng lượng và quản lý tài nguyên. Tiền thân là tổ chức Trans Energ – Pháp (hoạt động từ năm 1995), đến năm 1999 tổ chức đã chính thức trở thành đơn vị tư vấn độc lập với tên gọi Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng, hoạt động theo Luật Khoa học và Công nghệ.
Tố Quyên