Thứ tư, 15/01/2025 | 15:57 GMT+7

Bếp lò bằng cactông hạn chế biến đổi khí hậu

12/10/2010

Liệu chiếc “bếp lò” là một chiếc hộp cactông sơn màu đen, bọc bên ngoài bằng lá thiếc (thực ra là cactông phủ lớp bạc cực mỏng) và vung bằng nhựa acrylic có thể giải quyết những vấn đề xã hội và môi trường được không? Tổ chức quốc tế Diễn đàn tương lai (Forum for the Future) khẳng định là hoàn toàn có thể.

"Kyoto Box”, là tên của chiếc lò nấu thức ăn và đun nước sôi sử dụng năng lượng mặt trời, được đặt tên như vậy để nhắc nhở mọi người về Nghị định thư Kyoto với sự tham gia của hầu hết các nước trên thế giới (tuy có một số nước lớn chưa ký) với nội dung là hạn chế chất thải gây ô nhiễm, ngăn ngừa sự biến đổi khí hậu làm Trái đất nóng lên. Nó vừa nhận được giải nhất, trị giá 75.000 đôla trong cuộc thi do báo Financial Times và Tập đòan HP tổ chức.


 kyoto_box_oven.jpg


Điều hài hước là “hiệu ứng nhà kính” – nguyên nhân làm hại hành tinh lại được dùng để cứu hành tinh khỏi sự tăng nhiệt độ. Bốn tấm nắp hộp bằng nhựa acrylic, phủ một lớp bạc cực mỏng, bình thường đậy xuống, khi dùng mở ra, đậy trên hai chiếc hộp cactông lồng vào nhau giữa có lớp cách nhiệt để “bẫy” năng lượng mặt trời. Phía trong chiếc hộp được sơn đen hoàn toàn. Chính giữa chiếc hộp là một kết cấu thu hồi nhiệt, dùng để đun nóng thức ăn hoặc nấu nước. Hộp phát huy tác dụng khi đặt ra ngoài nắng, và tỏ ra rất thích hợp với các nước nhiệt đới, đặc biệt các nước châu Phi luôn được mặt trời “ưu đãi”.

 

Đây là phát minh của John Bohmer, người Na Uy được đánh giá là biện pháp có hiệu quả giúp 2 tỷ người trên thế giới (chủ yếu ở nông thôn các nước thuộc Thế giới thứ ba) hiện đang đun nấu bằng củi chuyển sang đun nấu bằng nâng lượng tái sinh vô tận từ mặt trời chiếu xuống. Nhờ đun nấu bằng hộp Kyoto có thể hạn chế một cách đáng kể việc phát thải khí CO2. Theo tính tóan, chiếc bếp lò này rẻ một cách bất ngờ, giá thành chỉ là 5 đôla/chiếc. 

 

Theo Ủy ban xét thưởng, chiếc bếp lò này có ưu điểm:

- Giảm chất thải cacbon do đốt củi; Hạn chế nạn phá rừng lấy củi; Giảm ô nhiễm trong nhà, ảnh hướng xấu đến sức khỏe người dân; Đun nấu khỏi mất tiền bằng nguồn năng lượng trời cho;  Các gia đình có điều kiện tiếp cận với việc dùng nước sạch; Đỡ mất thời gian trẻ em kiếm củi tập trung vào học hành. 

"Hộp Kyoto” đã bắt đầu được sản xuất tại Nairobi (Kenya). Nhà máy này có công suất là 2,5 triệu chiếc “hộp Kyoto” trong một tháng.

 

Tiến Đạt (theo kyoto-energy.com)