Thứ bảy, 23/11/2024 | 08:22 GMT+7

Chuyển đổi xe buýt để sử dụng khí CNG - Giải pháp chưa khả thi

18/11/2009

Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do khói xả động cơ, từ hơn 3 năm trước, TPHCM đã hướng tới giải pháp đưa khí nén tự nhiên (CNG) vào sử dụng cho các loại phương tiện giao thông, bắt đầu từ xe buýt. Tuy nhiên, chủ trương trên đứng trước thực trạng: Có nhiên liệu nhưng thiếu hệ thống đường ống dẫn khí, thiếu trạm cung cấp; có giải pháp chuyển đổi, nhưng thiếu cơ chế hỗ trợ về vốn…

Nhiên liệu rẻ lại giảm ô nhiễm

Tại hội thảo “Hàn Quốc - ASEAN về phương tiện vận tải sử dụng khí thiên nhiên” tại TPHCM tuần qua, ông Hyong Luu Jeon, Vụ phó Vụ Vận tải - Môi trường (Bộ Môi trường Hàn Quốc) cho biết, sử dụng khí nén CNG chi phí chỉ bằng khoảng 50% so với dùng dầu nhưng lại giảm thiểu tới 35% khí hydro carbon, 62% oxide, 9% carbon oxide… thải ra môi trường.

Đồng quan điểm, TS Phạm Xuân Mai, Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông - ĐH Bách khoa TPHCM, tính toán: giá 1 tấn khí CNG là 318 USD, chỉ bằng 53,5% giá xăng, 42% giá dầu. Mỗi xe buýt sử dụng CNG hoạt động 1 năm tiết kiệm 8.308 USD nhiên liệu so với dầu diesel. Với 10.000 xe tại TPHCM, nếu chuyển sang sử dụng khí CNG sẽ tiết kiệm 83.080.000 USD mỗi năm. Như vậy, trong khoảng 3 năm TPHCM sẽ tiết kiệm được 250 triệu USD, số tiền đủ để chuyển đổi xe buýt sử dụng diesel sang sử dụng CNG (theo Công ty cổ phần (CP) khí hóa lỏng miền Nam, chi phí cho mỗi bộ chuyển đổi từ xe dùng dầu DO sang CNG là 25.000 USD). Như vậy, việc chuyển đổi xe buýt sử dụng diesel hiện tại sang xe sử dụng khí nén CNG không chỉ góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn giúp tiết kiệm tiền bạc, giảm giá cước phí vận chuyển, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Chính từ những hiệu quả trên, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, cho biết TPHCM sẽ chuyển đổi dần dần số xe buýt loại lớn (B80) và loại trung (B55) dùng dầu sang sử dụng khí CNG. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2009-2010, Sở GTVT sẽ tiến hành chuyển đổi và đưa vào hoạt động 38 chuyến xe buýt trên 2 tuyến số 30 (Chợ Tân Hương - Suối Tiên) và số 91 (Bến xe miền Tây - Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức), cuối 2010 sẽ có 800 xe khác cũng bắt đầu dùng nhiên liệu này.

Nhưng triển khai không dễ

Tuy nhiên, kế hoạch trên đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. Giữa năm 2008 TPHCM đã nhập về 2 chiếc xe buýt sử dụng khí CNG từ Hàn Quốc, sau đó Công ty CP Dịch vụ vận tải Dầu khí Cửu Long nhập thêm 2 xe nữa. Nhưng hơn 1 năm qua, những chiếc xe trên chỉ mới “chạy trình diễn” thành công nhờ nhiên liệu CNG ít ỏi ban đầu được nạp sẵn từ nước ngoài. Cho tới tháng 7-2009 vừa qua, mới chỉ có 2 trạm nhiên liệu CNG tại TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu được đưa vào sử dụng, song cũng chỉ mang tính thử nghiệm.

Hiện tại, Tổng Công ty Khí Việt Nam là đơn vị duy nhất cung cấp khí CNG tại Việt Nam, với 2 đơn vị thành viên: Công ty CP CNG Việt Nam (đã đi vào hoạt động từ năm 2008), công suất giai đoạn 1 là 30 triệu m3 khí/năm, giai đoạn 2 là 250 triệu m3 khí/năm; Công ty CP Khí hóa lỏng miền Nam đang đầu tư nhà máy nén CNG tại KCN Mỹ Xuân A, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, công suất ban đầu là 10 triệu m³ khí/năm, phục vụ các cơ sở công nghiệp và ngành giao thông vận tải… Tuy nhiên, có nhiên liệu nhưng thiếu hệ thống đường ống dẫn khí, thiếu trạm cung cấp.

Theo ông Lê Thanh Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ vận tải Dầu khí Cửu Long, chưa kể các điều kiện phòng cháy, chữa cháy nghiêm ngặt, chỉ tính riêng mặt bằng, một trạm cung cấp khí CNG tốn kém chi phí rất lớn, cần phải có sự hỗ trợ về vốn, các quy chuẩn, quy định rõ ràng về nạp, bơm khí nén… từ phía các cơ quan có thẩm quyền. Chính vì thế, việc chuyển đổi xe buýt đang chạy diesel sang CNG cũng giậm chân tại chỗ.

Thêm vào đó, muốn chuyển đổi xe buýt hiện tại qua sử dụng CNG cần phải áp dụng 1 trong 3 giải pháp: lắp thêm bộ chuyển đổi vào máy; thay thế động cơ CNG và mua xe mới. Trước thực tế này, nhiều người cho rằng lắp bộ chuyển đổi và thay thế động cơ là 2 giải pháp khả thi vì cho rằng chi phí sẽ thấp hơn. Nhưng theo ông Phùng Đăng Hải, Giám đốc HTX vận tải TP, việc lắp bộ chuyển đổi và thay máy chỉ là biện pháp tạm thời, bởi các chi tiết động cơ không đồng bộ có thể dẫn đến công suất vận hành không cao, do vậy thay xe mới sẽ hiệu quả hơn.

Hiện tại, “Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” (hoạt động từ 2007) có nguồn quỹ 350 triệu USD dành hỗ trợ các doanh nghiệp muốn chuyển đổi sang dùng nguồn nguyên liệu sạch, và nguồn vốn 50 triệu USD (Nhật Bản hỗ trợ) có lãi suất 6,9%/năm, trả trong vòng 20 năm cũng với mục tiêu này. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM, nhìn chung các nguồn vốn này vẫn chưa được triển khai đến doanh nghiệp.

(Nguồn: homme.vnn.vn)