Thứ bảy, 23/11/2024 | 04:10 GMT+7

Biến thức ăn thừa thành điện

16/11/2009

Trong lúc nhiều người nghĩ thức ăn thừa của nhà hàng là rác thải, một cơ quan ở thành phố San Francisco, Mỹ lại xem chúng như một nguồn năng lượng.

East Bay Municipal Utility District, cơ quan phụ trách việc cung cấp nước và xử lý nước thải tại khu vực vịnh San Francisco (Mỹ), đang đi tiên phong trong việc tận dụng một nguồn năng lượng tái sinh hầu như chưa được để ý đến bằng cách biến rác thải thực phẩm của 2.300 nhà hàng và cửa hàng tạp hoá địa phương thành điện để vận hành nhà máy xử lý nước thải của mình.

Nguồn năng lượng tái sinh mới

Hằng ngày, một hoặc hai xe tải có trọng tải 20 tấn đến nhà máy và đổ rác thải thực phẩm vào những bể ngầm khổng lồ dưới đất. Tại đó, các máy nghiền biến chất thải thành một chất giống như bùn. Những vật thải không phù hợp như đá, dụng cụ nấu ăn, đồ nhựa phế thải, nắp chai... sẽ bị sàng lọc và loại ra. Sau đó, chất thải được đưa vào một bồn vi khuẩn để xử lý. Tiến trình này sẽ tạo ra khí methane giúp vận hành các máy phát điện của nhà máy.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) cho báo USA Today (Mỹ) biết đây là dự án đầu tiên thuộc loại này cho một nhà máy xử lý nước thải ở Mỹ. Nhà máy nói trên, phục vụ cho khoảng 650.000 ngôi nhà ở khu vực vịnh San Francisco, tận dụng khí methane từ việc xử lý nhiều loại chất thải khác nhau, khởi đầu là nước thải, để tạo ra điện. Đến năm 2001, nhà máy bắt đầu tận dụng nhiều nguồn chất thải khác, như chất thải từ nhà máy rượu, nhà máy bơ sữa và chế biến gà.

Ba năm sau đó, rác thải thực phẩm từ nhà hàng và khách sạn được bổ sung vào danh sách. Nhà máy hiện xử lý từ 100 đến 200 tấn rác thải thực phẩm mỗi tuần. Mục tiêu trong thời gian tới là xử lý được từ 100 đến 200 tấn rác thải loại này mỗi ngày để tạo ra lượng điện đủ cung cấp cho từ 1.300 đến 2.600 ngôi nhà.

Ông David Williams, người phụ trách hoạt động xử lý nước thải của East Bay Municipal Utility District, hy vọng rằng đến cuối năm tới, lượng điện tạo ra từ những nguồn chất thải phi truyền thống sẽ trở nên dư thừa để có thể bán lại cho Công ty Điện Pacific Gas & Electric ở địa phương.

Phân loại rác thải tại nhà

EPA cho biết chỉ cần 50% lượng rác thải thực phẩm ở Mỹ được trải qua một tiến trình tương tự (thường mất vài tuần) như ở nhà máy nói trên, lượng điện tạo ra sẽ đủ cung cấp cho 2,5 triệu ngôi nhà mỗi năm. Thách thức lớn nhất đối với tiến trình này là làm sao loại bỏ được những chất gây ô nhiễm ra khỏi rác thải thực phẩm và ngăn chúng làm nghẽn các ống dẫn khi được xử lý tại nhà máy.

Để làm điều này, cơ quan East Bay Municipal Utility District đã chỉ dẫn cho nhân viên nhà hàng và cửa hàng tạp hoá biết về sự cần thiết của việc tách riêng rác thải thực phẩm khỏi những thứ rác thải khác. Ông Williams thừa nhận: “Bạn đang tìm cách hướng dẫn công việc này cho một người dọn dẹp bàn ăn bận bịu suốt ngày vốn có lẽ chỉ làm công việc này vài tháng và đang nhận tiền lương ít ỏi.

Đó là điều không dễ dàng chút nào”. Dù vậy, việc phân loại rác thải có thể sẽ trở nên phổ biến trong thời gian tới, ít nhất là ở San Francisco. Chính quyền thành phố này vừa bắt buộc người dân và doanh nghiệp dùng 3 thùng rác có 3 màu khác nhau để đựng rác thải: màu xanh dương cho tái chế, màu xanh lá cây cho phân trộn và màu đen cho rác thông thường.

(Nguồn: Báo Người Lao động)