Thứ bảy, 27/04/2024 | 22:23 GMT+7

Phát triển tuabin gió nổi ngoài khơi

20/07/2009

Phát triển các tuabin gió ngoài khơi để sản xuất điện đang được thế giới chú ý bởi tiềm năng to lớn của nó. Nếu vận tốc gió ở lục địa khoảng 6 m/s thì vận tốc gió ngoài khơi lên đến 10 m/s. Đây chính là một hướng sản xuất điện sạch cho thế giới trước tình hình trái đất ngày càng ấm lên, môi trường bị ô nhiễm bởi các hoạt động sử dụng năng lượng không tái tạo của con người.

Vừa qua, Công ty Principle Power (Mỹ) chuyên về tuabin gió ngoài khơi - đã ký Biên bản thoả thuận ghi nhớ với Công ty Energias của Bồ Đào Nha (EPD) để phát triển theo từng giai đoạn dự án điện gió ngoài khơi ở vùng nước sâu trên biển của Bồ Đào Nha, sử dụng công nghệ “tuabin gió nổi”.

Phao tuabin gió ban đầu do Công ty Marine Innovation and Technology phát triển và thuộc quyền sở hữu của công ty Principle Power, là một công trình đang được thẩm định để cấp bằng sáng chế. Đây là một đế nổi cho các tuabin gió ngoài khơi. Công ty Principle Power cho biết công nghệ này giúp tránh sóng và chuyển động quay của tuabin, có thể giúp tuabin gió được đặt cố định ở các khu vực mà sau khi tính toán kỹ thấy khó có thể đặt móng được. Đó là các vùng nước sâu hơn 50 m và có gió mạnh hơn.

Theo thỏa thuận, Principle Power và EDP cùng phát triển một dự án điện gió ngoài khơi gồm có ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên sẽ gồm có việc sản xuất và lắp đặt một tuabin gió nổi đơn lẻ để kiểm chứng công nghệ. Giai đoạn thứ hai và giai đoạn thứ ba sẽ lần lượt triển khai việc tung ra sản phẩm tiền thương mại và tiến hành kinh doanh.

Ông Antonio Mexia, Giám đốc điều hành của EPD cho biết: “Tuabin gió ngoài khơi là một trong các ưu tiên đổi mới chính của chúng tôi. Việc phát triển các đế nổi cho các tuabin gió là một điều kiện tiên quyết để phát triển các trang trại gió ngoài khơi trên phạm vi toàn cầu, vì ít có những khu vực có đáy biển nông hơn 50 m và việc xây các cấu trúc cố định ở các vùng nước sâu hơn về mặt kinh tế là không khả thi.”

Trong khi đó, dự án tuabin gió nổi GEOMA của một hiệp hội do Công ty Blue H (Italia) đứng đầu là 1 trong số 30 dự án đã nhận được tiền hỗ trợ từ công quỹ theo chương trình “Phát triển Công nghiệp tới năm 2015” của Chính phủ. Điều này cho thấy Chính phủ Italia coi việc phát triển tuabin gió nổi rất quan trọng. Hiệp hội đã lên kế hoạch để phát triển ý tưởng tuabin gió công suất 3,5 MW, có đế nổi bằng bê tông cốt thép cho các vùng nước sâu của biển Địa Trung Hải.

Blue H (một công ty trong Hiệp hội) đã lắp đặt nguyên mẫu tuabin gió nổi đầu tiên trên thế giới vào mùa hè năm 2008 ở eo biển Otranto, đối diện với khu tự trị Tricase ở vùng Puglia, phía Nam Italia. Công ty hiện đang xây dựng một tổ tuabin 2 MW hoạt động đầu tiên ở Brindisi, mà theo dự kiến sẽ được lắp đặt ở cùng địa điểm ở phía Nam biển Adriatic trong năm 2009. Đây là hoạt động khởi động trong kế hoạch xây dựng trang trại gió ngoài khơi Tricase 90 MW, đặt cách đất liền 20 km.

Trong khi đó, ở Anh, Viện Kỹ thuật Năng lượng (ETI) cũng đầu tư khoảng 1,1 tỷ bảng (tương đương 1,54 tỷ USD) nhằm phát triển một giải pháp tổ hợp cho một tuabin nổi 5 MW được triển khai ngoài khơi trong vùng nước sâu từ 30 – 300 m.

(Nguồn: EECHN)