Thứ bảy, 23/11/2024 | 04:20 GMT+7

Truyền tải điện không cần dây dẫn

28/11/2008

Thay vì phải đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng các đường dây cao thế, các cây cột điện với những “mớ bùi nhùi” làm mất mỹ quan thành phố, không lo lắng mất điện do thiên tai bão lũ … ý tưởng xây dựng các trạm truyền dẫn điện trên nguyên tắc cảm ứng điện từ được coi là khá táo bạo và mới mẻ của nhóm sinh viên kỹ thuật ĐH Bách khoa Hà Nội.

Ý tưởng táo bạo

Nguyễn Minh Hoàng và một nhóm sinh viên kỹ thuật của ĐH Bách khoa Hà Nội đang nghiên cứu một ý tưởng táo bạo về công nghệ truyền tải và sử dụng điện theo mô hình tiên tiến. Mục đích của ý tưởng là thay thế việc truyền tải thông thường từ nơi phát đến nơi tiêu thụ điện năng bằng dây cao thế theo nguyên tắc cảm ứng điện từ.

 

“Chúng tôi sẽ xây dựng một nhà máy (nguồn) công suất lớn tạo ra các xung điện từ truyền qua không gian dưới dạng sóng điện từ. Tại những nơi có nhu cầu thu, phát điện sẽ lắp đặt một hệ thống nhận luồng sóng điện từ từ trạm phát trung tâm. Hệ thống này có chức năg theo nguyên lý dòng điện cảm ứng tùy theo nhu cầu và mục đích sử dụng để điều chỉnh điện áp cho phù hợp … Việc tạo ra hệ thống chúng tôi vừa đề cập không quá phức tạp so với công nghệ tiên tiến hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề lớn đặt ra là khi sóng điện từ truyền đi nó sẽ tọa thành một mạng lưới điện từ trên phạm vi rộng gây tác dụng sinh lý không tốt đối với con người và làm ảnh hưởng tới toàn bộ sóng thông tin liên lạc, sóng vô tuyến truyền hình trên toàn quốc, đặc biệt là ngành vận tải hàng không. Chúng tôi đang nghiên cứu và mong nhận được những giải pháp khắc phục điểm yếu này từ các nhà khoa học”. Minh Hoàng cho biết.

 

Khó khả thi

KS điện tử Phạm Huy Bạo, nguyên trưởng phòng Thí nghiệm sóng siêu cao tần, Học viện Kỹ thuật quân sự nhận định: Về lý thuyết thì điều này có thể thực hiện được, tuy nhiên để triển khai trên thực tế thì rất ít tính khả thi. Thế giới cũng chưa có quốc gia nào thực hiện dù lý thuyết này đã được tìm thấy từ lâu. Với sóng từ trường cao như thế sẽ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Hiện nay, nhiều trường điện cao thế dưới cột điện 500kV đã ảnh hưởng rất lớn tới người dân sống xung quanh đó.

 

Nếu thực hiện truyền tải trên một khu dân cư thì phải có lồng sắt bao bọc toàn bộ khu dân cư đó để tránh nguồn điện từ trường. Nếu chỉ đơn giản để tiết kiệm chi phí đường dây điện thì đó là điều không tưởng. Trên thế giới người ta có thể biến năng lượng điện ở mức cực cao đến mức không có tác động hoặc tác động nhỏ đến con người, nhưng công nghệ này Việt Nam chưa làm được. Vì cường độ đó, có thể di chuyển được cả vật chất chứ không nói gì đến năng lượng.

 

Tuy vậy, ý tưởng này có thể ứng dụng trong phạm vi không gian nhỏ, có các phương tiện để giảm tác động của sóng điện từ như trong khu vực một phòng thí nghiệm, một tòa nhà hay giữa các phòng làm việc với nhau trong điều kiện không có mạch điện cố định.

 

PGS.TS Nguyễn Quốc Trung, Trưởng khoa Điện tử Viễn thông, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng có kết luận tương tự với ý tưởng này của các em: Việc cố gắng đi tìm các giải pháp cải thiện điều kiện sống dựa trên kiến thức đã học trong nhà trường là việc làm tích cực, đáng hoan nghênh. Tuy nhiên đây là một ý tưởng khó có tính thực thi, Hoặc nếu làm được thì sẽ biến cả nước thành một cái lò vi sóng. Năng lượng điện để truyền tải được theo đường này phải rất lớn. Bản thân sóng điện thoại di động, cũng phải có sự hỗ trợ của pin mới tiếp nhận được sóng, và nó cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe con người. Nếu thực hiện các trạm truyền điện kiểu này, sẽ biến tất cả chúng ta giống như đang sống trong chiếc lò vi sóng. Nguồn điện nhỏ thì không thể truyền tải theo cách này. Xét trên tất cả các phương diện thì ý tưởng này khó thực thi.

 

PGS.TS Nguyễn Quốc Trung cũng sẵn sàng trả lời trực tiếp những thắc mắc của nhóm tác giả ý tưởng và cho rằng không nên mất công nghiên cứu thêm vì ý tưởng, không có khả năng thực thi.

 

(Theo Khoahoc&Doisong)