Trước đây, các trường hợp chạm chập chỉ được phát hiện sau khi kết thúc kỳ ghi điện hằng tháng, khi Điện lực tiến hành phúc tra danh sách khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 30% trở lên. Từ thực tế này, PC Đà Nẵng đã xây dựng phần mềm “Phân tích cảnh báo sản lượng điện bất thường thời gian thực từ đo xa” dựa trên kết quả phân tích hằng ngày 4 nhóm trường hợp: “tăng đột biến”, “giảm đột biến”, “bình thường”, “không sử dụng” với biểu đồ trực quan, hỗ trợ người dùng nhận định khả năng chạm chập điện trước khi kiểm tra thực tế.
ThS. Huỳnh Thảo Nguyên, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Đề tài nhằm giúp phát hiện kịp thời các trường hợp chạm chập điện trong vòng từ 2-3 ngày tránh phát sinh hóa đơn tiền điện tăng cao đột biến, đồng thời tránh được tai nạn điện giật. Ngoài ra, công trình cũng góp phần nâng cao sự hài lòng của khách hàng dùng điện khi chủ động cung cấp thông tin sử dụng điện bất thường qua email, SMS...; tăng năng suất lao động, tiết kiệm được chi phí nhân công kiểm tra thực tế nhờ khoanh vùng thu hẹp phạm vi tìm kiếm, đồng thời góp phần giảm tổn thất điện năng, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận.
Cụ thể, phần mềm được xây dựng đã tính toán đưa ra được kết quả phân tích sản lượng điện của hơn 340.000 khách hàng, với dữ liệu tổng hợp hằng ngày hơn 9 triệu dòng dữ liệu bản ghi (mỗi khách hàng được thu thập đo xa 4 lần/ ngày, tổng hợp trong 7 ngày), thời gian tổng hợp trên máy tính trung bình khoảng 30 phút, cho kết quả nhanh chóng.
Phần mềm cũng đưa ra được biểu đồ chỉ số công tơ theo thời gian một cách trực quan trong vòng 7 ngày, giúp nhân viên Điện lực sử dụng chương trình xác định sản lượng tăng giảm đột biến hoặc bình thường, phục vụ tư vấn, chủ động thông tin kịp thời đến khách hàng sử dụng điện.
"Kết quả tính toán cho thấy phương pháp phân tích sản lượng bất thường theo thời gian thực từ đo xa “Khoanh vùng tốt hơn” đối với nhóm tăng đột biến, nhóm giảm đột biến từ 18% xuống còn 0.44%, giúp giảm nhân lực kiểm tra đi thực tế. Riêng đối với nhóm không sử dụng điện, việc khoanh vùng được mở rộng hơn, đồng nghĩa việc theo dõi phát hiện các trường hợp nghi ngờ trộm cắp điện sẽ được nhiều hơn và hiệu quả trong công tác giảm tổn thất điện năng thương mại." - ThS. Huỳnh Thảo Nguyên thông tin thêm.
Chia sẻ về giá trị ứng dụng, nhóm nghiên cứu cho biết đề tài nghiên cứu đã hỗ trợ ngành điện phát hiện kịp thời chạm chập, rò rỉ điện trong nhân dân: hạn chế tối đa phát sinh tiền điện tăng cao, tránh các tai nạn điện chết người. Đồng thời, hỗ trợ ngành điện chủ động cung cấp thông tin sử dụng điện thường xuyên đến khách hàng (qua email, SMS, Zalo...) khi có bất thường: nâng cao sự hài lòng đối với khách hàng, giúp khách hàng chủ động kiểm tra việc sử dụng điện tiết kiệm; qua đó sẽ tác động đến ý thức của một số khách hàng khi có hành vi trộm cắp điện.
Công trình sáng kiến đã được Công ty Điện lực Đà Nẵng triển khai áp dụng thành công với hơn 75 vụ chạm chập điện được phát hiện từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2021.
Giao diện chương trình
Tháng 4/2021, nhóm tác giả công trình đã tập huấn hướng dẫn, chuyển giao phần mềm để triển khai nhân rộng trong 13 Công ty Điện lực thuộc Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC). Chỉ trong nửa tháng 5/2021, qua công cụ này, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung đã phát hiện, hỗ trợ khách hàng xử lý 56 trường hợp đường dây sau công tơ bị chạm chập điện. Cho đến tháng 8/2021, toàn EVNCPC đã phát hiện được gần 600 vụ chạm chập điện.
Đến tháng 5/2021, nhóm tác giả công trình đã tập huấn hướng dẫn, chuyển giao thuật toán từ công trình cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc/Trung/Nam, Công ty Công nghệ thông tin (EVNiCT), đến nay đã được tích hợp thống nhất vào chương trình Hệ thống thông tin quản lý khách hàng CMIS áp dụng trong toàn EVN.
Ứng dụng “Phân tích cảnh báo sản lượng điện bất thường thời gian thực từ đo xa” do nhóm tác giả PC Đà Nẵng gồm: Huỳnh Thảo Nguyên (chủ nhiệm); Lê Hồng Cương, Võ Hòa (đồng chủ nhiệm); Phan Quang Tú, Bùi Văn Minh, Huỳnh Văn Tiến (thành viên) nghiên cứu. Ứng dụng đã đạt giải Ba - Giải thưởng sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam VIFOTEC 2020 của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam; Sách Vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. |
Mai Anh